(KTSG Online) - Khoảng 20 nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp sản xuất thiết bị công nghiệp đầu cuối đã cùng nhau hội tụ trong mục tiêu tìm kiếm các nhà cung cấp linh phụ kiện ở Việt Nam.
Sự kiện diễn ra ngày 8-9 tại TPHCM đã quy tụ các tên tuổi như Samsung Electronics Việt Nam, Techtronic Tools Việt Nam (TTI), Panasonic Việt Nam, Bosch Việt Nam, Konica Minolta Business Solutions Việt Nam, Platinum...
- Nhà cung cấp thiết bị phụ trợ: vì sao 'thúc' mãi không lớn?
- Công nghiệp ô tô: 30 năm gian nan với giấc mơ nội địa hóa
Với danh mục hơn 500 chi tiết linh kiện có nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước, cộng đồng doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối tiếp xúc với khoảng 130 nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có tiềm năng tham gia chuỗi cung ứng.
Theo Sở Công Thương TPHCM, một trong ba đơn vị là nhà tổ chức sự kiện Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2022 (SFS 2022), có hơn 300 cuộc kết nối đã được xác định trước để hai bên tìm hiểu làm ăn.
Tại sự kiện, hầu hết các doanh nghiệp FDI tham gia với vai trò là bên mua đều khẳng định có nhu cầu tìm kiếm các nhà cung cấp tại chỗ để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm và giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh nguồn cung ứng thế giới đã thay đổi do dịch Covid-19.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (Sở Công Thương TPHCM), cho biết các tập đoàn sản xuất lớn của thế giới hoạt động tại Việt Nam đang đẩy mạnh việc tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ để tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Theo bà Oanh, những nhà sản xuất nước ngoài muốn tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước để tối ưu hóa trong sản xuất, từ lâu và sau dịch Covid-19 nhu cầu tăng tỉ lệ nội địa hóa của các nhà đầu tư này càng cao.
Đơn cử, Tập đoàn TTI (Mỹ) mong muốn tìm nhà cung cấp cho hàng trăm chi tiết linh kiện; công ty Điện Quang vừa muốn tìm nhà mua hàng, vừa tìm cơ hội hợp tác thu mua các loại linh kiện phục vụ cho lĩnh vực sản xuất mới.
“Nhu cầu tìm các sản phẩm linh kiện trong nước của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài rất lớn. Vấn đề hiện nay là khả năng đáp ứng của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế”, bà Duy Oanh nhận định, và cho biết Ban tổ chức đã chọn ra 130 doanh nghiệp từ hơn 200 hồ sơ doanh nghiệp đăng ký kết nối để giới thiệu cho các nhà mua hàng.
Ngoài ra, tại SFS 2022 còn có khu trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, linh kiện của bên mua cần tìm kiếm nhà cung cấp và khu trưng bày của đơn vị mạng lưới công nghiệp hỗ trợ; tổ chức cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố tham quan nhà máy của doanh nghiệp.
Tham dự và phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, cho biết những năm gần đây, TPHCM đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố liên kết cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị sản xuất và từng bước hiện đại hóa sản xuất trong nước, tiến tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ mở rộng sản xuất.
Việc tổ chức hội nghị này nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước nắm bắt các cơ hội thị trường, tiếp cận và từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẽ được học hỏi từ các doanh nghiệp FDI về trình độ quản lý, sản xuất, tạo động lực để đổi mới công nghệ mở rộng sản xuất, tham gia hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây là lần thứ 5 liên tiếp Sở Công Thương TPHCM tổ chức ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ. Lần này sự kiện do Sở Công Thương TPHCM phối hợp cùng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM; Ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM phối hợp tổ chức.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết tính chung, trong 5 lần tổ chức, hội nghị thu hút 96 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối. 1.320 cuộc tiếp xúc trực tiếp với 370 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có sản phẩm cung ứng phù hợp đã diễn ra trong các kỳ hội nghị.
Số lượng các nhà mua hàng, nhà bán hàng và các cuộc kết nối tăng dần qua từng năm cho thấy Hội nghị ngày càng có tầm ảnh hưởng và phát huy đúng vai trò kết nối, tạo cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp liên kết cùng phát triển mở rộng sản xuất.