Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các ông lớn dầu khí phát động “cuộc chơi mới” ở ngành điện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các ông lớn dầu khí phát động "cuộc chơi mới" ở ngành điện

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Tập đoàn dầu khí Shell (Anh - Hà Lan) tuyên bố sẽ trở thành nhà sản xuất điện số một thế giới trong 15 năm tới. Tập đoàn Total (Pháp) bỏ ra 1,7 tỉ đô la để mua lại Công ty điện lực Direct Energie vào năm ngoái. Trong khi đó, Tập đoàn BP (Anh) cũng đang ráo riết đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tất cả những động thái đó cho thấy các ông lớn dầu khí toàn cầu đang lấn sân sang ngành điện trong bối cảnh các nhà đầu tư đang gây sức ép buộc họ phải chuẩn bị ứng phó cho một tương lai khi nhu cầu nhiên liệu hóa thạch suy giảm.

“Ông lớn” dầu khí hướng tới năng lượng sạch

 

Các ông lớn dầu khí phát động
Tập đoàn dầu khí Shell đang phát động cuộc chơi lớn ở ngành điện. Ảnh: The Times

Theo Oilprice.com, gần đây các ông lớn dầu khí tiến hành thâu tóm các mạng lưới trạm sạc pin xe điện và các công ty sản xuất pin xe điện. Đây là một dấu hiệu cho thấy họ bắt đầu lấn sân sang mảng kinh doanh điện lực giữa lúc mảng kinh doanh dầu khí chủ lực của họ phải đối mặt với tương lai bất định do nhu cầu dầu mỏ toàn cầu được dự báo sẽ chạm đỉnh vào thập niên 2030.

Giờ đây, họ dấn thêm một bước xa hơn, đó là lên kế hoạch trở thành nhà cung cấp điện khổng lồ. Các tập đoàn dầu khí toàn cầu hiểu rõ tầm quan trọng của chuỗi cung ứng trong một ngành kinh doanh, do vậy một khi thiết lập được sự hiện diện ở hạ tầng trạm sạc xe điện, một phân khúc có nhu cầu sử dụng điện tăng trưởng nhanh nhất, họ cần phải tham gia lĩnh vực sản xuất điện.

Hôm 12-3, hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Maarten Wetselaar, Giám đốc bộ phận năng lượng mới và khí đốt tích hợp của Tập đoàn Shell, công ty dầu khí lớn thứ hai thế giới, cho biết Shell đang nhắm đến mục tiêu trở thành công ty điện lực lớn nhất thế giới trong vòng 15 năm tới. 

Ông nói Shell đang đầu tư hai tỉ đô la mỗi năm cho lĩnh vực năng lượng mới để mở rộng phát triển trong lĩnh vực điện lực đang có tỉ suất lợi nhuận hàng năm từ 8-12%.

Ông Wetselaar nói: “Chúng tôi tin có thể trở thành công ty điện lực lớn nhất thế giới vào đầu thập niên 2030”.

Hôm 24-3, công ty cung cấp điện First Utility (Anh) thuộc Tập đoàn Shell quyết định đổi tên thành Shell Energy và chuyển sang cung cấp điện từ các nguồn năng lượng tái tạo cho tất cả 700.000 khách hàng tại Anh. Shell Energy cũng lên kế hoạch lắp đặt các trạm sạc xe điện ở Anh trong năm nay.

Shell thâu tóm First Utility vào năm ngoái với giá khoảng 200 triệu đô la. Ngoài ra, Shell đã thâu tóm công ty vận hành mạng lưới trạm sạc xe điện lớn nhất châu Âu NewMotion (Hà Lan) và mua 44% cổ phần của Công ty năng lượng mặt trời Silicon Ranch Corp. (Mỹ) với giá 217 triệu đô la.

Giờ đây, Shell đang hợp tác với quỹ lương hưu PGGM (Hà Lan) tham gia đấu giá mua Công ty năng lượng Eneco với giá chào mua dự kiến có thể lên đến 3 tỉ euro. Là nhà cung cấp điện lớn thứ hai ở Hà Lan, Eneco chủ yếu khai thác các nguồn năng lượng sạch.

Tuy nhiên, Shell không phải là ông lớn dầu khí duy nhất phát động cuộc chơi mới ở lĩnh vực điện lực. Năm ngoái, Tập đoàn dầu khí Total (Pháp) đã thâu tóm Công ty điện lực Direct Energie, có trụ sở ở Paris, với giá hơn 1,7 tỉ đô la. Direct Energie đang phục vụ khoảng 2,1 triệu khách hàng ở Pháp và Bỉ.

Trước đó, vào năm 2016, Total cũng đã mua lại công ty cung cấp năng lượng tái tạo lớn thứ ba Bỉ, Lampiris, với giá khoảng hơn 200 triệu đô la.

Theo ông Patrick Pouyanne, Giám đốc điều hành Total, điện lực sẽ là năng lượng của thế kỷ 21, vì vậy Total sử dụng mọi cơ hội để mở rộng kinh doanh ở mảng này.

Trên thực tế, kể từ khi Patrick Pouyanne tiếp quản vị trí lãnh đạo cao nhất ở Total vào năm 2014, tập đoàn này tiến hành một loạt vụ thâu tóm trong ngành điện bao gồm mua 23% cổ phần Công ty năng lượng tái tạo Eren với giá 237 triệu euro, thâu tóm Công ty sản xuất pin xe điện Saft và hai công ty điện lực Lampiris và Direct Energie.

Hồi tháng 6 năm ngoái, Tập đoàn dầu khí BP (Anh) thâu tóm công ty quản lý mạng lưới trạm sạc xe điện lớn nhất nước Anh, Chargemaster, với giá 170 triệu đô la. BP dự báo đến năm 2040, số lượng xe điện ở Anh sẽ tăng lên con số 12 triệu chiếc, so với 135.000 chiếc vào năm 2017. Trước đó, vào năm 2017, BP đã chi 200 triệu đô la để nắm giữ 43% cổ phần của nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất châu Âu Lightsource.

Trong báo cáo triển vọng thị trường năng lượng hàng năm công bố hồi tháng 2-2019, BP dự báo năng lượng gió, mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác sẽ chiếm khoảng 30% nguồn cung điện toàn cầu vào năm 2040, tăng so với mức 10% hiện nay.

Một số nhà phân tích cho rằng lĩnh vực phân phối và sản xuất điện đang trở thành một “chiến trường mới” của các ông lớn dầu khí.

Andrew Critchlow, trưởng ban tin tức phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Công ty cung cấp thông tin thị trường hàng hóa và năng lượng S&P Global Platts, cho biết viễn cảnh các ông lớn dầu khí trở thành các ông lớn điện lực hàng đầu trên toàn cầu rất thực tế vì họ không chỉ có những tham vọng lớn mà còn có cả tiềm lực tài chính lớn để thực hiện tham vọng đó.

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới