Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các quỹ quản lý tài sản kỳ vọng giá vàng tăng tiếp vì căng thẳng địa chính trị

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các nhà quản lý tài sản đánh giá căng thẳng địa chính trị dâng cao giữa Nga,Trung Quốc với phương Tây và rủi ro của hệ thống tiền tệ toàn cầu nằm dưới sự chi phối của đô la Mỹ sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy thị trường vàng.

Các quỹ quản lý tài sản kỳ vọng giá vàng tăng tiếp vì căng thẳng địa chính trị, rạn nứt trong hệ thống tiền tệ toàn cầu và môi trường lạm phát cao. Ảnh: Financial Times

Vàng hưởng lợi nhờ nhu cầu giảm phụ thuộc vào đô la

Tuần trước, tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết hợp tác chống lại sức ép mang tính “thù địch và phá hoại” của Mỹ. Hôm 20-5, chỉ vài ngày sau cuộc gặp đó, giá vàng tăng vọt lên mức cao kỷ lục 2.450 đô la Mỹ/ounce, đánh dấu mức tăng 25% kể từ đầu tháng 10 năm ngoái, ngay trước khi xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra ở Dải Gaza.

Đà tăng giá vàng được củng cố bởi sự rạn nứt của hệ thống tiền tệ toàn cầu khi các nước như Nga và Trung Quốc tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la để hạn chế tác động từ các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ.

Tuy nhiên, khi tài sản trú ẩn an toàn này tăng lên mức mức cao nhất tính đến nay, Chris Forgan, nhà quản lý danh mục đầu tư đa tài sản của Fidelity bày tỏ lo ngại vàng không còn nhiều dư địa tăng giá.

Một trong những yếu tố gây khó hiểu khi xem xét đợt tăng giá hiện tại của vàng là sự mất kết nối giữa kim loại quý này với hai biến số thường có mối liên hệ chặt chẽ: đồng đô la Mỹ và lãi suất thực (được điều chỉnh theo lạm phát) của trái phiếu chính phủ Mỹ.

Forgan, người đã giảm tỷ lệ phân bổ vào vàng trong danh mục đầu tư từ 6% xuống 3% để chốt lợi nhuận từ đợt tăng giá gần đây, cho biết sự mất kết nối đang ngày càng lớn.

Một yếu tố lớn đằng sau sự mất kết nối này là các ngân hàng trung ương tăng cường mua vàng kể từ đầu năm 2022 với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Họ tăng dự trữ vàng để bảo đảm có thể chống chọi trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, đứng đầu là Mỹ, nước có thể “vũ khí hóa” tính ưu việt của đồng đô la Mỹ trên thị trường thương mại toàn cầu.

Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương, dẫn đầu là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), thực hiện đợt mua vàng trong những tháng đầu năm với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Họ mua tổng cộng 290 tấn vàng trong ba tháng đầu năm. Động thái đóng băng của phương Tây đối với một nửa trong số dự trữ ngoại hối trị giá 600 tỉ đô la của Nga, được định danh bằng đô la Mỹ và euro, sau cuộc xung đột Nga-Ukraine là chất xúc tác chính cho làn sóng mua vàng này.

Thêm vào đó là làn sóng mua vàng của người tiêu dùng Trung Quốc khi thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán địa phương gây thất vọng, đồng thời lo ngại về lạm phát dai dẳng và mức nợ toàn cầu cao. Tất cả những yếu tố này giúp giá vàng liên tục thiết lập đỉnh cao mới.

Ngay cả khi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Mỹ giảm bớt trong những tháng gần đây, giá vàng vẫn tiếp tục tăng. John Reade, giám đốc chiến lược thị trường của WGC, nói điều đó chỉ ra rằng lý do mọi người mua vàng “thực sự không liên quan nhiều đến thị trường tài chính Mỹ và phương Tây”.

Thay vào đó, ông tin rằng lý do nhu cầu vàng tăng liên quan nhiều hơn đến cái mà ông gọi là “phi đô la hóa mềm”. Theo đó, các quốc gia nằm ngoài mạng lưới đồng minh của Mỹ tìm cách đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối bằng cách bổ sung thêm vàng, một phần vì không có loại tiền tệ nào khác có thể thay thế đô la Mỹ.

Dữ liệu của WGC cho thấy, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng, công cụ đầu tư vàng phổ biến của các nhà đầu tư phương Tây, tiếp tục ghi nhận dòng vốn bị rút ròng trong quý đầu tiên của năm 2024. Có nghĩa là trọng tâm của nhu cầu vàng nằm ở phương Đông.

Căng thẳng địa chính trị, lạm phát sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng?

Các trở ngại kinh tế vĩ mô, chẳng hạn như đồng đô la mạnh hơn và lãi suất thực cao hơn, có thể hạn chế dư địa tăng giá của vàng, theo Nicky Shiels, người đứng đầu chiến lược kim loại của MKS Pamp, công ty tinh luyện vàng của Thụy Sĩ. Bà cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến đà tăng của giá vàng khựng lại ở mức 2.300 đô la/ounce trong hai tuần cuối tháng 4.

Nhưng diễn biến vĩ mô cũng có thể trở nên tích cực hơn. Tuần trước, khi Mỹ công bố dữ liệu cho thấy lạm phát tháng 4 suy yếu, nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực hiện hai đợt giảm lãi suất trong năm nay. Lãi suất của Mỹ giảm sẽ dẫn đến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, điều sẽ có lợi cho vàng, tài sản không có lợi tức.

“Tôi không dám khẳng định có một sự thay đổi mang tính hệ thống trong các yếu tố thúc đẩy giá vàng”, Chris Forgan của Fidelity nói.

Nhưng nhiều nhà quản lý quỹ tin rằng các rủi ro liên quan đến địa chính trị và hệ thống tiền tệ chỉ ngày càng nghiêm trọng hơn. Họ nêu ra tình trạng xung đột chưa thấy hồi kết ở Ukraine và Trung Đông, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ có thể báo trước sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump, lạm phát dai dẳng và khoản nợ toàn cầu 315 nghìn tỉ đô la Mỹ

Họ nói, các bất ổn đó giúp củng cố vai trò quan trọng của vàng như một công cụ bảo toàn tài sản, vì kim loại này có xu hướng tăng giá trong thời kỳ biến động toàn cầu và khi nhiều loại tài sản khác giảm giá.

Alex Chartres, nhà quản lý quỹ của Công ty quản lý tài sản Ruffer, lập luận, mọi người muốn sở hữu “những thứ mà các chính phủ không thể in ra” khi giải pháp khả thi duy nhất để Mỹ giải quyết khối nợ công khổng lồ của nước này là “áp chế tài chính” (financial repression, thuật ngữ được sử dụng để mô tả các biện pháp tăng nguồn thu ngân sách hoặc giảm nợ của chính phủ).

Steven Jermy, một lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành năng lượng tái tạo ở Anh, đồng ý với nhận định này. Ông đang nắm giữ phần lớn tài sản bằng vàng. Ông dự báo giá vàng sẽ tăng thêm khoảng 30% vì ông tin Mỹ cần lạm phát cao để giúp giá trị thực của nợ công giảm dần theo thời gian. “Nếu bạn mua trái phiếu và cổ phiếu, chúng sẽ sinh lời nhưng sẽ bị lạm phát xóa sạch”, ông nói.

Nhưng giá vàng vẫn có thể giảm trong thời gian tới nếu người tiêu dùng Trung Quốc không còn hào hứng mua vàng để bảo toàn giá trị tài sản của họ.

Hiện tại, không có cách nào dễ dàng để Bắc Kinh xoay chuyển tâm lý kinh tế trong nước, với rủi ro toàn cầu gia tăng và nhà đầu tư phương Tây sẵn sàng mua vàng khi họ tin rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất.

“Vàng là công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư và là tài sản phòng thủ chống lại sự bất ổn về tiền tệ và địa chính trị. Chúng tôi kỳ vọng cả hai vai trò của vàng sẽ gia tăng trong năm tới khi thế giới đang bước vào một kỷ nguyên dễ lạm phát và biến động hơn”, Chartres của Ruffer nói.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới