Thứ hai, 24/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các quỹ toàn cầu trở lại chứng khoán châu Á khi đô la hạ nhiệt

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các nhà quản lý quỹ đầu tư trên toàn cầu đang quay trở lại thị trường chứng khoán ở các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á trong bối cảnh đà tăng giá của đô la Mỹ khựng lại và làn sóng thuế quan ban đầu của Tổng thống Donald Trump không nghiêm trọng như lo ngại trước đây.

Bảng điện hiển thị điểm của chỉ số chứng khoán chuẩn Kospi ở phòng giao dịch của ngân hàng Hana Bank tại Seoul, Hàn Quốc hôm 21-2 Ảnh: Yonhap

Căng thẳng thương mại không quá đáng ngại

Các quỹ đầu tư toàn cầu đã mua hơn 700 triệu đô la cổ phiếu tại các nước đang phát triển ở châu Á bên ngoài Trung Quốc trong 5 ngày tính đến ngày hôm 21-2, chấm dứt 7 tuần bán ròng liên tiếp. Chỉ số MSCI châu Á không bao gồm Trung Quốc mang lại cho nhà đầu tư mức lợi nhuận 1,8% vào tuần trước. Chỉ số này thu hẹp mức giảm trong 6 tháng qua xuống còn khoảng 12%.

Sự cải thiện đó càng củng cố thêm dấu hiệu cho thấy xu hướng có thể đang thay đổi với cổ phiếu ở khu vực sau khi hoạt động kém hơn so với các chỉ số cổ phiếu khác trên toàn cầu vào năm ngoái do đồng đô la Mỹ mạnh lên và lo ngại căng thẳng thương mại toàn cầu.

Dù mức tăng gần đây, chỉ số MSCI châu Á mới nổi không tính Trung Quốc vẫn còn tương đối rẻ, giao dịch ở mức gấp khoảng 15 lần ước tính thu nhập trong một năm tới, so với mức gấp 22 lần của chỉ số S&P 500 ở Phố Wall.

Theo Han Piow Liew, nhà quản lý quỹ của Maitri Asset Management, một công ty quản lý quỹ gia đình có trụ sở tại Singapore, với thuế quan của ông Trump triển khai chậm hơn và nhỏ hơn dự kiến, tâm lý ở các thị trường chứng khoán châu Á có thể sẽ cải thiện, mở ra một số đợt phục hồi

“Rào cản thương mại ít hơn dự kiến, cùng với đồng đô la yếu hơn và làn sóng giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương tạo nên môi trường toàn cầu có lợi hơn cho tăng trưởng”, ông nói.

Các nhà đầu tư ngày càng tin rằng, những lời đe dọa áp thuế của ông Trump chủ yếu là chiến thuật đàm phán.

Ví dụ, đầu tháng 2, ông Trump công bố kế hoạch áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, nhưng sau đó đồng ý hoãn lại sau khi 2 nước này chấp thuận một số yêu cầu của ông về việc siết chặt an ninh biên giới. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng hoãn kế hoạch đình chỉ quy định miễn thuế đối với các gói hàng giá trị thuế đến từ Trung Quốc và Hồng Kông.

Với nỗi lo về thuế quan lắng xuống, chỉ số đồng đô la của Bloomberg giảm hơn 3% so với mức cao nhất gần đây được thiết lập vào đầu tháng 2. Đồng đô la yếu hơn được xem là tín hiệu tích cực đối với nhiều nền kinh tế mới nổi ở châu Á, vốn phụ thuộc vào một số mặt hàng nhập khẩu được định giá bằng đồng bạc xanh. Đô la yếu cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương trong khu vực giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.

Có ít nhất một số dấu hiệu chỉ ra rằng, giai đoạn đồng đô la mạnh kéo dài sắp kết thúc. Các nhà quản lý tài sản đã cắt giảm các khoản cược đô la tăng giá trong 4 tuần liên tiếp, tính đến ngày 11-2, theo dữ liệu mới nhất từ ​​Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC).

“Giảm căng thẳng thương mại, ngay cả khi không được loại bỏ hoàn toàn, có thể tạo ra môi trường ổn định hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tại các thị trường mới nổi. Thuế quan của Mỹ ít nghiêm trọng hơn dự kiến có thể làm giảm căng thẳng thương mại, mang lại lợi ích cho các nền kinh tế châu Á phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu”, Manish Bhargava, CEO của Straits Investment Management ( Singapore) bình luận.

Chỉ số MSCI châu Á mới nổi không tính Trung Quốc vẫn còn tương đối rẻ, giao dịch ở mức gấp khoảng 15 lần (đường màu đen) ước tính thu nhập trong một năm tới, so với mức gấp 22 lần (đường màu đỏ) của chỉ số S&P 500 ở Phố Wall. Ảnh: Bloomberg

Dòng tiền đầu tư có động lực hơn

Nỗi lo về thuế quan giảm bớt đã thúc đẩy đà tăng trưởng chứng khoán ở các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Hàn Quốc, nơi chỉ số chuẩn Kospi tăng 5,5% trong tháng này, vượt xa mức tăng 1,3% của chỉ số S&P 500.

Cổ phiếu khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, tiếp tục được thúc đẩy nhờ hiệu ứng từ ứng dụng trí tuệ nhân tạo mới mà công ty DeepSeek của Trung Quốc ra mắt gần đây. Nhà đầu tư kỳ vọng AI có thể được áp dụng cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm các nhà sản xuất ô tô và các công ty thương mại điện tử ở châu Á.

“Chúng tôi rất hào hứng trước những cơ hội đầu tư hiện hữu trên khắp khu vực nhờ vào chu kỳ sản phẩm công nghệ mới. Khi AI trở nên phổ cập hơn, rẻ hơn và hiệu quả hơn, chúng tôi hy vọng sẽ thấy nhiều lợi ích khi đổi mới lan tỏa sang các nghành công nghiệp hạ nguồn (sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh), nơi các công ty châu Á có sự tiếp xúc đáng kể”,  Andrew Swan, giám đốc bộ phận cổ phiếu châu Á trừ Nhật Bản của công ty quản lý đầu tư Man Group (Anh) nói.

Chắc chắn, vẫn có khả năng ông Trump thực hiện nhiều lời đe dọa áp thuế, có thể thúc đẩy giá đồng đô la. Tuần trước, ông tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu khoảng 25% với ô tô, dược phẩm và chip.

Tuy nhiên, hiện tại, cổ phiếu ở các nước đang phát triển ở châu Á đang thu hút các quỹ toàn cầu.

William Yuen, giám đốc đầu tư của Invesco Hong Kong tiết lộ, ông đã tăng cường đầu tư vào một số thị trường chứng khoán ở ASEAN như Indonesia và Philippines. Invesco Hong Kong, tập trung vào cổ phiếu của ngành tiêu dùng, đã đánh bại 92% các quỹ đầu tư tương tự về hiệu suất đầu tư trong năm qua.

William Yuen cho rằng, sự kém hiệu quả của các cổ phiếu ở khu vực châu Á mới nổi do đồng đô la mạnh đã tạo ra cơ hội để đầu tư hấp dẫn.

“Cổ phiếu của nhiều công ty ở châu Á bị bán tháo vì các yếu tố vĩ mô bất lợi, nhưng chúng tôi nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của họ”, ông nói.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới