Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện nở rộ ở châu Á

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các nước châu Á đang chạy đua ra mắt các sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện trong những năm gần đây, tạo ra một cuộc cạnh tranh sôi động hơn. Nhưng câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu sàn giao dịch đủ khả năng tồn tại trong một thị trường có thể trị giá hàng trăm tỉ đô la Mỹ trong vài thập niên tới.

Sàn giao dịch Bursa Malaysia (Malaysia) đã khai trương sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện, có tên gọi Bursa Carbon Exchange (BCX) hồi đầu tháng này. Ảnh: Bernama

Trong tháng này, Sàn giao dịch Bursa Malaysia (Malaysia) đã khai trương sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện để gia nhập cùng với hơn một chục sàn giao dịch carbon khác đã được triển khai hoặc sắp ra mắt ở khu vực châu Á. Thái Lan và Nhật Bản đã ra mắt nền tảng giao dịch carbon của họ hồi tháng 9, và một tháng sau đó, đến lượt Hồng Kông đã ra mắt nền tảng giao dịch riêng. Singapore cũng đã có hai sàn giao dịch carbon non trẻ.

Thomas McMahon, đồng sáng lập AirCarbon Pte, công ty điều hành sàn giao dịch carbon AirCarbon Exchange (ACX) ở Singapore, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomerg: “Chúng tôi đang chứng kiến một cuộc chạy đua điên cuồng khác. Chúng tôi đã chứng kiến một cuộc đua tương tự trước đây trong những ngày đầu tiên của công nghệ blockchain (chuỗi khối) và tiền ảo”.

Các sàn giao dịch nói trên đang tham gia vào một thị trường mua bán tín chỉ bù đắp carbon tự nguyện được dự báo sẽ bùng nổ trong vài thập niên tới. Tuy nhiên, họ đang trải qua sự khởi đầu chậm chạp. Lượng giao dịch và giá cả tín chỉ carbon trên các sàn này đang sụt giảm, trong khi có những hoài nghi ngày càng tăng về mức độ các tín chỉ bù đắp carbon này thực sự đóng góp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Điều rõ ràng là tiền đang chảy vào thị trường mua bán tín chỉ carbon ở châu Á, với nhiều nhà đầu tư đặt cược rằng cam kết bảo vệ khí hậu của các nước và doanh nghiệp sẽ thúc đẩy thị trường này tăng trưởng.

Các sàn giao dịch carbon tự nguyện trong khu vực đã huy động được hàng chục triệu đô la Mỹ, với những bên hậu thuẫn mạnh mẽ gồm các quỹ quản lý tài sản nhà nước như Temasek Holdings của Singapore và Mubadala Investment của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cùng với các ngân hàng như Standard Chartered (Anh), DBS Group (Singapore).

Nhu cầu giao dịch tín chỉ carbon có thể tăng gấp 40 lần trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2050, lên 5,2 tỉ tấn khí thải carbon, tương đương khoảng 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, theo Công ty Tài chính năng lượng mới Bloomberg (BloombergNEF).

Giá tín chỉ carbon có thể đạt 120 đô la Mỹ/tấn vào thời điểm đó, có nghĩa là thị trường giao dịch tín chỉ carbon có thể đạt giá trị giá 600 tỉ đô la Mỹ trong gần 3 thập niên tới.

Các công ty tham gia vào thị trường bù đắp carbon tự nguyện như một cách để giảm lượng khí thải nhà kính từ các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của họ.

Một tín chỉ bù đắp carbon đại diện cho một tấn khí thải carbon dioxide (CO2) được loại bỏ hoặc không được thêm vào bầu khí quyển có thể được xác minh để đổi lấy một khoản thanh toán. Tín chỉ này được tạo ra thông qua các dự án năng lượng tái tạo, tái sinh rừng hoặc tăng hiệu quả năng lượng…

Một số khu vực, bao gồm Liên minh châu Âu (EU) và bang California (Mỹ) đang áp dụng các chương trình mua tín chỉ phát thải carbon bắt buộc đối với một số công ty gây ô nhiễm. Trong khi đó, nhiều sàn giao dịch carbon non trẻ ở châu Á thường là thị trường tự nguyện.

Theo Hannah Hauman, người đứng đầu bộ phận giao dịch carbon toàn cầu của Công ty kinh doanh hàng hóa Trafigura Pte (Singapore), một số sàn giao dịch carbon mới đang đón đầu những gì sắp xảy ra trong khu vực, bao gồm các chương trình mua bán phát thải carbon bắt buộc có thể được triển khai trong thời gian tới.

Federico Di Credico, Giám đốc điều hành phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Công ty ACT Commodities (Hà Lan), cho rằng các sàn giao dịch này đang nâng cao năng lực để có thể thu hút nhiều thanh khoản và giành chiến thắng trên thị trường giao dịch carbon.

Tuy nhiên hiện tại, các nền tảng giao dịch carbon trong khu vực đang gặp khó khăn trong việc thu hút đủ giao dịch, và vẫn còn lúng túng về tính minh bạch của các dự án bù đắp carbon.

Các nhà đầu tư và nhà phân tích cũng đang đối mặt với một năm ảm đạm phía trước khi các công ty gây ô nhiễm giảm mua tín chỉ carbon khi họ lo ngại về lạm phát và suy thoái kinh tế.

Mikkel Larsen, Giám đốc điều hành nền tảng giao dịch carbon Climate Impact X (CIX) của Singapore, cho biết để các hợp đồng được tiêu chuẩn hóa có thể sinh lãi, khối lượng giao dịch sẽ phải “cực kỳ cao”, nhưng thị trường vẫn chưa có sẵn. Ông nói: “Còn rất nhiều thứ cần cải thiện trên thị trường giao dịch carbon để tất cả chúng ta kiếm được tiền”.

Hiện tại, khả năng sinh lời nằm ở thị trường sơ cấp, nơi có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Ở thị trường đó, người mua sẽ mua tín chỉ carbon trực tiếp từ các nhà phát triển dự án bù đắp carbon, chẳng hạn như thông qua các cuộc đấu giá. Những tín chỉ này sau đó có thể được giao dịch trên các thị trường thứ cấp.

CIX, được hậu thuẩn bởi Sàn giao dịch Singapore (SGX) và Temasek, đã bán được 420.000 tín chỉ carbon thông qua các cuộc đấu giá khác nhau kể từ khi ra mắt.

Thomas McMahon, đồng sáng lập AirCarbon Pte, cho biết khối lượng tín chỉ carbon được xử lý qua sàn ACX đã đạt hơn 17 triệu. Ông kỳ vọng công ty ông sẽ đạt điểm hòa vốn vào năm 2025.

Sau khi huy động được được hơn 25 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư gồm Enterprise Singapore, Deutsche Boerse và Mubadala Investment, AirCarbon Pte đang muốn thu hút  thêm 50 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn mới. McMahon tiết lộ ACX nhắm mục tiêu doanh thu 33 triệu đô la Mỹ và 20 triệu tín chỉ carbon được giao dịch trong năm tới.

Nhiều nền tảng giao dịch carbon nữa sẽ được thành lập trong thời gian tới. Sàn giao dịch chứng khoán của Indonesia đang tìm cách phát triển nền tảng giao dịch carbon của riêng mình, trong khi Ấn Độ đang xây dựng một kế hoạch chi tiết cho một thị trường giao dịch carbon tự nguyện.

Một số chuyên gia khác không tin cơn bùng nổ của các sàn giao dịch carbon tự nguyện sẽ mang lại tác động có ý nghĩa đối với khí hậu. Gilles Dufrasne, lãnh đạo thị trường carbon toàn cầu tại tổ chức phi lợi nhuận Carbon Market Watch, nói: “Những sàn giao dịch carbon tự nguyện trong khu vực có thể thu hút các tổ chức tài chính, nhà đầu cơ, nhưng có lẽ không nhiều người mua thực sự muốn sử dụng tín chỉ carbon từ các sàn này cho các chiến lược khí hậu của họ”.

Theo Bloomberg

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới