(KTSG Online) - Các quỹ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á đang cảm thấy áp lực ngày một lớn hơn về lợi nhuận. Tỉ suất lợi nhuận trung bình của các nhà đầu tư hay quỹ đầu tư ở ASEAN chỉ là 4%, thua xa các con số đáng mơ ước như 50% ở Trung Quốc, 40% ở Mỹ, 20% ở châu Âu và thấp nhất là 10% ở Ấn Độ.
- Startup ví điện tử của Singapore muốn ‘thống trị’ thị trường ASEAN
- Thái Lan đặt mục tiêu phát triển 10.000 startup trong thời gian tới
Như vậy, theo các thông số này, đầu tư vào các startup ASEAN chỉ thu được tỷ suất lợi nhuận bằng 8-40% lợi nhuận ở nơi khác. Nói cách khác, đầu tư cùng một số vốn và trong cùng một thời gian vào các startup Ấn Độ, Trung Quốc và và Âu - Mỹ có thể kiếm được lợi nhuận nhiều hơn 2-12 lần ở Đông Nam Á.
Đó là kết quả có trong báo cáo thường niên do Google, quỹ đầu tư Temasek Holdings của chính phủ Singapore và hãng tư vấn Bain & Co của Mỹ công bố hôm 1-11.
“Hoạt động kinh doanh chậm lại, thị trường cũng không còn dễ tính với các vụ niêm yết lần đầu (IPO) khiến nguồn vốn nhỏ giọt và nhà đầu tư cũng trở nên khó tính hơn. Các quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực đang gặp khó khăn trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng cao và tình trạng suy thoái kinh tế. Vì thế, tâm lý nhà đầu tư càng bị đè nặng”, báo cáo viết.
Tỉ suất lợi nhuận trên tổng số vốn quỹ đầu tư rót cho các startup ASEAN cách đây 8-10 năm cũng cho thấy xu hướng tương tự. Tức vào năm 2013, lợi nhuận trung bình cho đầu tư vào Đông Nam Á là 40% (giảm 90% so với hiện nay), thấp hơn nhiều so với Ấn Độ là 130% (giảm hơn 92%) và Trung Quốc là 60% (giảm hơn 16%).
Fock Wai Hoong, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á của Temasek, lưu ý rằng cơ hội rút lui (thoái vốn) hạn chế cho các startup và nhà đầu tư. Đây là thách thức hàng đầu của startup trong khu vực bên cạnh lãi suất tăng. Việc thoái lui khỏi thị trường đại chúng phần lớn tập trung vào một số danh sách khởi nghiệp lớn, chủ yếu trên các sàn giao dịch của Mỹ.
“Các sàn giao dịch địa phương trên khắp Đông Nam Á kém thuận lợi hơn, do mức thanh khoản thấp hơn và các nguyên tắc về lợi nhuận nói chung bị siết chặt hơn”. Việc sang nhượng cổ phần cho đối tác thứ ba – thường gọi là giao dịch thứ cấp – ngày càng tăng tăng, và giá trị của các vụ sang nhượng lại càng trượt dốc.
Báo cáo cho rằng các quỹ đầu tư mạo hiểm đang ngày càng cảnh giác hơn, với 88% nhà đầu tư cảm thấy rằng họ đang phải đối mặt với các điều kiện thoái vốn khó khăn hơn. Đến 50% số nhà đầu tư chỉ thực hiện được một phần và không đạt được mục tiêu rút vốn. Điều này khiến các đối tác hữu hạn (LP) – nhà đầu tư góp vốn cho quỹ - sẽ phản ứng khi quỹ yêu cầu họ rót thêm tiền.
Nguồn tài trợ tư nhân cho các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm, so với mức đỉnh điểm trong dịch Covid-19, bởi ngày càng có nhiều nhà đầu tư thờ ơ với các startup chưa tạo ra doanh số lớn, hay lợi nhuận làm họ hài lòng. Điều này thể hiện, tại khu vực ASEAN chỉ có 564 giao dịch rót vốn trong nửa đầu năm 2023, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trị giao dịch giảm 70% xuống còn 4 tỉ đô la.
Trong khi các nhà đầu tư ngày càng trở nên thận trọng trong bối cảnh cơ hội kiếm lời đang hạn chế, báo cáo lưu ý rằng các công ty đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân (PE) tập trung vào khu vực lại đang dồi dào nguồn tiền mặt – thuật ngữ của giới đầu tư gọi là “bột khô” (dry powder) với số tiền kỷ lục 15,7 tỉ đô la trong năm 2022.
“Chúng ta đang ở trong một mô hình định giá mới và chi phí vốn có thể sẽ không trở lại mức như trong vòng 10 năm qua. Kết quả là cả nhà đầu tư và startup sẽ cần phải có kỷ luật, bớt 'ngáo giá', có đầu óc thực tế hơn trong việc đánh giá là nhảy vào đầu tư hay phải thoát ra”, Fock Wai Hoong nhận định.
Theo Nikkei Asia, DealStreetAsia