Thứ Tư, 2/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các startup điện hạt nhân của Mỹ chật vật tìm nguồn vốn

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ Mỹ có tham vọng thúc đẩy ngành công nghiệp điện hạt nhân nhằm giảm khí thải nhà kính. Song các công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực này đang đối mặt thách thức lớn về nguồn vốn và quy định quản lý, có thể làm trì hoãn các dự án xây dựng thế hệ lò phản ứng nhỏ, vốn được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Startup năng lượng hạt nhân Oklo, nơi Sam Altman, CEO của OpenAI, làm chủ tịch, đặt mục tiêu hoàn tất thương vụ sáp nhập với một SPAC vào đầu năm 2024 để niêm yết cổ phiếu. Ảnh: Metaverse Post

Kế hoạch đầu tư và niêm yết cổ phiếu liên tiếp bế tắc

Tuần trước, trong khuôn khổ hội nghị khí hậu COP28 của Liên hợp quốc ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA), Washington và 21 nước khác đã ký tuyên bố cam kết tăng công suất lắp đặt năng lượng hạt nhân lên gấp 3 lần vào năm 2050.

Trao đổi với Financial Times, các chuyên gia trong ngành ghi nhận tuyên bố đó là một bước tiến tích cực cho khí hậu vì năng lượng hạt nhân gần như không phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, họ cảnh báo, sự sụt giảm mạnh trong nguồn vốn tài trợ dành cho các startup đang phát triển lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) và các cơ sở hạt nhân tiên tiến khác đang đe dọa tham vọng của Mỹ.

Tháng trước, startup NuScale Power hủy bỏ kế hoạch xây dựng SMR đầu tiên ở bang Idaho của Mỹ, dù đã nhận được cam kết chia sẻ chi phí 1,4 tỉ đô la của chính phủ. Lý do là các công ty điện lực rút khỏi thỏa thuận mua điện từ dự án ở Idaho khi NuScale tăng giá điện dự kiến hơn 50% trong hai năm qua, lên 89 đô la Mỹ cho mỗi MWh. Ban đầu, dự án được thiết kế với mục tiêu cung cấp điện với giá trung bình 55 đô la/MWh trong suốt 40 năm. Nhưng NuScale buộc phải tăng giá bán điện dự kiến do chi phí đầu tư đội quá lớn và tiến độ hoàn thành dự án chậm trễ hơn so với kế hoạch ban đầu.

Thất bại này xảy ra sau sự sụp đổ của một thỏa thuận sáp nhập trị giá 1,8 tỉ đô la giữa startup X-energy, nhà phát triển công nghệ hạt nhân ở bang Maryland và công ty mua lại vì mục đích đặc biệt (SPAC) Ares Acquisition, nhằm giúp X-energy niêm yết cổ phiếu.

Giờ đây, thị trường đang tập trung vào việc liệu Oklo, một startup hạt nhân, nơi Sam Altman, CEO của OpenAI làm chủ tịch, có thể tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thành công thông qua một thương vụ sáp nhập vào AltC Acquisition, một công ty SPAC, hay không.

Thương vụ sáp nhập định giá Oklo ở mức 850 triệu đô la và AltC Acquisition sẽ cung cấp 500 triệu đô la để phát triển và thương mại hóa mẫu thiết kế lò phản ứng của startup này.

“Nhìn chung, một số nhà đầu tư ác cảm với các thương vụ IPO thông qua SPAC. Rồi sau đó, bạn chứng kiến dự án SMR đầu tiên bị hủy bỏ khi lạm phát khiến chi phí tăng mạnh, dẫn đến thỏa thuận của X-energy với các công ty điện lực thất bại. Vì vậy, nhà đầu tư chắc chắn sẽ hoài nghi hơn”, Marc Bianchi, nhà phân tích của ngân hàng Cowen, nói.

Niềm tin của nhà đầu tư suy giảm

Ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân đang chạy đua phát triển SMR, loại lò phản ứng hạt nhân tiên tiến mới, có công suất điện từ 300 MW trở xuống, bằng khoảng 1/3 công suất tiêu chuẩn. Chính phủ Mỹ và các nhà đầu tư tư nhân, bao gồm Rolls-Royce, General Electric và Hitachi, đã chi hàng tỉ đô la để thương mại hóa công nghệ này trong thập niên qua.

Nhưng sự kết hợp giữa lãi suất tăng, lạm phát cao và lo ngại về thành tích kém cỏi của ngành công nghiệp hạt nhân trong việc hoàn thành dự án đúng thời hạn và đúng ngân sách đã làm giảm sút niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng đối với các startup nhỏ và những công ty khác trong lĩnh vực này.

Cổ phiếu của NuScale, được niêm yết qua thương vụ sáp nhập với một SPAC vào năm ngoái, đã mất gần 1/3 giá trị sau khi hủy hợp đồng phát triển dự án SMR ở Idaho. Tính từ đầu năm, cổ phiếu này đã giảm giá 70%.

X-energy, được sự hậu thuẫn tài chính của tập đoàn hóa chất Dow, buộc phải sa thải nhân viên vào tháng trước sau khi không thể hoàn tất thương vụ sáp nhập với Ares Acquisition. Và Cơ quan hậu cần quốc phòng Mỹ xác nhận đã hủy bỏ thông báo về ý định trao hợp đồng cho Oklo để cung cấp năng lượng hạt nhân cho một căn cứ không quân ở bang Alaska.

Clay Sell, CEO của X-energy, giải thích, những khó khăn của NuScale, kết hợp với bất ổn kinh tế vĩ mô và chiến tranh ở Ukraine và Gaza, đã tác động tiêu cực đến kế hoạch vụ sáp nhập với Ares Acquisition.

“Khi chúng tôi công bố thỏa thuận sáp nhập, cổ phiếu NuScale đang giao dịch với mức giá cao hơn đáng kể so với giá IPO. Và khi chúng tôi hủy thỏa thuận, giá cổ phiếu của NuScale giảm về mức dưới 3 đô la. Các hiện thực đó trên thị trường đặt các nhà cung cấp vốn cổ phần đại chúng vào tình huống rủi ro”, Sell nói.

Oklo vẫn tự tin có thể ký kết thương vụ sáp nhập với AltC Acquisition vào quí 1-2024. Các lò phản ứng của Oklo có công suất 15 MW điện và có những lợi thế đáng kể so với công nghệ hiện có, bao gồm khả năng hoạt động từ 10 năm trở lên trước khi tiếp nhiên liệu mới. Oklo đặt mục tiêu xây dựng các lò phản ứng với chi phí dưới 60 triệu đô la, thấp hơn đáng kể so với các nhà máy điện hạt nhân lớn hiện nay ở Mỹ.

Thách thức từ quy định quản lý

Oklo đạt được thành công ban đầu khi thu hút được nguồn tài trợ từ chính phủ Mỹ và thỏa thuận cung cấp nhiên liệu hạt nhân từ Phòng thí nghiệm quốc gia Idaho cho dự án lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của startup này ở bang Idaho. Nhưng giống như nhiều startup hạt nhân thế hệ mới, Oklo đã gặp thất bại khi cố gắng chứng minh công nghệ với các cơ quan quản lý và trong quá trình gọi vốn.

Năm ngoái, Ủy ban quản lý hạt nhân Mỹ (NRC) từ chối đơn đăng ký xây dựng và vận hành dự án lò phản ứng ở Idaho của Oklo. Lý do là Oklo không cung cấp đủ thông tin về thiết kế lò phản ứng. Jacob DeWitte, CEO của Oklo, nói với Financial Times rằng quy trình đăng ký bị cản trở bởi đại dịch Covid-19 và công ty dự kiến ​​nộp đơn đăng ký mới vào năm tới.

Adam Stein, giám đốc đổi mới năng lượng hạt nhân tại Viện Đột phá, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho rằng các quy định quản lý của Mỹ không được thiết kế linh hoạt và chỉ  tập trung vào các lò phản ứng quy mô lớn hiện có, điển hình là các lò phản ứng làm mát bằng nước, có công suất 1 GW.

Những thách thức về quy định quản lý xuất hiện bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng ở Washington dành cho ngành công nghiệp hạt nhân. Chính quyền Tổng thống Joe Biden gần đây yêu cầu quốc hội phê duyệt 2,16 tỉ đô la để hỗ trợ các công ty ở Mỹ đang tìm cách tăng cường khả năng làm giàu và chuyển đổi nhiên liệu hạt nhân. Chính quyền liên bang cũng đảm bảo rằng các dự án điện hạt nhân không phát thải carbon sẽ đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế 30% trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA).

Kathryn Huff, trợ lý phụ trách năng lượng hạt nhân của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, thừa nhận ngành này phải vượt qua những thách thức ngắn hạn này nếu Mỹ và các nước khác muốn đạt được mục tiêu giảm phát thải vào năm 2050. Bà cho rằng, ít nhất 5-10 hợp đồng xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới cần được ký kết trong vài năm tới để có thể hoàn thành xây dựng vào năm 2035.

“Trong 2-3 năm tới, chúng ta cần có trong tay những hợp đồng đó, nếu không sẽ không đạt được mức tăng trưởng thương mại cần thiết để có được lượng điện sạch mà chúng ta cần cho năm 2050”, bà nói.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới