Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các startup khuấy động thị trường cà phê ‘take away’ của Indonesia

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tại Indonesia, mức độ yêu chuộng thức uống cà phê tăng nhanh trong vài năm qua nhờ sự đánh giá cao của giới trẻ đối với cà phê sản xuất trong nước. Cùng lúc đó, một loạt startup (công ty khởi nghiệp) kinh doanh chuỗi cửa hàng cà phê mang đi (take away) xuất hiện và đang gặm nhấm thị phần của những chuỗi cà phê của các “ông lớn” bao gồm Starbucks.

Một cửa hàng cà phê mang đi của startup Kopi Kenangan bên trong một khu mua sắm ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: malkelapagading.com

Cạnh tranh bằng giá bán và quảng bá qua mạng xã hội

Indonesia nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ tư thế giới sau Brazil, Việt Nam và Colombia. Đất nước đông dân nhất Đông Nam Á này cũng là quê hương của những loại cà phê nổi tiếng trên toàn thế giới, chẳng hạn như Mocha Java, Sumatra Mandheling và Sulawesi Toraja. Theo Statista, doanh thu từ ngành công nghiệp cà phê ở Indonesia ước tính đạt 9,5 tỉ đô la Mỹ trong năm nay và thị trường cà phê Indonesia dự kiến tăng trưởng hàng năm 9,8% cho đến năm 2025.

Các startup cà phê như Kopi Kenangan, Kopi Janji Jiwa, Fore Coffee và Kedai Kopi Kulo đã được thành lập trong bốn năm qua để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này. Tất cả đều hoạt động theo mô hình mua mang về, cho phép khách hàng đặt đồ uống yêu thích trên các ứng dụng dành cho thiết bị di động và đến nhận tại các quán cà phê yêu thích hoặc được giao ngay trước cửa nhà.

Họ cũng có chung một khái niệm kinh doanh: mỗi thương hiệu đều có cà phê sữa đá đặc trưng của mình, bên cạnh nhiều loại thức uống cà phê, trà và sô cô la khác. Họ thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ trên các mạng xã hội và thường tung ra những đợt bán giảm giá trên các mạng xã hội, ứng dụng giao đồ ăn hoặc trên ứng dụng di động của họ.

Trái ngược với cửa hàng nhượng quyền cà phê như Starbucks hoặc các chuỗi cửa hàng cà phê địa phương như Excelso, các startup này thường vận hành các cửa hàng nhỏ hơn với số lượng ghế hạn chế, nội thất đơn giản và không có kết nối WiFi vì hầu hết hoạt động kinh doanh của họ đến từ giao hàng và mua mang đi.

Giá cả phải chăng và chiến lược quảng bá mạnh mẽ thông qua các kênh truyền thông xã hội là điều cần thiết để tăng tính cạnh tranh của các tay chơi mới. Các chuỗi cà phê mang đi ở Indonesia thường bán một ly cà phê từ 18.000 - 22.000 rupiah (1,26 -1,53 đô la Mỹ), chỉ gần bằng một nửa giá cà phê của Starbucks, có giá từ khoảng 3 đô la.

“Giá bán là một yếu tố rất quan trọng bởi vì tại thị trường Indonesia, khách hàng thường không gắn bó với bất cứ thương hiệu cà phê nào. Họ sẽ luôn chọn thương hiệu cung cấp các chương trình khuyến mãi hoặc có mức giảm giá tốt nhất”, Sandeep Sharma, nhà phân tích tại Công ty nghiên cứu đầu tư Third Bridge, nói.

“Kỳ lân cà phê” sắp xuất hiện

Các cơ hội trong lĩnh vực cà phê và mô hình kinh doanh phục vụ nhanh gọn lẹ đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Tháng trước, Jiwa Group, công ty mẹ của startup cà phê mang đi Kopi Janji Jiwa, đã nhận được một khoản đầu tư không tiết lộ từ Openspace và Capsquare Asia Partners, trong khi đó, Hey Kafe cũng huy động vốn thành công từ Trihill Capital.

Nhưng Kopi Kenangan mới là startup tiên phong xu hướng cà phê mang đi ở Indonesia. Công ty này được thành lập vào năm 2017 và đã huy động được hơn 237 triệu đô la trong 5 vòng gọi vốn từ các nhà đầu tư như Sequoia Capital India, Alpha JWC và B Capital.

Kopi Kenangan là chuỗi cà phê bán mang đi phát triển nhanh nhất Indonesia xét theo mức định giá. Startup này đang điều hành 610 cửa hàng trên khắp đất nước và ứng dụng di động của nó đã nhận được hơn một triệu lượt cài đặt.

Kopi Kenangan đang trong quá trình huy động 100 triệu đô la từ Falcon Edge trong vòng gọi vốn Series C, mà nếu thành công, sẽ đưa mức định giá của công ty này lên trên 1 tỉ đô la để chính thức gia nhập câu lạc bộ các kỳ lân khởi nghiệp của Indonesia (các startup có mức định giá trên 1 tỉ đô la).

“Kopi Kenangan là một trong những công ty đã tận dụng được lợi thế cà phê bán mang đi trong thời kỳ đại dịch Covid-19 để kiếm mức lợi nhuận đáng kể. Nó đã và đang chiếm thị phần của các chuỗi cà phê như Starbucks và Max Coffee Indonesia, cũng như các chuỗi cà phê địa phương khác”, Sharma nói.

Edward Tirtanata, Giám đốc điều hành Kopi Kenangan, cho biết các cửa hàng của công ty này rất nhỏ và đơn giản, chỉ tương đương 10-20% diện tích của một cửa hàng cà phê bình thường. Điều này có nghĩa là chi phí thuê mặt bằng và chi phí hoạt động cho mỗi cửa hàng thấp hơn. Tirtanata nói thêm, việc cắt giảm chi phí cho phép công ty đầu tư nhiều hơn vào công nghệ và máy pha cà phê espresso tân tiến cũng như các nguyên liệu chất lượng tốt hơn để tạo ra các sản phẩm cao cấp.

Kopi Kenangan cũng thâm nhập vào lĩnh vực thực phẩm bằng cách tung ra dòng bánh mì và bánh ngọt mang thương hiệu Cerita Roti hồi cuối năm 2020. Đầu năm nay, startup này ra mắt cửa hàng bán gà rán mang về có thương hiệu Chigo. Gần đây, Kopi Kenangan khánh thành Kenangan Heritage, một quán cà phê cao cấp ở Jakarta.

Trong khi đó, startup Kopi Janji Jiwa nắm trong tay khoảng 800 cửa hàng nhượng quyền và startup Kedai Kopi Kulo cũng đã mở hơn 250 cửa hàng  trên khắp đất nước.

Dù thị trường đã trở nên đông đúc hơn nhưng Edward Djaja, Giám đốc điều hành startup Hey Kafe, tin rằng vẫn còn nhiều dư địa để các thương hiệu cạnh tranh trong lĩnh vực cà phê mang đi nhờ sự trỗi dậy của các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến. Ông cho rằng mô hình kinh doanh cà phê mang đi rất lý tưởng để phục vụ những khách hàng của các nền tảng này. Djaja tiết lộ 80% doanh thu của Hey Kafe đến từ việc giao các đơn hàng đặt mua đồ uống trực tuyến. Hey Kafe, được thành lập vào tháng 6-2020, đang có kế hoạch ra mắt một ứng dụng di động vào quý 2-2022.

Theo Kr-Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới