Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các startup Mỹ đối mặt thách thức lớn hơn trong năm 2023

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các công ty khởi nghiệp (startup) ở Mỹ vừa trải qua một năm tồi tệ ở hầu hết mọi thước đo, từ vốn đầu tư giảm mạnh cho đến số lượng nhỏ giọt của các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Song các dữ liệu hiện nay chỉ ra rằng, tình hình năm 2023 có thể còn thách thức hơn đối với họ.

Startup xe tự lái Argo AI, được Ford hậu thuẫn tài chính, đóng cửa hồi cuối tháng 10-2022 do thua lỗ quá lớn. Ảnh: Argo AI

Hồi đầu năm 2022, nhiều giám đốc điều hành và nhà đầu tư ở các startup vẫn kỳ vọng một lượng vốn đầu tư mạo hiểm kỷ lục đang chờ được giải ngân, đồng thời và cơn hưng phấn kéo dài đối với các xu hướng công nghệ mới sẽ hỗ trợ Thung lũng Silicon.

Rốt cục, thực tế cho thấy họ không may mắn như vậy. Khi năm 2022 khép lại, các nhà sáng lập và nhà đầu tư khởi nghiệp đang ‘gặm nhấm’ tổn thương của họ do đầu tư giảm mạnh, ít cơ hội biến vốn chủ sở hữu thành tiền mặt (thông qua IPO), quyết định sa thải những nhân viên mà họ từng nỗ lực chiêu mộ và xoay trục chiến lược kinh doanh. Các nhà đầu tư mạo hiểm, ngân hàng và nhà quản lý quỹ nhận định thị trường khởi nghiệp hiện bước vào một khởi đầu ảm đạm trong năm mới, bao gồm cả những dấu hiệu cho thấy mức định giá của các startup sẽ còn giảm hơn nữa.

Jesse Hurley, người đứng đầu bộ phận ngân hàng đầu tư vốn cổ phần toàn cầu của Ngân hàng Silicon Valley, chuyên cung cấp dịch vụ cho các startup và đầu tư mạo hiểm, nói: “Bạn muốn chắc chắn rằng thị trường đã chạm đáy trước khi đầu tư và mọi người vẫn chưa nghĩ rằng điều đó đã đến”.

Đầu tư vốn mạo hiểm vào các startup ở Mỹ trong năm 2022 ước tính giảm 1/3 so với năm 2021, theo dữ liệu của PitchBook. Vốn đầu tư cho các startup giảm liên tục qua mỗi quí trong năm ngoái.

Các lĩnh vực công nghệ nóng bỏng một thời đã bị hắt hủi. Bird Global (Mỹ), công ty cho thuê xe scooter điện được giới đầu tư yêu thích một thời và có lúc đạt mức định gần 3 tỉ đô la, đang có kế hoạch sáp nhập với một công ty Canada. Giá cổ phiếu của công ty này đã giảm hơn 97% sau khi thừa nhận với nhà đầu tư rằng công ty đã phóng đại doanh thu trong nhiều năm.

Cú sụp đổ của ngành công nghiệp tiền ảo đã xóa sổ nhiều startup đình đám trong lĩnh vực này, bao gồm sàn giao dịch FTX, vốn nộp đơn xin phá sản hồi tháng 11. Startup xe tự lái Argo AI, được Ford hậu thuẫn, và Electric Last Mile Solutions, nhà sản xuất xe tải van điện vận chuyển hàng hóa, có trụ sở ở bang Michigan từng được định giá hơn 1 tỉ đô la mỗi công ty. Nhưng cả hai công ty này đều đã đóng cửa trong năm qua do thua lỗ quá lớn và cạn tiền để duy trì hoạt động.

Vốn đầu tư mạo hiểm rót vào các startup ở Mỹ trong năm 2022 giảm xuống mức chưa đến 250 tỉ đô la, giảm 1/3 so với năm 2021, theo dữ liệu của PitchBook. Ảnh: WSJ

Cú sụp đổ của thị trường chứng khoán, lãi suất tăng nhanh và tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô trong năm ngoái đã nhanh chóng dập tắt cơn hưng phấn đầu tư trong năm 2020 và 2021 khi làn sóng chuyển dịch sang hoạt động trực tuyến và cơn bùng nổ thị trường cổ phiếu đã giúp các startup đón nhận một lượng vốn mạo hiểm kỷ lục.

Theo giáo sư tài chính Jay Ritter của Đại học Florida, thị trường IPO của Mỹ, con đường để startup huy động vốn và cho phép các nhà đầu tư thu hồi tiền mặt, trải qua năm tồi tệ nhất kể từ năm 1990. Trong năm qua, các startup được hậu thuẫn bởi các công ty đầu mao hiệm có trụ sở tại Mỹ đã sa thải hơn 35.000 nhân viên, theo dữ liệu từ Layoffs.fyi, một trang web theo dõi cắt giảm việc làm trong ngành công nghệ. Một số startup đã loại bỏ các kế hoạch kinh doanh hoặc gác lại kế hoạch ra mắt sản phẩm mới.

Một rủi ro khác đối với các startup là các đối tác dài hạn cung cấp vốn cho các công ty đầu tư mạo hiểm nhận được ít lợi nhuận hơn cho các khoản đầu tư của họ trong năm 2022 so với bất kỳ năm nào kể từ ít nhất là năm 2006, theo dữ liệu của Công ty đầu tư Hamilton Lane. Cộng thêm với những tổn thất đầu tư ở cổ phiếu đại chúng và các tài sản khác, họ không còn nhiều tiền mặt để lao vào những nỗ lực đầu tư mạo hiểm mới, Miguel Luiña, Giám đốc điều hành các quỹ đầu tư của Hamilton Lane, cho biết.

Trong quí 4-2022, mức định giá trung bình của các startup ở Mỹ giảm đến 43% so với một năm trước, theo PitchBook. Dù vậy, mức định giá hiện tại của họ vẫn cao hơn so với các công ty công nghệ đã niêm yết cổ phiếu.

Mike Volpi, nhà đầu tư mạo hiểm của Index Ventures, cảnh báo một khi các startup cạn vốn, mức định giá của họ sẽ tiếp tục giảm xuống.

Các thỏa thuận vay nợ có thể là giải pháp giúp các startup mới thành lập tránh được rủi ro mức định giá suy giảm thêm sau mỗi vòng gọi vốn. Dù vậy, điều này sẽ làm tăng thêm chi phí đối với họ. Theo PitchBook, các startup của Mỹ đã huy động được hơn 31 tỉ đô la nợ vay từ các nhà đầu tư mạo hiểm trong năm 2022, tính đến ngày 12-12.

2.750 startup của Mỹ không huy động thêm được bất kỳ  khoản vốn mạo hiểm nào sau khi huy động vốn thành công trong vòng hạt giống, thường là vòng gọi vốn đầu tiên từ các nhà đầu tư tổ chức trong năm 2021. Nhiều startup trong số này, hầu hết còn non trẻ và chưa sinh lời, có nguy cơ hết tiền trong năm tới: các vòng cấp vốn giai đoạn hạt giống thường cung cấp vốn giúp họ duy trì hoạt động trong thời gian trung bình từ 18 tháng đến 2 năm.

Mark Peter Davis, đối tác quản lý tại Interplay, một công ty đầu tư mạo hiểm và vườn ươm khởi nghiệp, nhận định: “Điều này sẽ khiến các startup chịu áp lực huy động tiền bằng mọi giá. Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều tổn thương”.

Môt số startup đã chấp nhận giảm mức định giá để huy động vốn. Hồi tháng 12, startup trí tuệ nhân tạo  Dataiku, có trụ sở ở New York, đã huy động 200 triệu đô la trong một vòng gọi vốn dựa vào mức định giá 3,7 tỉ đô la, giảm 21% so với mức định giá trong năm 2021.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới