Thứ bảy, 14/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các tập đoàn sản xuất ngoại ‘săn’ nhà cung cấp Việt

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hàng chục tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Bosch, Panasonic, Schindler, ABB, Techtronic Industries, Nextern, Rawlplug, Nipro,... đang có nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước với danh mục đặt hàng lên đến hàng trăm chi tiết linh kiện.

Thông tin này được ghi nhận tại sự kiện Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ (SFS) 2021 được khai mạc sáng ngày 24-11 tại TPHCM.

Đại diện các doanh nghiệp FDI đến tìm hiểu về khả năng cung cấp linh kiện của doanh nghiệp trong nước tại sự kiện. Ảnh: Hùng Lê

Cụ thể tại sự kiện có 22 doanh nghiệp là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang có nhà máy sản xuất tại Việt Nam tham gia với tư cách là những nhà mua hàng (Buyer).

Những tập đoàn này có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp trong nước thuộc các ngành nghề như điện, điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot và tự động hóa nhà máy, thiết bị truyền tự động, tự động hóa công nghiệp,...với danh mục hơn 400 chi tiết linh kiện.

Đáng chú ý, bên cạnh những đại diện đã xuất hiện trong các hội nghị lần trước như Samsung, TTI, Panasonics, Bosch, Juki, Towa, Nextern, Schindler,... SFS 2021 lần này còn mang đến những đại diện mới từ châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản. Đó là Rawlplug, Arevo, ABB, Fujikura Fiber Optics, Mabuchi Motor, Premo, Lixil, Einhell,...

Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Công nghiệp hỗ trợ thuộc Sở Công Thương TPHCM, các tập đoàn sản xuất lớn của thế giới hoạt động tại Việt Nam đang đẩy mạnh tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ để tăng tỷ lệ nội địa hóa. Dịch Covid-19 làm cho sản xuất công nghiệp giảm đáng kể và các nhà sản xuất nước ngoài muốn tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước để tối ưu hóa trong sản xuất.

"Nhu cầu tìm các sản phẩm linh kiện trong nước của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài rất lớn. Vấn đề hiện nay là khả năng đáp ứng của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế", bà Duy Oanh nhận định.

Ban tổ chức cho biết hội nghị năm nay diễn ra trong ba ngày 24, 25 và 26-11, với khoảng 100 nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có tiềm năng tham gia chuỗi cung ứng. Những nhà cung cấp nội địa này đã được các tập đoàn FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối chọn lọc và xác nhận sẽ tiếp xúc tìm hiểu khả năng cung ứng. Dự kiến sẽ có hơn 230 cuộc kết nối đăng ký trực tiếp và trực tuyến tại sự kiện này.

Qua 3 kỳ hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ trước đó, hàng chục doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đã trở thành nhà cung cấp cho những tập đoàn sản xuất lớn. Một số doanh nghiệp điển hình như Hiệp Phước Thành, Nhật Minh, Duy Khanh, Tiến Thịnh... đã có nhiều đơn hàng, cung ứng cho nhiều nhà sản xuất lớn và đang tìm thêm mặt bằng để mở thêm nhà máy.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho biết do bị đứt nguồn cung vì dịch bệnh từ Covid-19, nhiều nhà sản xuất nước ngoại tại Việt Nam đã tìm đến doanh nghiệp cung cấp trong nước để thay thế và nhằm tối ưu chi phí sản xuất. Nhằm nắm bắt cơ hội này, Duy Khanh cũng đang đầu tư một nhà máy mới ở khu công nghệ cao TPHCM dự kiến sẽ đưa vào khai thác vào năm tới. Biết về dự án đầu tư mới này, hiện một số tập đoàn lớn của nước ngoài cũng đã tìm đến Duy Khanh để tìm hiểu khả năng cung ứng trong thời gian tới, ông Tống chia sẻ.

Ban tổ chức cùng kỳ vọng hội nghị sẽ tiếp tục là cầu nối hiệu quả cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ được gặp gỡ trực tiếp, trao đổi cơ hội hợp tác gia công sản xuất, tạo động lực cho các nhà sản xuất Việt Nam mạnh dạn đầu tư đổi mới phương thức sản xuất, trang thiết bị, nhà xưởng. Từ đó, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tham gia các chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM.

Tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết đây là hoạt động được ngành công thương Thành phố duy trì tổ chức thường niên từ năm 2018 đến nay với mục tiêu kết nối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nhà sản xuất công nghiệp có chiến lược nội địa hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Đồng thời, việc tổ chức sự kiện này cũng nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam giao thương, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cung ứng và từng bước thao gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Hoan, làm sản phẩm công nghệ cao không đơn giản, không chỉ đòi hỏi nhà nước hỗ trợ hay doanh nghiệp phải tự thân vận động mà rất cần sự chia sẻ của doanh nghiệp mua hàng. Đáng chú ý, doanh nghiệp trong nước cần phải cải tiến, kiên trì bền bỉ mới có thể hy vọng trở thành nhà cung cấp để có thể từng bước tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài.

Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2021 (SFS 2021) do Sở Công Thương TPHCM phối hợp cùng Ban Quản lý các Khu chế xuất - khu công nghiệp thành phố (HEPZA), Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố (SHTP) tổ chức. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song song việc tổ chức kết nối trực tiếp tại Hội nghị SFS 2021, Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ còn tổ chức thực hiện kết nối trực tuyến thông qua nền tảng zoom với mục đích vừa duy trì kết nối cung cầu hiệu quả, vừa đảm bảo công tác an toàn phòng chống dịch bệnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới