(KTSG Online) – Các tập đoàn đa ngành hàng đầu của Thái Lan, nằm dưới sự kiểm soát của nhóm tài phiệt giàu có của đất nước, dự kiến thâu tóm thêm tài sản ở nước ngoài trong những năm tới, theo thông tin từ DLA Piper, một trong những hãng luật lớn nhất thế giới. Những doanh nghiệp dồi dào tiền mặt này muốn nhìn xa hơn nền kinh tế trong nước, vốn đang trì trệ, để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.
- Nikkei Asia: Giá trị các tập đoàn công nghệ Thái Lan và Singapore tăng mạnh
- Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan đầu tư 1,45 tỉ đô la vào Việt Nam
Waranon Vanichprapa, đối tác quản lý quốc gia Thái Lan của hãng luật DLA Piper, cho biết các tập đoàn thuộc sở hữu gia đình và các công ty niêm yết khác ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á có khả năng tăng cường đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, dịch vụ tài chính, bất động sản, khách sạn và bán lẻ trong những năm tới.
Các công ty Thái Lan đã công bố các thương vụ trị giá khoảng 107 tỉ đô la Mỹ để mua tài sản ở nước ngoài kể từ năm 2012, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Các thương vụ này, dẫn đầu bởi Central Group của gia tộc Chirathivat, Charoen Pokphand Group của tỉ phú Dhanin Chearavanont, TCC Group của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi và Tập đoàn dầu khí PTT thuộc sở hữu nhà nước, đã giúp các công ty Thái Lan thiết lập chỗ đứng trong lĩnh vực bán lẻ, đồ uống và năng lượng từ Việt Nam đến châu Âu và Mỹ.
“Bạn không thể coi các tập đoàn Thái Lan là công ty Thái Lan nữa. Họ là những công ty toàn cầu hoặc khu vực sau khi mở rộng mạnh mẽ ra nước ngoài trong 15 năm qua”, Waranon Vanichprapa nói và cho biết thêm, DLA Piper gần đây đã giúp các công ty địa phương hoàn tất các giao dịch ở Brunei, Việt Nam, Mexico, Mỹ và Đức.
Việc các tập đoàn Thái Lan tăng cường đầu tư ra nước ngoài diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á đang phục hồi chậm chạp, chỉ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 1,9% trong thập niên qua. Thêm vào triển vọng ảm đạm của kinh tế Thái Lan là nợ hộ gia đình cao gần kỷ lục và nợ công ngày càng gia tăng trong bối cảnh lãi suất cao nhất trong một thập niên.
Thị trường chứng khoán Thái Kan sụt giảm, bước vào chu kỳ giảm giá trong tháng này sau khi các quỹ nước ngoài rút ròng hơn 5 tỉ đô la Mỹ trong năm nay. Điều này cũng phủ bóng đen lên triển vọng của các doanh nghiệp Thái Lan. Nhà đầu tư nước ngoài bán tháo cổ phiếu Thái Lan vì họ lo ngại về khả năng nợ chính phủ tăng do kế hoạch phát tiền mặt cho người dân theo kiểu chủ nghĩa dân túy.
Trong tháng này, Bloomberg đưa tin, Chatchaval Jiaravanon, thành viên của gia tộc tỉ phú sở hữu tập đoàn Charoen Pokphand Group, dẫn đầu một nhóm các nhà đầu tư rót vốn vào CMAG Funds, một quỹ đầu tư mới do Wonder Capital Group (Hồng Kông) quản lý. Theo Gigi Chan, người sáng lập và CEO của Wonder Capital, cùng với Công ty bất động sản IFCG (Thái Lan), quỹ này đặt mục tiêu huy động 100 triệu đô la để dầu tư vào bất động sản cao cấp ở Đông Nam Á.
“Chúng tôi thực sự tin rằng thị trường Đông Nam Á là một trong những cơ hội hứa hẹn nhất cho các nhà đầu tư toàn cầu”, Chan nói.
Khoản đầu tư đầu tiên của CMAG Funds sẽ là tòa tháp Mesong ở Phnom Penh, cao nhất Campuchia. CMAG sẽ là cổ đông lớn của tòa tháp phức hợp 71 tầng này. Meson, dự án thuộc đơn vị phát triển bất động sản của Wonder Capital, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Bất động sản toàn cầu chịu tổn thương trong năm qua, một phần do lãi suất tăng cao, khiến các tòa tháp văn phòng trống rỗng và không còn người mua mới. Nhưng Chatchaval Jiaravanon, người cũng sở hữu tạp chí tài chính Fortune, coi quỹ mới sẽ mang lại cơ hội đầu tư lâu dài ở một thị trường mà ông quen thuộc.
“Dù lãi suất cao bao nhiêu, nhu cầu về bất động sản cao cấp vẫn luôn tồn tại. Thị trường cao cấp không chỉ cung cấp cho thị trường địa phương mà còn cho cả khách hàng quốc tế, vì vậy, tôi khá lạc quan về bất động sản hạng sang ở Đông Nam Á”, Chatchaval Jiaravanon nói.
Trong khi đó, trong năm nay, PTT Oil & Retail Business (OR), đơn vị kinh doanh xăng dầu và bán lẻ của tập đoàn PTT, đã phân bổ vốn đầu tư 900 triệu đô la Mỹ để mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á và bên ngoài khu vực này. OR dành nguồn lực đầu tư đáng kể cho các hoạt động tại Campuchia, Lào và Việt Nam. Những nước này đại diện cho một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, với đầu tư nước ngoài ngày càng tăng nhờ quá trình đô thị hóa nhanh chóng các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc.
Thương hiệu PTT Stations của OR ban đầu chỉ tập trung vào các trạm dừng cung cấp nhiên liệu nhưng giờ đây đã trở thành trung tâm phục vụ nhu cầu đời sống với 2.500 cửa hàng bán lẻ và nhà hàng trên khắp châu Á. OR thành lập chuỗi quán cà phê Café Amazon vào năm 2002. Hiện nay, đây là một trong 10 chuỗi quán cà phê hàng đầu thế giới, với hơn 4.300 cửa hàng trên khắp 11 quốc gia châu Á.
Theo Bloomberg, SCMP