(KTSG Online) - Các thương hiệu thời trang phương Tây ngày càng không cùng quan điểm về việc gia công sản xuất quần áo tại Myanmar, nước từng nổi lên là một trong những nhà xuất khẩu hàng may mặc phát triển nhanh nhất thế giới trước khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính vào năm ngoái.
- Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dệt may hậu Covid-19
- Ngành dệt may dự báo vẫn đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ đô la Mỹ
Thương hiệu bán lẻ thời châu Âu Primark gia công sản xuất áo khoác đi mưa và áo khoác parka từ 25 nhà máy ở Myanmar. Nhưng tháng trước, Primark cho biết họ sẽ rút khỏi nước này. Lý do mà công ty đưa ra là gặp khó khăn trong việc đảm bảo an toàn và quyền lợi của công nhân ngành may mặc địa phương. Trước đó, các nhà bán lẻ thời trang châu Âu khác, bao gồm Aldi South Group, C&A và Tesco cũng lần lượt tuyên bố dừng gia công sản xuất tại Myanmar.
Trái lại, các hãng thời trang khác như H&M của Thụy Điển và Inditex (Tây Ban Nha), chủ sở hữu thương hiệu Zara, và Fast Retailing (Nhật Bản), công ty mẹ của Uniqlo, quyết định ở lại đất nước Đông Nam Á này. Người phát ngôn của H&M thừa nhận hiện nay có những quan điểm khác nhau về việc có nên duy trì quan hệ thương mại với Myanmar hay không nhưng công ty không có kế hoạch rời đi. Người phát ngôn nói H&M quan tâm đến một thực tế là nhiều người dân ở Myanmar dựa vào các công ty quốc tế để kiếm sống.
Inditex và Fast Retailing không đưa ra bình luận. Hồi tháng 7, Inditex cho biết đang hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp ở Myanmar và cam kết bảo vệ nhân quyền đối với công nhân ở đây.
Trọng tâm của cuộc tranh luận hiện nay là một lựa chọn khó khăn: tận dụng lao động giá rẻ của Myanmar và duy trì việc làm cho tầng lớp thu nhập thấp của nước này hoặc rời đi vì các nhóm nhân quyền cáo buộc rằng tình trạng lạm dụng lao động đã trở nên tồi tệ hơn dưới sự cai trị của quân đội.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan này phản ánh một môi trường toàn cầu rủi ro hơn cho hoạt động kinh doanh nói chung. Chẳng hạn, hàng trăm doanh nghiệp phương Tây đã tạm dừng hoặc rút hẳn khỏi Nga kể từ khi Moscow phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Một báo cáo công bố hồi tháng 9 của tổ chức Sáng kiến thương mại đạo đức (ETI), có trụ sở tại London, cáo buộc nhiều vi phạm lao động xảy ra ở các nhà máy dệt may ở Myanmar bao gồm việc làm việc quá giờ nhưng không được trả thêm lương và quấy rối tình dục bằng lời nói hoặc đụng chạm cơ thể. Báo cáo được thực hiện dựa trên cuộc phỏng vấn 3.120 công nhân từ 70 nhà máy may mặc ở Myanmar. ETI cho biết công nhân có rất ít cách để giải quyết những bất bình trong công việc kể từ khi quân đội lên nắm quyền.
Các thương hiệu thời trang nhanh thường không tự xây dựng hoặc vận hành các nhà máy may mặc. Thay vào đó, họ đặt hàng tại các nhà máy hoạt động độc lập, chủ yếu ở các nước châu Á đang phát triển, nơi họ có thể thuê công nhân để may quần áo với mức lương chỉ vài đô la Mỹ một ngày.
Trong những năm gần đây, các thương hiệu thời trang này đã thúc đẩy việc thực thi các tiêu chuẩn an toàn và lao động cao hơn tại các nhà máy mà họ ký hợp đồng sản xuất gia công. Chẳng hạn, họ tiến hành các đợt kiểm tra quy mô hơn, sau những thảm họa trong ngành dệt may, bao gồm sự cố sập nhà máy dệt may Rana Plaza ở Bangladesh khiến 1.100 công nhân thiệt mạng vào năm 2013, gây tai tiếng cho các thương hiệu thời trang phương Tây.
Ở Myanmar, việc người lao động bị từ chối trả đầy đủ lương và trợ cấp thôi việc đã là vấn đề lớn ngay cả trước cuộc đảo chính. Nhưng các nhóm nhân quyền cho biết môi trường chính trị bất ổn kể từ khi quân đội giành quyền kiểm soát đã khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Hồi tháng 9, Vicky Bowman, cựu đại sứ Anh ở Myanmar và là giám đốc Trung tâm Kinh doanh có trách nhiệm tại Myanmar, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư bao gồm các thương hiệu thời trang quốc tế, đã bị một tòa án của chính quyền quân sự kết án một năm tù với cáo buộc bà vi phạm luật nhập cư.
Trong 20 tháng qua, một số doanh nghiệp lớn của nước ngoài quyết định rời Myanmar, bao gồm hãng viễn thông Na Uy, Telenor và hai tập đoàn dầu khí Total Energies (Pháp) và Chevron (Mỹ). Chuỗi siêu thị giảm giá Aldi South, chuyên bán các sản phẩm thể thao, cũng quyết định rút khỏi Myanmar hồi tháng 9 -2021, với lý do tình hình kinh doanh khó lường và những khó khăn trong việc bảo vệ nhân quyền. Chuỗi cửa hàng bán lẻ thời trang C&A (Hà Lan) cũng thông báo rời khỏi Myanmar vì tình hình chính trị bất ổn.
Một số nhóm xã hội dân sự cho rằng các hãng thời trang phương Tây nên ở lại. Theo họ, không giống như các lĩnh vực dầu khí và viễn thông, cung cấp nguồn thu lớn cho chế độ quân sự của Myanmar, phần lớn số tiền mà các nhà bán lẻ thời trang phương Tây chi tiêu ở Myanmar là để trả lương cho công nhân dệt may và các chi phí sản xuất khác.
“Nếu họ ngừng gia công sản xuất quần áo ở Myanmar, phía bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là lao động ngành may mặc”, Ye Naing Win, Tổng thư ký Ủy ban hợp tác các công đoàn, một tổ chức lao động Myanmar, cảnh báo.
Báo cáo của ETI ước tính 320.000 công nhân Myanmar sẽ mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập nếu các thương hiệu thời trang châu Âu rút lui.
Một số thương hiệu thời trang phương Tây tạm dừng gia công sản xuất ở Myanmar sau khi cuộc đảo chính nổ ra hồi đầu năm 2021, nhưng đã nối lại hoạt động đặt hàng sau một vài tháng. Xuất khẩu hàng may mặc của Myanmar sang Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản trong nửa đầu năm 2022 tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 12% so với cùng kỳ năm 2020, theo thống kê thương mại của Liên Hợp Quốc.
Trong một báo cáo hồi tháng 7, Ngân hàng Thế giới cho biết đồng kyat của Myanmar giảm giá trong năm 2021 và 2022 đã giúp hàng may mặc do Myanmar sản xuất cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Nhưng đồng kyat yếu, với mức giảm 1/3 so với đồng đô la Mỹ kể từ cuộc đảo chính, đã góp phần đẩy tăng lạm phát ở Myanmar. Một nửa số công nhân may mặc Myanmar cho biết họ đang ăn ít hơn do ngân sách chi tiêu eo hẹp, theo cuộc khảo sát gần đây của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).
Theo WSJ