(KTSG Online) – Định hướng của ngành ngân hàng là 100% xây dựng được quy định nội bộ và thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Quyết định 1663 ngày 6-8-2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1604 ban hành năm 2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.
Trong đó có những nội dung bổ sung, chỉnh sửa liên quan đến phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh và nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức, đơn vị có liên quan. Chẳng hạn như mở rộng khái niệm từ “các ngân hàng” thành “các tổ chức tín dụng”, tức bao gồm nhiều định chế tài chính phi ngân hàng khác như công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân…
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, những bổ sung liên quan đến tổ chức tín dụng là cần thiết và có định hướng mở rộng điều kiện tiếp cận nguồn vốn xanh.
“Những điều chỉnh của ngành ngân hàng là rất cần thiết, kịp thời và việc thực hiện Quyết định vừa ban hành về những sửa đổi, bổ sung cho Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam sẽ có ý nghĩa định hướng và chiến lược rất quan trọng cho giai đoạn tới của ngành, cần được các tổ chức tín dụng đặc biệt quan tâm tổ chức triển khai thực hiện”, ông Lệnh đánh giá.
Trước đó, NHNN đã ban hành Thông tư số 17/2022 hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.
Theo đại diện NHNN chi nhánh TPHCM, quy chế cho vay và những quy định, hướng dẫn có liên quan về tín dụng xanh trong Thông tư này, cùng với xu hướng phát triển nhanh của một số ngành lĩnh vực (năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao…), các giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động của doanh nghiệp… sẽ là những yếu tố thúc đẩy mở rộng tăng trưởng tín dụng xanh.
NHNN trước đó cũng đưa vào nhiều chương trình tín dụng, cũng như ban hành nhiều văn bản liên quan như Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030, Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Mục tiêu của cơ quản quản lý các tổ chức tín dụng là yêu cầu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ và thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp tín dụng.
NHNN cũng đặt ra yêu cầu với các tổ chức tín dụng cần xem tín dụng xanh là xu thế hướng đến phát triển bền vững, từ đó lồng ghép vào việc kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực và thêm sản phẩm để đáp ứng nhu cầu.
Mặt khác, NHNN cũng khuyến cáo các doanh nghiệp thực hiện dự án xanh cần phối hợp cung cấp đầy đủ các thông tin về môi trường liên quan để thẩm định, kiểm soát chất lượng khoản vay, đồng thời nâng cao trách nhiệm ý thức bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án.
Trong giai đoạn 2017-2023, tín dụng xanh tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân hơn 22%/năm. Tính đến 31-3-2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt 636.964 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch
(chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%). Đáng chú ý là dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ và tăng hơn 20% so với 2023.
Bên cạnh đó, có đến 47,4% ngân hàng thương mại đã xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 90% các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro môi trường với một phần hoặc toàn bộ khoản vay, theo báo cáo của Viện nghiên cứu và đào tạo BIDV.
Một ý tưởng hay phải là ý tưởng bao hàm tính khả thi. Ngân hàng xanh là hướng đi đúng, nhưng chưa chắc khả thi, vì không mang tính quyết định đến động lực “xanh hóa” nền kinh tế. Tiêu dùng xanh, mới là nhân tố quyết định mọi thứ. Vậy nên phải bắt đầu từ đây thì mới xoay chuyển được tình hình.