Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội vẫn là cơ hội nếu…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội vẫn là cơ hội nếu…

Trúc Diễm

(TBKTSG) - Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ mang lại cơ hội lớn, làm thay da đổi thịt nền nông nghiệp nước nhà. Tuy nhiên, với những khó khăn nội tại, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến là không hề đơn giản.

Nông nghiệp 4.0: bao giờ?

Giúp nông dân làm... kinh tế nông nghiệp

Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội vẫn là cơ hội nếu…
Việc ứng dụng công nghệ cao là không hề đơn giản. Ảnh: Thanh Tao

Thời cơ để nông nghiệp Việt “thay da đổi thịt"

Sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam vẫn đang loay hoay ở những bước đi đầu tiên để hướng tới ngành kinh doanh nông nghiệp dựa trên nền tảng của sản xuất hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại và kết nối chuỗi giá trị trong và ngoài nước.

Cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành một điểm mốc phát triển về khoa học công nghệ trên toàn cầu. Nhờ vậy, ngành nông nghiệp thế giới nói chung và nông nghiệp của Việt Nam nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing) và công nghệ viễn thám (Remote sensing).

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho biết, các ứng dụng của công nghệ số sẽ góp phần làm tăng năng suất, chất lượng của cây trồng và giảm chi phí đầu tư so với phương thức truyền thống.

Các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo và xu hướng ứng dụng phần mềm, chip cảm biến trong các hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn, sẽ thúc đẩy tự động hóa quy trình trồng trọt, chăn nuôi và thủy hải sản.

Hiện nay, dữ liệu lớn đang giúp cải thiện chất lượng dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để ra quyết định sản xuất nông nghiệp. Công nghệ này đang được ứng dụng trong chương trình bảo hiểm, khuyến cáo trong các quyết định đầu tư trồng trọt của người sản xuất. Sự kết hợp giữa IoT và Big data sẽ làm thay đổi hoàn toàn chuỗi cung ứng trong thời gian tới.

Đối với các sản phẩm nông nghiệp, IoT sẽ chuyển từ hệ thống phân phối truyền thống sang buôn bán trực tuyến và kết nối người tiêu dùng với người sản xuất, phân tích và dự báo nhu cầu để ra quyết định sản xuất. Ngoài ra, IoT sẽ giúp tăng hiệu quả truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm.

Đối với hệ thống tổ chức hành chính công trong nông nghiệp, theo ông Tuấn, cơ hội để tận dụng công nghệ có thể thông qua công nghệ viễn thám kết hợp với IoT và Big data. Sự kết hợp các công nghệ ngày sẽ giúp hỗ trợ cho quản lý thông tin cho quy hoạch, giám sát cung - cầu, quản lý và cảnh báo thiên tai, dịch bệnh, kết nối thị trường và phản hồi chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ngoài ra, các công nghệ tiên tiến khác đang thịnh hành trong ngành nông nghiệp thế giới có thể kể tới như công nghệ sinh học. Đây sẽ là cơ hội giúp giải mã nhanh các hệ gen, tìm hiểu sâu về di truyền, có thể giúp chỉnh sửa mã gen để chữa các bệnh di truyền, tạo ra những giống cây trồng mới trong nông nghiệp có những tính năng thích ứng với hạn hán, nhiễm mặn hoặc chống sâu bệnh…

Triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao tại TPHCM. Ảnh: Thành Hoa.

Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là cơ hội ứng dụng nhiều vật liệu mới có những tính năng đặc biệt, vừa nhẹ hơn, bền hơn, có thể tái chế và dễ thích ứng trong sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, trên thế giới đã xuất hiện loại vật liệu thông minh có thể tự phục hồi hoặc tự làm sạch, các kim loại có khả năng khôi phục lại hình dạng ban đầu, gốm sứ và pha lê biến áp lực thành năng lượng.

Bên cạnh đó, robot ngày càng được ứng dụng nhiều trong các ngành chế tạo máy nông nghiệp, nhờ được trang bị các cảm biến loại siêu quang phổ, độ nét cao và máy ảnh nhiệt, được lắp đặt màn hình thời tiết và máy quét xung laser. Điều này cho phép robot nông nghiệp thu thập dữ liệu về kiểu hình thân cây, chiều cao cây, diện tích lá, cùng với những thông tin về điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm của đất… Dữ liệu thu thập được sẽ lưu trên máy tính tích hợp sẵn trong robot, đồng thời truyền đến máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh của người điều khiển.

Robot sẽ giúp làm tăng năng suất lao động, giảm chi phí quản lý, tối ưu hóa các yếu tố đầu vào, đầu ra, dự báo tăng trưởng và phát triển của cây trồng, ước tính năng suất sinh khối cho từng cây riêng lẻ hoặc cả nhóm cây trồng.

Cơ hội sẽ vẫn chỉ là cơ hội nếu…

Việt Nam là nước đi sau nên cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội quý cho nền nông nghiệp nước nhà nắm bắt các công nghệ mới diễn ra trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội này, chất lượng lao động là yếu tố quan trọng nhất để vừa áp dụng được công nghệ nhưng cũng vừa tự tạo ra những công nghệ của riêng mình.

Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là nước duy nhất bị sụt giảm về tăng trưởng năng suất lao động nông nghiệp. Năng suất lao động Việt Nam thời kỳ 2000 - 2014 so với một số quốc gia thuộc khối ASEAN còn rất khiêm tốn. So với Singapore (nước có mức năng suất lao động (NSLĐ) cao nhất châu Á), NSLĐ của Việt Nam chỉ bằng 1/20 năm 2000, và bằng 1/14 năm 2014.

“Trình độ thấp của người lao động đã ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận khoa học công nghệ (KHCN). Đặc biệt, ở những vùng miền kinh tế kém phát triển, còn nhiều khó khăn thì đây là rào cản lớn trong việc xây dựng quy mô của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực nông thôn có chất lượng không cao nhưng vẫn bị các khu vực khác cạnh tranh mạnh mẽ. Tình trạng đô thị hóa đã “hút” nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị, dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động, không có sức khỏe hoặc đang đi học. Điều này làm sâu thêm những “lỗ hổng” về đội ngũ nhân lực khu vực nông thôn vốn đã yếu kém về mặt chất lượng.

Trong khi đó, hệ thống giáo dục nghề còn lạc hậu, chưa đủ sức đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao cho sản xuất và đời sống, quản lý manh mún, chồng chéo dẫn đến sự lãng phí nguồn lực do tăng đầu mối quản lý và nhiều đơn vị cùng làm. Dạy nghề chưa kết hợp với sử dụng tạo việc làm, chưa gắn kết chiến lược đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Ngoài yếu tố về chất lượng nguồn lao động, năng lực ứng dụng, hấp thụ các công nghệ của doanh nghiệp cũng rất thấp. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại chủ yếu là do doanh nghiệp có quy mô và vùng nguyên liệu lớn.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ phổ biến trong nông nghiệp hiện nay vừa thiếu vốn, thiếu thông tin, vừa gặp nhiều hạn chế về thủ tục nhận hỗ trợ chính sách để có thể tiếp cận các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Phòng nuôi cấy hoa lan tại một khu nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Minh Duy

Bên cạnh đó, dù công nghệ sinh học là yếu tố quan trọng để phát triển nông nghiệp, nhưng năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay và tiếp cận làn sóng công nghiệp mới.

Theo ông Tuấn, nghiên cứu công nghệ sinh học tại Việt Nam trên thực tế mới dừng lại ở mức độ đơn giản là nghiên cứu tế bào, trong khi thế giới đã tiến tới nghiên cứu ở cấp độ gen và phân tử. Một số đề tài công nghệ sinh học vẫn chỉ là “thí nghiệm”, không ít đề tài đang nằm lưu trữ trong phòng thí nghiệm.

Ngân sách đầu tư cho nghiên cứu KHCN trong nông nghiệp còn hạn chế

Đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KHCN và phát triển công nghệ trong nông nghiệp cũng còn khá thấp. Cụ thể đầu tư công cho KHCN ở Việt Nam chỉ đạt 0,1% GDP. So với mức đầu tư công cho KHCN ở các nước ASEAN, Việt Nam chỉ bằng 1/4 so với Philippines và Indonesia, 1/7 so với Malaysia.

Đối với các quốc gia khác, tỷ lệ này là 1% GDP ở Úc, 1,3% GDP ở Canada, 0,7% GDP ở Mỹ, tức là gấp hàng chục lần so với Việt Nam.

Bên cạnh đó, nông nghiệp, nông thôn cũng rất khó thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế. Tổng nguồn lực xã hội đầu tư cho ngành nông nghiệp rất nhỏ (khoảng 6,0%) không tương xứng với đóng góp của ngành nông nghiệp cho nền kinh tế (chiếm khoảng 18% GDP). Trong khi đó, đầu tư của doanh nghiệp vào trang trại còn rất hạn chế. Tổng số doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản năm 2017 khoảng 7.000 doanh nghiệp, dù đã tăng đáng kể nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Với sự tham gia hạn chế của doanh nghiệp và các trang trại quy mô lớn, rất khó thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao, hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp hiện đại, có năng lực cạnh tranh.

Dù rằng nông nghiệp công nghệ cao sẽ là hướng đi quan trọng, giúp ngành nông nghiệp nước nhà thay da đổi thịt. Tuy nhiên, với những khó khăn trước mắt, việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp là không dễ dàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới