Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đứng trước nạn đói kim loại

TS. Nguyễn Thành Sơn (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 334/QĐ-TTg ngày 1-4-2023 phê duyệt “Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

“Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo, đã được trình Chính phủ và đang trong quá trình thẩm định. Chiến lược là tư duy, tầm nhìn và giải pháp chung. Quy hoạch khoáng sản sẽ cụ thể hóa chiến lược bằng các giải pháp bố trí lực lượng sản xuất của ngành khai khoáng theo không gian và theo thời gian dựa trên cơ sở thực tiễn và khoa học công nghệ để tiếp tục phát triển.

Sau đây là một số ý kiến đóng góp với mong muốn góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả ngành khai khoáng của Việt Nam.

Nhiều kết quả nghiên cứu và tính toán dựa trên các thông số về: tiêu dùng năng lượng, tiêu dùng nước ngọt, mức phát triển công nghiệp tối đa, chu kỳ của tài nguyên thiên nhiên, sự duy trì cân bằng sinh thái, tuổi thọ trung bình của con người được tính bằng 89+5 tuổi và bệnh tật là tối thiểu… cho thấy dân số tối ưu trên hành tinh xanh của chúng ta là 1-1,5 tỉ người. Nói cách khác, với mức tiêu dùng khoáng sản như hiện nay, thì cư dân trên trái đất phải sở hữu tới 3,8 hành tinh nữa tương tự như trái đất.

Trong tương lai gần, đến năm 2100, tiêu dùng của các nền kinh tế về các khoáng sản có ích (như than, dầu mỏ, khí đốt, khoáng chất cho sản xuất phân bón, và vật liệu xây dựng…) vẫn có xu hướng tăng vì chưa có vật liệu thay thế, đặc biệt là nhiên liệu, năng lượng. Vì vậy, dự báo con người vẫn đang phải tiếp tục sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo kết hợp với nguồn tài nguyên tái tạo. Để hài hòa trong việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, dự kiến thế giới sẽ diễn ra một cuộc cách mạng sinh thái song song với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, cuộc cách mạng sinh thái sẽ tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với ngành công nghiệp khai khoáng. Vì vậy, dự báo sẽ có những bước chuyển đổi sâu và rộng trong ngành công nghiệp khai khoáng theo hướng hiệu quả hơn và sạch hơn (để kéo dài sự tồn tại).

Nền kinh tế toàn cầu đang chuyển sang giai đoạn phát triển trong kỷ nguyên “hậu công nghiệp”, có nhu cầu lớn về tiêu dùng khoáng sản, đặc biệt là các loại khoáng sản quý hiếm. Trong thời đại ngày nay, nhân loại ngày càng sùng bái tiêu dùng và ngành khai khoáng đang trở thành con tin cho nhu cầu đó.

Các nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào mức tiêu dùng tài nguyên khoáng sản (đặc biệt là các kim loại hiếm). Ví dụ, tốc độ tăng nhu cầu đối với kim loại đồng - một kim loại không thể thiếu để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và năng lượng, là gấp đôi trong vòng 20 năm qua. Theo dự báo của các nhà phân tích, vào năm 2035, tiêu thụ đồng sẽ tăng thêm 50% so với hiện nay. Điều này là do sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô điện (có nhu cầu sử dụng đồng gấp 4 lần so với ô tô thông thường); sự phát triển mạnh của máy đo từ xa trong các đường ống dẫn dầu và khí đốt (cần có vỏ bọc bằng đồng)... Đối với các kim loại hiếm (đặc biệt là kim loại đất hiếm - REM), cung có xu hướng giảm và cầu có xu hướng tăng, nên giá trên thị trường vẫn tiếp tục tăng. Ví dụ, reni là nguyên tố không thể thiếu trong chế tạo động cơ máy bay, tổng sản lượng reni trên thế giới hiện chỉ có 54 tấn/năm và được Mỹ bao tiêu gần như toàn bộ.

Trung Quốc với ưu thế áp đảo về trữ lượng đất hiếm là một ví dụ. Vì vậy, đối với từng loại tài nguyên khoáng sản, thế giới sẽ hình thành các trung tâm quyền lực mới mà các nền kinh tế phải tìm cách để thích ứng.

Trong thăm dò địa chất, chỉ số hàm lượng biên của các khoáng vật có ích được sử dụng để đánh giá ngày càng giảm. Để khai thác khoáng sản, con người ngày càng phải đi xa hơn, xuống sâu hơn. Khai thác dầu khí từ trên đất liền đã phải xuống ven biển rồi phải ra ngoài khơi xa. Công nghệ khai thác khoáng sản rắn chủ yếu đã chuyển từ lộ thiên (trên -500 mét) sang hầm lò (dưới -1000 mét). Điều đó chứng tỏ tài nguyên khoáng sản đang cạn kiệt nhanh.

Quá trình cạn kiệt các mỏ quặng đang diễn ra trên khắp thế giới. Cứ theo xu hướng này, dự kiến thời điểm loài người phải “chia tay” với các loại tài nguyên khoáng sản do các nhà khoa học dự báo sẽ như trong biểu đồ 1.

Ví dụ về kim loại đồng, loại đã được sử dụng từ thời cổ đại. Trong quá khứ, mức tăng trưởng nhu cầu về đồng khoảng 3%/năm. Nhưng, chỉ tính trong vòng 15 năm, từ năm 2013-2027, mức tiêu thụ đồng sẽ bằng tổng sản lượng đồng được loài người sản xuất từ trước đến thời điểm năm 2013. Trong khi đó, dự kiến chỉ sau năm 2040, sản lượng đồng của thế giới sẽ giảm sâu do cạn kiệt tài nguyên (xem biểu đồ 2).

Trên trái đất, tài nguyên khoáng sản phân bố không đồng đều giữa các quốc gia, vì vậy sự khan hiếm giữa các quốc gia cũng không đồng đều. Không có quốc gia nào có thế mạnh tuyệt đối về trữ lượng khoáng sản, nhưng một số loại khoáng sản nhất định sẽ có những quốc gia có lợi thế gần như áp đảo về trữ lượng và có quyền dẫn dắt thị trường về loại khoáng sản đó. Trung Quốc với ưu thế áp đảo về trữ lượng đất hiếm là một ví dụ. Vì vậy, đối với từng loại tài nguyên khoáng sản, thế giới sẽ hình thành các trung tâm quyền lực mới mà các nền kinh tế phải tìm cách để thích ứng.

Tình hình chung đó đang đặt cách mạng công nghiệp 4.0 trước “nạn đói kim loại”.

Nếu vào những năm 1980, chỉ cần 20 kim loại để tạo ra một chiếc máy tính, hiện nay phải cần tới khoảng 60 kim loại. Để chế tạo một chiếc máy bay hiện đại, đang cần khoảng 80 kim loại.

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy các tiến bộ khoa học kỹ thuật và vì vậy sẽ làm tăng mức tiêu thụ kim loại. Cụ thể, sự phát triển của năng lượng tái tạo sẽ làm nhu cầu kim loại để chế tạo các tuabine gió tăng gấp 4 lần; tăng gấp 3 lần các kim loại cần cho chế tạo pin mặt trời; và tăng trên 10 lần nhu cầu kim loại cần cho chế tạo thiết bị lưu trữ điện (ắc quy). Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thiếu về kim loại.

(*) Nguyên Trưởng ban Chiến lược & KHCN Vinacomin, nguyên Viện trưởng Viện KHCN Titan Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới