(KTSG Online) – Điều tra địa chất, đánh giá các khoáng sản chiến lược, quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, tạo tiền đề hình thành nền công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản tiên tiến là những mục tiêu của chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Khai thác khoáng sản: không thể bỏ qua “bài học cây keo”
- Quy định điều kiện cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước
- Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long
Theo Baochinhphu.vn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 334/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược là cơ bản hoàn thành công tác điều tra địa chất, đánh giá các khoáng sản chiến lược, quan trọng phần đất liền; điều tra địa chất, khoáng sản vùng biển ven bờ, hải đảo; phát hiện, điều tra khoáng sản vùng biển sâu, xa bờ; điều tra các điều kiện địa chất khác nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dự trữ khoáng sản quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai.
Thăm dò đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2045 đối với các khoáng sản: than, urani, titan - zircon, đất hiếm, apatit, đồng, niken, thiếc, bauxit, cát thủy tinh và một số khoáng sản khác; cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản quốc gia đối với một số khoáng sản chiến lược, quan trọng, quy mô lớn (urani, đất hiếm, apatit, bauxit, titan, than, cát trắng, đá hoa trắng) làm cơ sở phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Chiến lược nhấn mạnh quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản; đầu tư công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản đạt trình độ các nước tiên tiến khu vực châu Á và các nước phát triển, hình thành công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; chấm dứt các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường.
TTXVN đưa tin, chiến lược địa chất, khoáng sản đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 85% diện tích lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các cấu trúc có triển vọng ở các khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ.
Điều tra, đánh giá lập bản đồ tai biến địa chất, địa chất môi trường các tỉnh thuộc khu vực miền núi, vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long; điều tra lập bản đồ di sản địa chất toàn quốc; hoàn thành điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ; điều tra, đánh giá cát, sỏi, vật liệu xây dựng các lưu vực sông.
Chiến lược nhấn mạnh hoàn thành điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các khu vực biển ven bờ có triển vọng khoáng sản sa khoáng và vật liệu xây dựng; điều tra địa chất tỷ lệ 1:500.000 một số vùng biển sâu, vùng biển quốc tế liền kề, gắn với tìm kiếm, phát hiện các khoáng sản biển sâu (kết hạch, vỏ sắt - mangan, khí hydrate...
Đẩy mạnh việc phát triển các dự án khai thác, chế biến đối với một số khoáng sản bauxit, titan-zircon, đất hiếm, niken. Sử dụng khoáng sản phải đảm bảo cân đối, hài hòa giữa xuất khẩu, nhập khẩu, trước hết đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước, cung cấp nguyên liệu cho các dự án chế biến, chỉ xuất khẩu khoáng sản đã qua chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định, đảm bảo hiệu quả kinh tế...
Phấn đấu đến năm 2045 hình thành nền công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản tương đương với các nước tiên tiến khu vực châu Á.