(KTSG Online) - Các chính sách thương mại của Mỹ, đặc biệt là vấn đề thặng dư thương mại và thuế quan trả đũa dưới thời Tổng thống Donald Trump, tiềm ẩn những rủi ro đáng kể đối với Việt Nam.
Quyết định gần đây của ông Trump về việc xem xét áp dụng thuế "có đi có lại" - tăng thuế lên hàng nhập khẩu từ các quốc gia với mức tương ứng như mức thuế mà các quốc gia đó áp lên hàng hóa Mỹ - đang dấy lên sự lo ngại trong bối cảnh thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ năm 2024 lên đến 123,5 tỉ đô la.

Thuế đối ứng có thể gây khó cho doanh nghiệp Việt Nam
Bản ghi nhớ của Tổng thống Trump chỉ đạo các cơ quan chức năng Mỹ xây dựng mức thuế nhập khẩu điều chỉnh cho từng quốc gia, dựa trên các yếu tố như thuế quan hiện hành, tỷ giá hối đoái, cán cân thương mại và các quy định khác. Các quan chức được yêu cầu trình báo cáo về kế hoạch "thương mại và thuế nhập khẩu đối ứng" trong vòng 180 ngày.
Theo CNN, các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Ấn Độ, Brazil, Việt Nam, các nước ASEAN khác và châu Phi, có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chính sách này. Nguyên nhân là do sự chênh lệch lớn về mức thuế quan giữa hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào các nước này và mức thuế mà Mỹ áp dụng cho hàng hóa của họ.
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương mới đây, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper đã đưa ra những tín hiệu tích cực, khẳng định rằng chính sách thương mại mới của Mỹ không nhắm vào Việt Nam và Mỹ mong muốn duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và nhà phân tích cho rằng không nên chủ quan, bởi Tổng thống Mỹ là người đưa ra quyết định cuối cùng.
"Chính sách của ông Trump luôn khó đoán. Mục tiêu của chính sách mới là giảm thặng dư thương mại với các nước. Việt Nam có thể bị nhắm tới vì có thặng dư thương mại lớn với Mỹ", PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM, nhận định.
Nếu Mỹ áp thuế cao trên diện rộng, mức độ đáng lo ngại sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng riêng với một số quốc gia, bao gồm Việt Nam, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như may mặc, giày da, đồ gỗ... có thể bị chuyển hướng sang các đối thủ cạnh tranh.
TS. Nguyễn Sơn (Đại học RMIT VN), cũng bày tỏ quan ngại về chính sách áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ và cho rằng, điều này có thể gây ra bất ổn cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Ông Sơn nhấn mạnh, Việt Nam đã phải chịu mức thuế 25% đối với mặt hàng thép từ năm 2018. Việc mở rộng áp thuế sang các mặt hàng khác và các biện pháp thương mại chặt chẽ hơn đặt ra những thách thức mới. Các ngành dệt may, điện tử và hàng tiêu dùng đối mặt với rủi ro giảm khả năng cạnh tranh và mất thị phần.

"Tính khó lường của các chính sách mới sẽ làm tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch đầu tư và hoạt động dài hạn. Các nhà sản xuất lớn có thể cần xem xét lại chiến lược chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến các khoản đầu tư FDI". Nền kinh tế Việt Nam có thể đối mặt với rủi ro từ biến động tiền tệ và sự bất định trong các động thái thương mại, không chỉ từ phía Mỹ mà còn từ các đối tác khác.
Tuy nhiên, Việt Nam có một số lợi thế nhất định như mức chênh lệch thuế quan giữa hai nước không quá lớn và Việt Nam đóng vai trò chiến lược trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.
Cần tăng cường ngoại giao kinh tế và giảm thặng dư với Mỹ
Để đối phó với tình hình này, Việt Nam cần chủ động thực hiện nhiều giải pháp. Đàm phán với Mỹ là cần thiết để tìm kiếm các biện pháp hợp tác nhằm giảm thiểu rủi ro bị áp thuế cao.
Củng cố chuỗi cung ứng nội địa và giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc để tránh bị áp thuế chống lẩn tránh là một yếu tố quan trọng khác. Mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ, đặc biệt thông qua việc tận dụng các FTA, là một giải pháp quan trọng.
Các ý kiến cho rằng kế hoạch thuế quan của Tổng thống Donald Trump có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại, nhưng cũng có thể mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán thương mại mới.
Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, ngoại giao kinh tế là yếu tố then chốt. Việt Nam cần duy trì và tăng cường các kênh liên lạc, tích cực đối thoại trực tiếp với chính quyền Tổng thống Trump để giảm thiểu khả năng bị áp thuế cao.
Đặc biệt, Việt Nam cần nỗ lực giảm thặng dư thương mại trong thời gian sớm nhất, bằng cách tăng cường nhập khẩu các mặt hàng giá trị lớn từ Mỹ, như máy bay, máy móc thiết bị...
Các mặt hàng khác như trái cây cũng có thể được xem xét để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam, đồng thời thể hiện sự sẵn sàng cải thiện sự chênh lệch này. “Chúng ta cần thương lượng với Mỹ và cần cho thêm thời gian thực hiện nhanh", ông Huân nói.

Còn TS. Nguyễn Sơn nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần áp dụng chiến lược đa chiều để ứng phó với các chính sách thương mại khó lường của Mỹ. Trong bối cảnh rủi ro gia tăng do phụ thuộc vào thị trường Mỹ, các ngành xuất khẩu chủ chốt nên đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là tận dụng các FTA với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc.
Tuy nhiên, thị trường Mỹ vẫn giữ vai trò trọng điểm, do đó, các doanh nghiệp cần kiên định tuân thủ các quy định và yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Ông lưu ý việc "tăng cường chứng minh và chứng nhận chuỗi cung ứng, đảm bảo minh bạch về nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm Việt Nam, tránh những nghi ngờ về việc trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc".
Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và tự động hóa là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất, giảm chi phí và duy trì khả năng cạnh tranh trước các áp lực thuế quan.
Các ngành công nghiệp cũng nên tập trung nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, bằng cách đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, thay vì chỉ tập trung vào sản xuất cơ bản. Các công ty cần phát triển hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn và xây dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Việt Nam cần tận dụng vị thế chiến lược trong chính sách đối ngoại của Mỹ bằng cách đảm bảo các hoạt động minh bạch và duy trì các tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường. "Hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội ngành và cơ quan chính phủ để chứng minh việc tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn thương mại quốc tế là rất quan trọng để duy trì khả năng tiếp cận thị trường và khả năng đàm phán các điều khoản tốt hơn", ông nói.
Chính phủ cần hỗ trợ pháp lý và chính trị, ngăn chặn các hoạt động thương mại bất hợp pháp và cải thiện cơ sở hạ tầng để tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế trong dài hạn.