Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Café Amazon: chuỗi quán “nạp cà phê và nạp điện”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Café Amazon: chuỗi quán “nạp cà phê và nạp điện”

Ricky Hồ

(KTSG) – Quán thứ năm của Café Amazon trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, TPHCM vừa khai trương được một tuần thì Gò Vấp phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trước đó, chuỗi cà phê này đã mở được bốn tiệm tại Bến Tre, TPHCM, Trà Vinh và Mỹ Tho.

Café Amazon: chuỗi quán “nạp cà phê và nạp điện”
Một quán trong chuỗi Café Amazon ở Thái Lan. Ảnh: DealStreetAsia

Hai nguồn năng lượng cần thiết cho ngày mới

Chính phủ nhiều nước trên thế giới đang thúc giục các hãng xe chuyển dần sang sản xuất và kinh doanh các loại xe điện trong nỗ lực giới hạn lượng khí thải. Tại Thái Lan, nhà điều hành các trạm xăng lớn luôn tin rằng người dân sẽ sớm chỉ cần tới hai nguồn “nhiên liệu”: điện và… cà phê. Bà Jiraporn Kaosawad, Giám đốc điều hành của Công ty Kinh doanh bán lẻ và dầu mỏ (PTTOR), cho biết tập đoàn này sẽ đầu tư 1,5 tỉ đô la Mỹ để hình thành hàng ngàn quán cà phê ở Thái Lan và nước ngoài nhằm đa dạng hóa doanh thu bên cạnh lĩnh vực dầu mỏ. “Ngành công nghiệp dầu mỏ và nhiên liệu cần chuẩn bị cho sự bùng nổ của xe điện trong tương lai”, bà Jiraporn nói với hãng tin Reuters.

Bà Jiraporn cũng cho rằng Café Amazon cần phát triển hơn nữa để tối đa hóa lợi nhuận từ các trạm sạc điện trong tương lai. Vài năm tới, người lái xe trong lúc chờ sạc điện xe hơi sẽ cần được phục vụ giải khát và mua sắm. PTTOR hiện có 2.000 trạm xăng khắp Thái Lan và có kế hoạch mở thêm 500 trạm nữa vào năm 2025. Tập đoàn này sẽ tăng nhanh số cây xăng có trạm sạc điện từ 30 trạm hiện nay lên 300 trạm vào năm tới.

Hiện số xe hơi chạy điện tại Thái Lan vào khoảng 200.000 chiếc. Chính phủ Thái Lan mong đợi số xe điện lăn bánh trên đường phố Thái Lan sẽ đạt 1,05 triệu xe vào năm 2025. Các hoạt động kinh doanh dầu mỏ hiện chiếm 90% doanh thu của PTTOR, nhưng chiến lược kinh doanh mới của tập đoàn xuất phát từ việc các chính phủ và tổ chức quốc tế kêu gọi và khuyến khích sử dụng xe điện trên quy mô toàn cầu. Kế hoạch chuyển sang các lĩnh vực phi dầu mỏ của PTTOR đòi hỏi khoản đầu tư lớn và bà Jiraporn đã nói với Bangkok Post rằng tập đoàn này có kế hoạch đầu tư đến 74 tỉ baht (khoảng 2,39 tỉ đô la Mỹ) trong năm năm tới để tạo sự chuyển biến mới.

“Ăn theo” Central Retail

Vào năm 2002, Café Amazon chỉ là cửa hàng bán các mặt hàng tiện dụng như bánh kẹo, cà phê, vật dụng cá nhân cho người lái xe tại các trạm xăng. Hiện chuỗi đã phát triển tương tự như Starbucks với hơn 3.000 tiệm tại các trung tâm mua sắm hay tại các địa điểm riêng biệt ở các nước Đông Nam Á và một số nước khác như Nhật, Oman, Trung Quốc. Mục tiêu của chuỗi là phát triển lên 5.200 tiệm trong thời gian tới. 85% số cửa hàng mới của chuỗi là nhượng quyền (franchise), số còn lại do PTTOR đầu tư và liên doanh với các đối tác địa phương.

Khoản đầu tư 3,5 triệu đô la vào chuỗi Café Amazon tại thị trường Việt Nam được tuyên bố hồi cuối năm 2019, với 60% do PTTOR góp và 40% của Central Group. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến tháng 11-2020, Café Amazone mới mở cửa hàng đầu tiên tại Trung tâm thương mại Big C Go! Bến Tre. Cửa hàng thứ hai nằm trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TPHCM. Đến đầu tháng 4-2021, chuỗi có thêm hai tiệm nữa đều thuộc các trung tâm thương mại Big C Go! ở Trà Vinh và Mỹ Tho. Quán thứ năm vừa được mở ở quận Gò Vấp (TPHCM) hơn một tuần thì phải giãn cách xã hội do dịch bệnh bùng phát. Tuần sau đó, kế hoạch tuyển nhân viên tại Big C Đồng Nai cũng tạm dừng.

Nhìn vào cơ cấu vốn góp và sự xuất hiện của Café Amazon, không khó nhận ra số lượng các tiệm cà phê của chuỗi sẽ nhanh chóng mở rộng theo mạng lưới phát triển của Central Retail thuộc Central Group. Trong buổi họp báo hồi đầu tháng 4 vừa qua, ông Philippe Broianigo, CEO của Central Retail Vietnam, cho biết tập đoàn này đã mở bốn trung tâm thương mại Go! tại Trà Vinh, Quảng Ngãi, Buôn Ma Thuột, Bến Tre, và một siêu thị mini Go! ở Quảng Nam.

Ông Broianigo cũng nói Central Retail sẽ tiếp tục đầu tư 211 triệu đô la Mỹ để mở bốn trung tâm thương mại và đại siêu thị Go! tại Thái Nguyên, Bà Rịa, Thái Bình và Lào Cai cùng một siêu thị mini ở Tây Ninh.

“Chúng tôi sẽ xây dựng các thương hiệu thực phẩm gắn kết chặt chẽ hơn và tập trung nâng cao trải nghiệm của người dùng, đồng thời phát triển các thương hiệu phi thực phẩm cũng như nền tảng đa kênh”, ông Philippe Broianigo đã phát biểu. Vị CEO này còn cho biết Central Retail sẽ đầu tư 35 tỉ baht (khoảng 1,1 tỉ đô la Mỹ) tại Việt Nam trong năm năm tới.

Đối thủ cạnh tranh nào?

Lĩnh vực thực phẩm và phi thực phẩm mà tập đoàn Thái Lan nhắc đến có thể là các trạm sạc điện đi cùng với các quán Café Amazon.

Có nhiều câu hỏi thú vị về tương lai của chuỗi Café Amazon tại thị trường Việt Nam.

Liệu Café Amazon sẽ chọn định vị phân khúc nào trong cuộc chiến giành khách hàng: ganh đua với các chuỗi trung và cao cấp của các công ty Việt Nam hay với các thương hiệu cao cấp của nước ngoài như Starbucks, Coffee Bean & Tea Leaf?

Nếu nhìn vào mức giá của các món giải khát thì giá của Café Amazon ngang với chuỗi Highlands. Nhưng chỉ với vị trí của hai cửa tiệm tại TPHCM thì có vẻ chuỗi cà phê của người Thái đang học hỏi những đúc kết kinh nghiệm của Starbucks tại thị trường Việt Nam. Tổng giám đốc Starbucks Vietnam – bà Patricia Marques, từng chia sẻ doanh thu trong thời gian dịch bệnh của các cửa hàng Starbucks ở khu trung tâm quận 1 không còn tốt như trước. Nhưng ngược lại, doanh thu của các tiệm ở các quận Phú Nhuận, Thủ Đức lại gia tăng. “Chúng tôi mất nguồn khách du lịch quốc tế, người nước ngoài sinh sống tại thành phố và cả khách Việt Nam. Do diễn biến của dịch, các gia đình ở các quận ven cũng không lai vãng khu trung tâm Sài Gòn nữa, họ ghé những quán gần nhà”, bà Marques nhận định.

Và con át chủ bài của Café Amazon vẫn là những loại trà sữa Thái Lan làm “nhớ quê” – cách diễn đạt của các bạn trẻ Việt Nam yêu thích đi du lịch và thưởng thức ẩm thực Thái Lan. Café Amazone cũng nhanh chóng đưa hai cửa tiệm lên bán hàng trên các ứng dụng đặt đồ ăn như Grab, Gojek và Now.

Còn nếu bước vào thị trường trạm sạc có bán cà phê, có thể nói Café Amazon chưa có đối thủ nội địa. Hãng xe Vinfast hồi tháng 4 có công bố kế hoạch mời hợp tác xây dựng 2.000 trạm sạc khắp 63 tỉnh thành, song các thông cáo của Vinfast “không có chút mùi cà phê nào” giống như mô hình “nạp điện và nạp cà phê” của Café Amazon ở Thái Lan. Tuy vậy, đa dạng hóa nguồn thu đang là một xu hướng của các tập đoàn Việt Nam. Vingroup cũng có thể hợp tác với Petrolimex hay Masan trong việc phát triển mạng lưới trạm sạc có tiệm cà phê và cửa hàng tiện ích.

Và Café Amazon chắc chắn sẽ tận dụng sức mạnh của Central Group với 37 trung tâm thương mại và 230 cửa hàng trải dài trên 39 tỉnh, thành ở Việt Nam và chưa dừng lại. Bởi Central Group nói sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống ra khắp 55 tỉnh, thành. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới