Thứ tư, 29/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cải cách thủ tục hành chính: Đừng để tính chất địa phương trở thành rào cản đầu tư

LS. Nguyễn Văn Phúc - LS. Nguyễn Nhật Dương(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nhà nước đã có chủ trương cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài thuận lợi tiếp cận thị trường, đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh có sự cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, việc cải cách này cho đến nay vẫn chưa được thực hiện một cách toàn diện, chưa có sự thống nhất giữa các địa phương.

Gần bốn thập kỷ kể từ khi chính thức mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã và đang có những bước tiến quan trọng trong việc thu hút đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước. Trong quá trình đó, Việt Nam đã gia nhập rất nhiều điều ước quốc tế, hiệp định thương mại tự do với cam kết tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và thuận lợi cho doanh nghiệp.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu nói trên, Nhà nước đã có chủ trương cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, hướng tới giảm bớt thời gian, chi phí để thực hiện các thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư, kinh doanh. Song, việc cải cách này đến nay vẫn chưa được toàn diện, còn rất nhiều điều phải giải quyết. Bởi doanh nghiệp vẫn than bị phiền hà, bị mất quá nhiều thời gian. Thậm chí, một số nhà đầu tư đã phải quyết định dừng việc đầu tư chỉ vì những vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Vẫn mỗi địa phương một thủ tục

Phương thức nộp hồ sơ khác nhau tùy thuộc vào mỗi địa phương là một điểm phiền phức nên sớm giải quyết.

Trước đây, việc nộp hồ sơ đầu tư thường được thực hiện thông qua Cổng thông tin quốc gia về đầu tư. Theo đó, sau khi đã kê khai thông tin trực tuyến, tùy thuộc vào lựa chọn của mình, nhà đầu tư hay doanh nghiệp (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại sở kế hoạch và đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư hoặc nộp hồ sơ trực tuyến sử dụng chữ ký điện tử. Một số địa phương, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ được scan (chụp) trực tuyến, sau đó phải gửi hồ sơ bản giấy đến sở kế hoạch và đầu tư để kiểm tra tính chính xác của hồ sơ.

Hiện nay, việc nộp hồ sơ này tuân theo Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27-10-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. 100% số hồ sơ thủ tục phải được tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, liên thông và đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trên thực tế, tại một số địa phương hiện nay, các thủ tục đầu tư không được nộp qua Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nữa mà phải qua hệ thống dịch vụ công của tỉnh, thành đó (dĩ nhiên là hệ thống này được liên thông tài khoản với Cổng dịch vụ công quốc gia). Như vậy, doanh nghiệp có dự án đầu tư tại tỉnh, thành nào phải tìm hiểu cụ thể phương thức nộp hồ sơ đầu tư ở tỉnh, thành đó. Đồng thời, tại mỗi địa phương, cơ quan cấp phép (sở kế hoạch và đầu tư hoặc ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp…) lại có các yêu cầu khác nhau về việc nhà đầu tư, doanh nghiệp có phải nộp bản giấy hồ sơ hay không.

Chưa hết, khi đăng ký nộp hồ sơ tại một số địa phương, doanh nghiệp dù đã lựa chọn phương thức nhận kết quả qua bưu điện nhưng đến cuối vẫn phải tự liên hệ với bộ phận xử lý hồ sơ để yêu cầu hỗ trợ gửi kết quả qua bưu điện. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp phải thực hiện các yêu cầu khác từ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, như việc phải gửi e-mail đính kèm đơn đề nghị nhận kết quả qua đường bưu điện... rất phiền mà không đáng. Việc trả kết quả phụ thuộc vào bộ phận tiếp nhận, trả kết quả của cơ quan có thẩm quyền cũng dẫn đến tình trạng chờ đợi không cần thiết trong khi có thể hẹn lịch trả kết quả theo khung giờ cụ thể. Thực trạng này diễn ra đối với cả hồ sơ về đầu tư và doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành.

Hiện nay, tại TPHCM, đối với thủ tục đăng ký kinh doanh, việc trả kết quả qua đường bưu điện được thực hiện hoàn toàn tự động, doanh nghiệp chỉ cần điền thông tin nhận kết quả theo đường link mà Phòng Đăng ký kinh doanh gửi sau khi có kết quả chấp thuận hồ sơ, kết quả sẽ được chuyển qua đường bưu điện. Điều này giúp tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí đi lại doanh nghiệp. Đây có thể là cách thức mà nhiều địa phương nên áp dụng trong thời gian tới, để tối ưu hóa thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp.

Vướng “quan điểm” của cơ quan tiếp nhận hồ sơ

Nói về chuyện tiếp nhận hồ sơ - dù là hồ sơ trực tuyến hoặc hồ sơ giấy - bộ phận một cửa sẽ kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ trước khi chuyển cho bộ phận giải quyết hồ sơ. Điều này là hợp lý, bởi việc xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ vẫn cần sự can thiệp của con người và máy móc chưa thể đáp ứng được yêu cầu trong trường hợp này. Tuy nhiên, bộ phận tiếp nhận hồ sơ rất nhiều khi yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm các hồ sơ khác nằm ngoài danh mục hồ sơ được quy định hoặc đưa ra các yêu cầu không cần thiết nếu không nói là vô lý. Thời hạn xử lý hồ sơ vô hình trung đã bị kéo dài, làm trì hoãn tiến độ đầu tư của doanh nghiệp.

Trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng, đơn cử như thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp đối với nhà đầu tư nước ngoài (M&A approval), chúng tôi đã gặp không ít trường hợp bộ phận tiếp nhận đưa ra các yêu cầu về việc nhà đầu tư (cá nhân) phải ký nháy hồ sơ, tổ chức/doanh nghiệp phải giáp lai hồ sơ hay đặc biệt hơn, là yêu cầu nhà đầu tư phải cung cấp giấy tờ chứng minh nhập cảnh Việt Nam để có thể ký các hồ sơ tại Việt Nam.

Không những vậy, mặc dù các hồ sơ như Văn bản đăng ký góp vốn/mua cổ phần/mua phần vốn góp đã có mẫu theo quy định, một số bộ phận tiếp nhận vẫn yêu cầu nhà đầu tư/doanh nghiệp bổ sung các cam kết khác, tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể. Lấy ví dụ như cam kết về việc tổ chức kinh tế sẽ thực hiện thủ tục thay đổi loại hình doanh nghiệp sau khi nhà đầu tư mới nhận chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Cam kết này gần như không mang nhiều ý nghĩa, bởi thủ tục đăng ký kinh doanh để chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là thủ tục bắt buộc trong trường hợp này sau khi các bên hoàn tất việc chuyển nhượng vốn góp. Do đó, tổ chức kinh tế không nhất thiết phải cam kết như trên khi làm thủ tục M&A approval.

Ngoài ra, việc được chấp thuận mua phần vốn góp cũng chỉ là điều kiện ban đầu để các bên tiến hành giao dịch. Giao dịch của các bên vẫn có thể không được thực hiện/hoàn tất dù đã được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền. Do đó, cam kết mà bộ phận tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bổ sung lại càng chưa phù hợp.

Hiện nay, Nghị định 31/2021/NĐ-CP cũng đã quy định rõ việc nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ và các văn bản gửi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, không được yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định trên. Do đó, có thể nói những lo lắng hay “yêu cầu chưa bảo đảm cơ sở” của bộ phận tiếp nhận hồ sơ tại một số địa phương hiện nay phần nào đó là không cần thiết, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hoạt động đầu tư.

Lợi ích cho đôi bên

Việc cải cách thủ tục hành chính mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư, doanh nghiệp là điều mà ai cũng có thể thấy được. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, Nhà nước nói chung và các tỉnh, thành nói riêng đều đang đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư, nhằm huy động các nguồn vốn nước ngoài.

Thông thường, để triển khai hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài thường trải qua khá nhiều giai đoạn, từ tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, lựa chọn địa điểm đầu tư, tiến hành đầu tư xây dựng, tuyển dụng lao động…

Việc thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp trong giai đoạn đầu chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ tiến trình đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, để không trở thành một rào cản cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư, cần thiết phải có sự cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong quy trình thực hiện, xử lý, giải quyết hồ sơ đầu tư.

Đồng thời, mặc dù vẫn đang trong quá trình chuyển đổi số về thủ tục đầu tư, thủ tục này vẫn cần được đồng bộ và thống nhất hơn giữa các tỉnh, thành trong nước, để các thủ tục đầu tư không còn mang tính chất địa phương.

(*) Công ty Luật TNHH HM&P

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới