Thứ Ba, 1/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cái cần so sánh là sức chống chịu của dân và doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tám năm trước, khi tranh luận về thuế đánh vào xăng dầu trong bối cảnh giá đang tăng mạnh, lãnh đạo Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính cho rằng “không thể và không nên” chỉ so sánh đơn thuần về mức giá bán xăng dầu của Việt Nam với một số nước đặc thù khác như Mỹ, cũng như không thể so sánh giá gạo ở đồng bằng sông Cửu Long với giá gạo ở châu Phi.

Thế nhưng, hiện nay Bộ Tài chính lại đang so sánh với các nước để chứng minh rằng giá xăng dầu của Việt Nam không cao hơn để bảo vệ quan điểm không giảm thuế xăng dầu của mình, bất chấp lời kêu gọi giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt ngày càng tăng của người dân, doanh nghiệp và cả nhiều đại biểu Quốc hội.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết “trung bình các nước trên thế giới có tỷ trọng thuế trong xăng dầu chiếm 40-60%, trừ các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn. Hiện Việt Nam có tỷ trọng thuế trong xăng hơn 29-31%, dầu diesel 13,3%”. Con số này chắc không sai, nhưng Bộ Tài chính “không thể và không nên” chỉ so sánh đơn thuần về mức thuế, mà cái cần so sánh hiện nay chính là khả năng chống chịu của người dân và doanh nghiệp trước cơn lốc giá của mặt hàng được xem là “đầu vào thiết yếu” này.

Sau hai năm căng mình chịu đựng trước cơn bão đại dịch Covid-19, nay lại phải chịu đựng tiếp cơn bão giá cả, trong đó nặng nề nhất phải kể đến là giá một mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sức khỏe tài chính của nhiều gia đình và doanh nghiệp đã và đang cạn kiệt. Điều này Bộ Tài chính phải biết.

Nếu Bộ Tài chính cho rằng mức giá xăng dầu tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa đủ gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp thì không cần bàn đến chuyện giảm thuế nữa. Ngược lại, nếu tình hình đã trở nên quá khó khăn thì cũng đừng lấy lý do thuế xăng dầu của Việt Nam còn thấp mà trì hoãn việc hạ nhiệt giá xăng dầu.

Cũng cần nói thêm rằng, trừ thuế bảo vệ môi trường, các loại thuế khác đánh vào xăng dầu đều được tính theo tỷ lệ phần trăm – giá càng tăng thì tiền thuế phải nộp cho Nhà nước càng nhiều. Nhìn ở khía cạnh này thì có lẽ ngân sách nhà nước là bên được hưởng lợi duy nhất khi giá dầu thế giới tăng nóng, trong khi chịu thua thiệt là cả nền kinh tế. Đơn cử như số thu từ dầu thô, chỉ trong năm tháng đầu năm 2022 đã tăng tới 90,9% so với cùng kỳ và vượt tới 4,4% so với mức dự toán thu của cả năm.

Nhưng xăng dầu không nên là “con gà đẻ trứng vàng” của ngân sách, vì đây là đầu vào rất quan trọng của nền kinh tế, nên điều Chính phủ cần quan tâm là “sức khỏe” của cả nền kinh tế chứ không phải là thu được bao nhiêu từ mặt hàng chiến lược và thiết yếu này.

Nếu nhìn từ dầu thô để suy đoán thì có lẽ, đến thời điểm này, số thuế thu được từ xăng dầu có lẽ đã đạt hoặc thậm chí là vượt dự toán thu cho cả năm nay. Một khi Nhà nước đã hoàn thành được mục tiêu thu thuế của mình thì việc xem xét giảm ngay VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu là điều nên làm ngay. Đây mới là giải pháp thiết thực và hiệu quả để phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

2 BÌNH LUẬN

  1. Nếu bàn về mức độ chống chịu của dân ta thì có lẽ nên miễn bàn, vì lúc nào cũng ở thứ hạng hàng đầu thế giới. Cứ nhìn vào tiêu chuẩn sinh sống, thu nhập, sinh hoạt, phúc lợi… của đại đa số dân tình thì sẽ hiểu và thấy rõ ngay. Vấn đề rất lớn của các nhà quản lý ở ta là cứ quanh quẩn theo kiểu “lũy tre làng” về mặt tư duy mà không thấy rằng xu thế thời đại đã thay đổi với tốc độ vũ bão như thế nào ? Mọi thứ, đều xuất phát ở Tâm và Tầm cả.

  2. Theo số liệu mới nhất do TCTK công bố, thu nhập thực tế bình quân đầu người của dân ta là 4,2 triệu đồng/năm, tương đương 178 USD. Trong thời bão giá như thế này thì làm sao chịu nổi? Như thế dễ hình dung ra là sức chịu trận của dân ta đã đến mức nào. Các vị quản lý có bao giờ nghĩ rằng nên làm gì để dân bớt khổ không. Nếu có thì nên ra tay sớm!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới