Thứ Ba, 17/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

‘Cái giá’ của ổn định tỷ giá

Phan Minh Ngọc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng là một vấn đề “nhạy cảm” ở Việt Nam. Những giai đoạn tỷ giá căng thẳng theo hướng tiền đồng suy yếu so với đô la Mỹ, mọi sự tập trung, của dư luận và của chính sách, đều dồn vào khía cạnh liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có “ổn định” được tỷ giá – tức giữ tỷ giá không tăng mạnh – hay không.

Lý do được viện dẫn để kêu gọi, ủng hộ nỗ lực ổn định tỷ giá chủ yếu là lợi ích trước mắt của chúng, gồm ngăn không cho nợ quốc gia, đặc biệt là nợ công, tăng lên, cũng như giảm thiểu nhập khẩu lạm phát. Bên cạnh đó, tác động tích cực của tỷ giá tăng (tiền đồng mất giá) lên cán cân xuất nhập khẩu bị coi nhẹ, thậm chí hiểu sai.

Tiền chạy từ túi này sang túi kia

Về tác động của tỷ giá lên nợ nói chung và nợ công nói riêng, đúng là các con nợ có vay mượn bằng ngoại tệ, bất kể đó là Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân, đều được hưởng lợi nếu tỷ giá không tăng lên (tiền đồng không mất giá). Tuy nhiên, cái giá phải trả cho sự ổn định này thì hầu như không được biết đến hoặc được ai quan tâm.

Không phải tự nhiên mà NHNN có thể giữ ổn định được tỷ giá. Công cụ ổn định tỷ giá, mang tính kinh tế, mà NHNN có thể thực hiện là bán đô la can thiệp hoặc giảm bớt lượng tiền đồng lưu thông trong nền kinh tế.

Với kênh bán đô la can thiệp, cái giá nhãn tiền là quỹ dự trữ ngoại hối đã hao hụt trên chục tỉ đô la chỉ trong mấy tháng qua và con số bán ra can thiệp là rất đáng kể so với giá trị quỹ dự trữ ngoại hối chừng trên 100 tỉ đô la, một con số khá khiêm tốn, nằm không quá xa ngưỡng an toàn tối thiểu so với kim ngạch nhập khẩu quốc gia.

Với kênh hút tiền đồng về, cái giá phải trả là mặt bằng lãi suất (tiền đồng) tăng lên, đẩy các ngân hàng thương mại vào cuộc đua lãi suất không hồi kết nếu nền kinh tế tiếp tục mở rộng.

Không phải tự nhiên mà NHNN có thể giữ ổn định được tỷ giá. Công cụ ổn định tỷ giá, mang tính kinh tế, mà NHNN có thể thực hiện là bán đô la can thiệp, và/hoặc giảm bớt lượng tiền đồng lưu thông trong nền kinh tế.

Cả hai kênh nói trên tuy giữ được tỷ giá ổn định ở một mức độ nào đó, và là điều có lợi cho các con nợ bằng ngoại tệ, nhưng lại gây phương hại cho Nhà nước khi quỹ dự trữ ngoại hối bị hao hụt mạnh, ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia. Nó cũng gây phương hại cho toàn bộ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế khi lãi suất tăng cao dẫn đến chi phí vay mượn bằng tiền đồng tăng mạnh, làm giảm doanh thu và lợi nhuận.

Nói cách khác, ổn định tỷ giá thực chất là lấy tiền của cộng đồng để trợ cấp cho một nhóm nhỏ đối tượng. Điều phi lý này phần nào có thể được chấp nhận nếu nợ quốc gia bằng ngoại tệ chủ yếu là nợ công, hoặc ở mức độ kém thuyết phục hơn, là nợ của doanh nghiệp nhà nước (dẫu sao cũng có chữ “nhà nước”).

Nhưng vì điều này là không đúng nên rốt cuộc nó có nghĩa là tiền đang được chuyển từ túi công cộng sang túi của thậm chí cả tư nhân (lưu ý rằng nhiều doanh nghiệp nhà nước chỉ có một phần vốn nhà nước).

Nhập khẩu lạm phát nhiều khi chỉ là con ngáo ộp

Nhập khẩu lạm phát là một lý do chủ yếu khác của bên ủng hộ ổn định tỷ giá. Thực tế thì trong nhiều giai đoạn tỷ giá tăng mạnh, lạm phát không vì thế mà bộc phát, và ngược lại. Điều quan trọng là chính sách tiền tệ của NHNN được điều hành theo xu hướng nào, và nó mới là động lực chính quyết định xu hướng của lạm phát sẽ đi về đâu.

Hiện tại, trong bối cảnh lạm phát cao đang lan tràn ở nhiều nước trên thế giới, đi kèm với sự sụt giá của nội tệ của họ, không thấy có mấy nước chống lạm phát bằng cách bán ngoại tệ để “ổn định” tỷ giá bản tệ nhằm hạ lạm phát trong nước.

Thay vào đó, trào lưu chung chỉ là thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách nâng lãi suất cho vay từ các ngân hàng trung ương. NHNN thực chất cũng đang đi theo xu hướng này thông qua nâng mạnh lãi suất cho vay trên thị trường mở và lãi suất tín phiếu ngân hàng, cho dù cố tránh một động thái chính thức là công bố các mức lãi suất điều hành mới.

Tác động tích cực của tỷ giá tăng lên xuất khẩu vẫn bị hiểu sai… kinh niên!

Có một điều rất lạ là tác động kích thích xuất khẩu của đồng bản tệ yếu vẫn luôn bị hiểu sai, cho dù dư luận đã tốn rất nhiều giấy mực. Vẫn có nhiều chuyên gia, học giả cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải nhập nguyên vật liệu bằng đô la nên dù được lợi về giá xuất khẩu (quy ra tiền đồng) thì lại bị thiệt về chi phí (cũng quy ra tiền đồng). Có vị chuyên gia còn “chi ly” hơn khi cho rằng doanh nghiệp vẫn phải sử dụng các dịch vụ bằng đô la như vận tải viễn dương, bảo hiểm… nên các chi phí loại này cũng tăng lên.

Xin nhắc rằng chừng nào trong cấu phần chi phí của một sản phẩm nào đó sản xuất tại Việt Nam, được xuất đi thị trường thế giới theo giá đô la, có dù chỉ 1% là chi phí cho nguồn lực sử dụng tại Việt Nam, bằng tiền đồng, và chừng nào giá bán sản phẩm này bằng đô la không thay đổi tại thị trường nó được xuất khẩu đi thì chừng đó doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn được lợi khi tiền đồng mất giá, bởi: Doanh thu (không đổi, nếu tính bằng đô la) – Chi phí (không đổi, nếu tính bằng đô la) = Lợi nhuận (lớn hơn, nếu tính bằng đô la sau phá giá bản tệ, và sẽ lớn hơn nữa, nếu tính bằng tiền đồng).

Bằng số, giả sử trong một cái áo sơ mi xuất khẩu có giá bán 100 đô la, chi phí các loại là 98 đô la và 10.000 tiền đồng. Lợi nhuận tại tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng=20.000 là 100 – 98 – 10.000/20.000 = 1,5 đô la (hoặc 30.000 đồng). Khi tỷ giá tăng lên 22.000, lợi nhuận mới sẽ là 100 – 98 – 10.000/22.000 = 1,545 đô la (hoặc 34.000 đồng), tức tăng lên gần 0,05 đô la (hay 4.000 đồng) so với trước khi tiền đồng mất giá.

Lưu ý trong ví dụ trên là giá bán và chi phí bằng đô la là không thay đổi và thường là điều phù hợp trên thực tế tại thời điểm trước và sau phá giá bản tệ, chứ không có chuyện chi phí (giá thành) lại tăng lên như nhiều người diễn giải. Chi phí/giá thành có tăng lên chỉ là khi tính theo tiền đồng mà thôi.

14 BÌNH LUẬN

  1. Ổn định chỉ là ngôn từ thôi. Còn thả nổi hoặc kiểm soát mức độ nào là do năng lực điều hành chính sách của nhà quản lý. Tất nhiên, phải nương theo chứ không thể bác bỏ ảnh hưởng của quy luật giá cả thị trường. Vấn đề quan trọng hiện nay là củng cố dự trữ ngoại hối theo hướng không phải cứ tích lũy càng nhiều càng tốt, mà phải biết điều phối ra – vào dòng tiền hợp lý. Phối hợp nhịp nhàng cả hai mặt trận : Ngoài nước, phải duy trì, tránh đứt gãy, năng lực kinh doanh và hội nhập quốc tế. Trong nước, phải duy trì liên tục thanh khoản, dòng tiền cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.

  2. Các nhà quản lý và nghiên cứu dường như đang bị “ám ảnh” hoặc lo lắng ” thái quá” về lạm phát tại VN. Theo dự báo của các nhà thống kê chính thức, đến cuối năm lạm phát ở ta cũng chỉ … loanh quanh khoảng dưới 4%, mức quá bình thường, không khác mọi năm ? Thực ra, lo lắng lạm phát ở ta là thừa, nhưng lo lắng cho nguy cơ ảnh hưởng lạm phát toàn cầu là có. Mọi thứ nên nhìn vào mức sống và cuộc sống hiện tại của người dân để đánh giá thực chất. Do vậy, cần nói lại cho rõ để thiên hạ biết đường mà lần.

  3. Bài này rất tiếc là không đồng ý với tác giả Phan Minh Ngọc.

    Ví dụ ở cuối bài của tác giả chỉ đúng nếu đó là doanh nghiệp ĐANG xuất khẩu mà thôi.

    Nếu doanh nghiệp gia nhập thị trường cần mua nguyên phụ liệu và máy móc nước ngoài để tạo ra doanh thu thì việc tỉ giả yếu sẽ làm chi phí nhập khẩu tăng lên, và kết quả là già thành bán ra cũng tăng lên. Đặc biệt nếu hàng hóa bán ra trong nước thì sẽ tác động đến lạm phát trong nước ngay.

    Không phải thứ gì tiêu thụ trong nước chúng ta cũng tự chủ. Ví dụ như ngô để làm thức ăn chăn nuôi, chúng ta phải nhập khẩu. Việc tỉ giá yếu thì giá nhập khẩu phải tăng. Và chúng ta không xuất khẩu thịt chăn nuôi nhiều đúng không ? Tương tự là điện, xăng dầu … các mặt hàng tiêu thụ này chúng ta không dùng hiệu ứng xuất – nhập để cân bằng được. EVN vừa báo lỗ 15,000 tỷ là do giá của than, dầu … tăng cao. Tỉ giá yếu dẫn đến EVN phải chi nhiều nội tệ để có ngoại tệ hơn, kết quả lại càng lỗ hơn. EVN không xuất khẩu điện để có hiệu ứng cuối bài như tác giả nói.

    • Trả lời tới Hiếu Nguyễn: Rất tiếc là tôi không hề phủ nhận rằng tỷ giá tăng sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhập khẩu (và không xuất khẩu), có sản phẩm chỉ tiêu thụ trong nước. Lưu ý là phần cuối bài là nói về doanh nghiệp xuất khẩu, chứ không phải doanh nghiệp nhập khẩu, và cũng nói rõ doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có lợi, chứ không nói là doanh nghiệp nhập khẩu có lợi. Nên Hiếu Nguyễn không cần phải chứng minh rằng tỷ giá tăng thì doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp hướng nội (sản phẩm tiêu thụ trong nước) sẽ bị thiệt.

      Nhưng nếu Hiếu Nguyễn thấy rằng tỷ giá tăng mang lại hại nhiều hơn lợi thì phiền Hiếu Nguyễn cho biết một nền kinh tế nói chung, đang phát triển nói riêng thì cần ưu tiên xuất khẩu hay nhập khẩu, và tại sao hầu như không có nước nào muốn có một đồng bản tệ “đắt” lên (lên giá)? Trả lời được câu hỏi này thì Hiếu Nguyễn sẽ biết được rõ thêm việc để bản tệ yếu đi, đặc biệt khi trong tình thế buộc phải thế (vì ít nguồn lực can thiệp) không nhất thiết là việc tệ hại.

  4. Xin cám ơn tác giả đã trả lời.

    Nguyễn cho biết một nền kinh tế nói chung, đang phát triển nói riêng thì cần ưu tiên xuất khẩu hay nhập khẩu ?

    Cho đến bây giờ các nền kinh tế đều ưu tiên xuất khẩu.

    Tuy nhiên có những ngoại lệ như Philippines, Indonesia … họ chú trọng một đồng tiền mạnh. Mức độ mất giá mạnh của đồng tiền luôn là một vấn đề đối với xã hội của họ.

    Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm định lý thuyết của tác giả. Hiện tại nước này áp dụng lãi suất thấp hơn lạm phát, chấp nhận đồng tiền mất giá mạnh để ưu tiên xuất khẩu với lập luận là tiền mất giá sẽ làm cho xuất khẩu tăng mạnh, ngoại tệ thu vào sẽ làm cho nền kinh tế cân bằng lại.

    Kết quả ? Lạm phát theo thống kê của cơ quan nhà nước trong năm 2022 là 80%. Việc mất giá mạnh không làm cho việc xuất khẩu bùng nổ mạnh để cân bằng lại các vấn đề vĩ mô trong nước.

    Bên cạnh đó, theo anh Ngọc thì lợi ích cho các công ty xuất khẩu.

    – FDI là nhà xuất khẩu chính cho Việt Nam. Họ chiếm 70% lượng hàng xuất của ta. Theo lí thuyết của anh, chúng ta phải hi sinh cho khối FDI chăng ? Người dân trong nước là đối tượng chính tiêu thu hàng hóa nhập khẩu cho các mục đích dân sinh. Vậy chúng ta có nên hi sinh lợi ích của người dân trong nước vì khối FDI ? Như anh Ngọc đã đề cập, anh không phủ nhận, doanh nghiệp hướng nội bị thiệt mà.

    – Dùng ngoại tệ để can thiệp tỉ giá, anh nói là ít nước nào làm. Tuy nhiên Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia .. đều đã giảm dự trữ để ổn định tỉ giá. Thậm chí các nước này còn phải ổn định các mặt hàng dân sinh bằng trợ cấp lên đên hàng chục tỷ USD, so với thiệt hại của EVN thì thiệt hại của EVN vẫn nhỏ bé do tỉ giá chúng ta ổn định. Còn với họ, tỉ giá càng mất, trợ cấp càng cao. Trợ cấp cao, vay nợ giảm thâm hụt càng nhiều. Vay nợ trong nước thì cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, khiến lãi suất cao. Vay nợ nước ngoài thì vẫn phải cứu tỉ giá để giảm chi phí vay. Rõ ràng không có con đường nào toàn vẹn.

    Trong tranh luận của chúng ta câu hỏi đặt ra là hiệu quả kinh tế nào là bớt tệ nhất ? Ưu tiên xuất khẩu (nếu đúng) hay ổn định xã hội ?

    Nếu chúng ta có tỉ lệ % chính xác để ra quyết định thì dễ rồi. Nhưng rất tiếc chúng ta không có. Để có được chắc mọi việc đã xong xuôi rồi.

    Thêm nữa, chúng ta cũng chẳng có lí thuyết nào chứng minh là hạ giá đồng tiền bao nhiêu là đủ để kích thích xuất khẩu. Ít ra trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy đồng tiền mất giá mạnh, rất mạnh, không đem lại hiệu quả kinh tế tương xứng. Và ngay cả trong giai đoạn Trung Quốc tăng giá nhân dân tệ, xuất khẩu của họ vẫn mạnh mẽ. Nguyên do là dù hàng hóa có rẻ do tỉ giá, năng lực sản xuất của mỗi quốc gia cũng chẳng có khả năng mở rộng kịp để tận dụng. Nếu hàng hóa “độc quyền” thì do nhu cầu thị trường, mắc chút họ cũng phải mua thôi à. Việt Nam là minh chứng khác. Đồng tiền chúng ta có sự ổn định trong những năm vừa qua, xuất khẩu của chúng ta vẫn mạnh mẽ vì chúng ta có những lợi thế khác bù lại cho giá bán : năng lực sản xuất, kỹ năng, lợi thế về thuế do các FTA …

    Một đồng tiền mất giá mạnh sẽ làm cho các nhà đầu tư rút vốn quay về những nơi ổn định, an toàn và sinh lời cao. Một đồng tiền ổn định trong hoàn cảnh bất ổn định, hoàn toàn có thể là một nơi trú chân an toàn cho dòng vốn đầu tư, trong khi lại giúp cho việc ổn định xã hội trong nước.

    • Trả lời tới Hiếu Nguyễn:
      Vì báo không phải là nơi thích hợp cho thảo luận ngoài lề dài thế này nên tôi chỉ xin trả lời tóm tắt, nếu Hiếu Nguyễn không thấy thỏa mãn thì xin ghé vào trang cá nhân của tôi để tiếp tục thảo luận kỹ hơn.
      1. Bản tệ của Philippines, Indonesia: hiện tại so với cuối năm ngoái mất lần lượt 12,8% và 5,4% (xe.com) –> không có chuyện chú trọng đồng tiền mạnh
      2. Turkey: Nước này có lạm phát phi mã là bởi chính sách tiền tệ không giống ai (sai lầm) của họ: Hạ lãi suất để mong muốn hạ chi phí đầu vào (tài chính), từ đó kiềm chế lạm phát. Chứ không phải chủ trương phá giá để kích thích xuất khẩu. Tuy vậy, “tình cờ” là xuất khẩu của họ cũng đã tăng vọt năm 2021 (+24,9% yoy, 12/2021) so với 2020 (+16%). Năm 2021 (quý 3, 4) là năm nước này chứng kiến tỷ giá tăng vọt, gần giống như Hiếu Nguyễn đã nêu.
      3. Về FDI, Hiếu Nguyễn cho biết đây có phải là một bộ phận khăng khít của kinh tế VN không, có mang lại công ăn việc làm và lợi nhuận không, và có phải VN đã và đang ra sức lôi kéo không? Nếu có thì câu trả lời đã rõ. Lúc đó, xuất khẩu làm lợi cho FDI cũng tức là làm lợi cho VN. Nếu không thì… quá tầm hiểu biết của tôi!
      4. Can thiệp ổn định tỷ giá của các nước xung quanh: Đồng ý là có can thiệp, nhưng cũng giống VN, có “ổn định” được tỷ giá không? Nếu nói là có thì xem lại ‘1.’ Đoạn sau về trợ cấp thì tôi không hiểu ý Hiếu Nguyễn lắm. Họ trợ cấp trước hết vì lạm phát tăng làm giảm sức mua của dân, chứ có liên quan gì đến chủ trương phá giá bản tệ của họ đâu (họ có chủ trương phá giá à? Họ chủ trương đồng tiền mạnh cơ mà? Sao vẫn để xảy ra lạm phát tăng, vẫn phải trợ cấp?).
      5. Tỷ giá thấp (“rẻ”) là một yếu tố tích cực, chứ tất nhiên không phải là yếu tố quyết định sức cạnh tranh/khả năng xuất khẩu. Trong toán/kinh tế học hay có kiểu phân tích: nếu các yếu tố khác không thay đổi thì nếu yếu tố A x% tăng lên thì B sẽ tăng lên y%…
      6. Câu hỏi then chốt: Hiếu Nguyễn muốn ổn định tỷ giá thì ổn định bằng cách nào? Có phí tổn gì không? Có làm được không? Nếu nói là được thì tôi xin ủng hộ Hiếu Nguyễn hết mình và xin đăng bài cải chính, cực lực khuyến nghị NHNN không được để tỷ giá tăng lên như vậy (đến nay là tăng khoảng 4% so với cuối năm).

  5. Nếu giờ thả nổi tỷ giá thì chắc chắn rằng đồng VND sẽ mất giá và dân thấy vậy sẽ rút hết tiền ngân hàng đi đầu tư BĐS, đầu cơ vàng hay ngoại tệ,… Liệu có phải đang gây ra bất ổn xã hội hay không? Trong khi nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu, nền sx nội địa quá yếu, hoạt động sx công nghiệp phát triển được trong vòng gần 20 năm qua (tính từ lúc gia nhập WTO 2006) thì chủ yếu nhờ khối FDI. Mà nhà đầu tư FDI ưa thích những nơi có nền kinh tế chính trị ổn định, giờ tự nhiên không can thiệp vào tỷ giá, để thả nổi có phải làm mất ổn định và FDI sẽ rút đi, khi đó lộ ra một nền kinh tế yếu kém.

      • Trả lời tới Ngọc: Bạn nói nghe thì rất cao siêu nhưng không thực tế. Tôi là người dân, tôi thấy tỷ giá cao làm đời sống của tôi dễ thở hơn, mọi thứ được thắt chặt, chi tiêu chi li hơn, giá cả hàng hóa ổn định.

  6. Từ góc độ người dân hiểu biết các công cụ điều hành chính sách tiền tệ còn hạn chế, tôi nhận thấy khi tiền việt ít trên thị trường thì bớt ảo giá đất nhất. Hiện tại chưa giảm nhưng nó đã không còn mua tranh bán cướp. Giá cả tiêu dùng có tăng nhưng ở mức bình dân vẫn chấp nhận được. Mọi định hướng đầu tư mua sắm, khi đắt đỏ thì ai cũng cân nhắc cao hơn trong đầu tư và tiêu dùng. Có nghĩa liệu cơm gắp mắm thôi. Tôi đánh giá cao việc giữ ổn định hiện nay. Chí ít nó đã đem lại tin tưởng về giá trị tiền đồng không đến nỗi nào. Về dài hạn chắc thắt lại quá thì giảm phát ra sao chờ đợi chính sách công cụ tiếp theo ai có kiến thức có thể nói cho tôi biết được không ? . Xin cảm ơn!

  7. Theo tôi giai đoạn này bảo vệ khối FDI cũng không có gì là sai, họ đang tạo ra nhiều Job cho công nhân nhất. Tỷ giá ổn định thì việc làm ổn định, an sinh xã hội ổn định, nền tảng để vượt qua giai đoạn khó khăn này

  8. Đâu phải cứ bán USD thì lượng tiền đồng lưu thông sẽ giảm. Vì nếu muốn bán USD mà vẫn muốn giữ lượng tiền thì dùng OMO theo chiều ngược lại thôi.
    Trong khi giai đoạn vừa rồi, ngoài bán USD, NHNN còn hút tiền đồng qua kênh Bill, cơ bản là NHNN muốn giảm cung tiền.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới