Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cái gốc vẫn là… kỷ cương!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cái gốc vẫn là… kỷ cương!

Luật gia Vũ Xuân Tiền (*)

(TBKTSG) – Những bất ổn xã hội hiện nay liệu có phải do nước ta đang thiếu hành lang pháp lý? Có lẽ là không. Là người dân, không ai không xót xa khi hàng ngày những thông tin về cướp giật, đâm chém nhau, tai nạn giao thông, tham nhũng, lãng phí… cứ đầy ắp trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trước tình trạng đó, không ít ý kiến cho rằng, chúng ta chưa có đủ hành lang pháp lý hoặc “hành lang pháp lý cho quản lý kinh tế, xã hội đang trong quá trình hoàn thiện” nên những hiện tượng ấy xảy ra là tất nhiên, là “bất khả kháng”. Lý giải như vậy có đúng và có thể chấp nhận được không?

Trước hết, đó là cách giải thích không đúng. Bởi lẽ, dù còn có một số vấn đề cần nghiên cứu, cải tiến, song hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý kinh tế, xã hội ở nước ta trong những năm vừa qua đã tương đối đầy đủ. Quốc hội các khóa trước đã dành phần lớn thời gian trong chương trình nghị sự để xây dựng pháp luật; các bộ luật, đạo luật đã được ban hành, bổ sung, sửa đổi kịp thời. Các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật cũng được ban hành không ít. Do đó, nếu cho rằng ở một lĩnh vực nào đó chúng ta “chưa có hành lang pháp lý” thì chỉ là… ngụy biện.

Lý giải nêu trên cũng không thể chấp nhận được bởi lẽ, giải quyết, ngăn chặn kịp thời những hiện tượng bất ổn, ảnh hưởng tới an sinh xã hội của đất nước là chức năng quản lý của Nhà nước. Nếu cho rằng, đó là những hiện tượng “bất khả kháng” và “bình thường” thì phải chăng, vai trò quản lý kinh tế, xã hội của Nhà nước đã bị… bỏ quên?

Nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhất của những hiện tượng tiêu cực đã và đang xảy ra là kỷ cương phép nước không được tôn trọng ở cả những công chức, quan chức – người thi hành công vụ và người dân. Xin nêu vài ví dụ:

Tai nạn giao thông liên tục gia tăng đã từng làm nóng nghị trường Quốc hội trong nhiều khóa trước đây, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Trong khi đó, ngoài Luật Giao thông đường bộ được ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều lần, các nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành có liên quan cũng không ít. Văn bản cấm xe khách chở quá số hành khách quy định đã có từ lâu nhưng lạ thay, các xe khách vẫn vô tư nhồi nhét hành khách, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn “kiểm tra” và cho xe tiếp tục… hành trình(?)

Trong lĩnh vực quản lý đất đai, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cũng vô cùng đồ sộ. Thế nhưng, tình trạng cưỡng chế, thu hồi đất của dân trái pháp luật – nguyên nhân của những cuộc khiếu kiện tập thể, kéo dài – vẫn cứ xảy ra liên tiếp.

Quản lý vốn nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu là vấn đề được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Do đó, ngoài Luật Ngân sách Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cũng ban hành rất nhiều văn bản nhằm ngăn chặn hiện tượng tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này. Thế nhưng, tình trạng chi tiêu không đúng chế độ, câu kết để ăn chia các khoản đầu tư từ ngân sách nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu vẫn diễn ra như một sự thách thức đối với pháp luật!

Cải cách thủ tục hành chính cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều, rất nhiều chương trình, dự án về lĩnh vực này với chi phí hàng chục tỉ đồng đã được thực hiện. Đã có nhiều báo cáo, đánh giá rằng, chúng ta đã đạt được những “kết quả to lớn” trong lĩnh vực cải cách hành chính và đem lại lợi ích cho nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp hàng ngàn tỉ đồng. Song, lạ thay, ở một số cơ quan công quyền vẫn còn không ít cán bộ, công chức chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình khi người dân, các doanh nghiệp có “phong bì bồi dưỡng”. Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực thi hành từ rất lâu, đã dành Chương III quy định về thanh tra công vụ, nhưng chưa hề thấy vụ việc nào thanh tra công vụ phát hiện và xử lý với những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Vì sao không công khai tổ chức thanh tra công vụ và đường dây nóng của tổ chức này để người dân và các doanh nghiệp “cầu cứu” khi bị một số cán bộ, công chức biến chất sách nhiễu?

Không cần nêu thêm những ví dụ đã và đang xảy ra như những “chuyện thường ngày ở huyện” cũng có thể kết luận rằng, cái gốc của tình trạng lộn xộn, bất ổn, ảnh hưởng lớn tới an sinh xã hội ở nước ta hiện nay là kỷ cương, phép nước chưa được tôn trọng, nhiều quy định của pháp luật chỉ tồn tại trên giấy. Cán bộ, công chức – người thừa hành công vụ – coi việc nhận tiền và bỏ qua những hành vi vi phạm pháp luật của công dân và doanh nghiệp khi thi hành công vụ là một việc “tất yếu của cuộc sống”. Phần lớn người dân và không ít doanh nghiệp cũng coi việc chi tiền cho cán bộ, công chức là điều đương nhiên, bình thường, thậm chí còn cho rằng đó là “công cụ có hiệu quả” để thực hiện các hành vi trái pháp luật. Tình trạng đó đã và đang diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc.

Đã đến lúc không thể để tình trạng nêu trên tiếp diễn. Chúng ta chỉ có thể xây dựng được một “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” và một “xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” khi những quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, xã hội được tôn trọng từ những việc đơn giản nhất.

_________

(*) Chủ tịch Hội đồng thành viên – Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới