Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cải thiện môi trường kinh doanh: Khuyến nghị mạnh mẽ về chính sách thuế và thủ tục hành chính

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước đã nêu hàng loạt đề xuất, kiến nghị về cải thiện chính sách, môi trường kinh doanh tại hội nghị “Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” được tổ chức vào ngày 3-3.

Hội nghị “Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Ảnh: Phạm Văn Đô

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định ba đột phá chiến lược. Trong đó có đột phá về cải cách thể chế. Mà môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển, đóng góp với phát triển kinh tế.

“Chính phủ xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, được thực thi xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương,” ông Đông nói.

Vẫn theo ông Đông, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP vào 10-1-2022 thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.

Các tổ chức nước ngoài đưa ra nhiều khuyến nghị

Phát biểu tại hội nghị, bà Virginia Foote, Phó chủ tịch, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, coi trọng sự đổi mới là con đường tốt nhất không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và tăng trưởng đầu tư đã có ở Việt Nam.

Bà cho rằng tính minh bạch và khả năng dự đoán cao hơn trong hệ thống thuế của Việt Nam sẽ củng cố môi trường đầu tư của Việt Nam. Đặc biệt là tránh các phán quyết và quyết định đánh thuế có hiệu lực hồi tố và những quyết định kiểm toán mang tính quá mạnh bạo.

Thêm nữa, Phó chủ tịch AmCham cho rằng cần thiết phải có thỏa thuận trước về giá tính thuế (APA) là điều rất quan trọng vì các nguyên liệu đầu vào của chuỗi cung ứng có thể đi qua nhiều biên giới. Đây là một khái niệm mà Việt Nam đã thông qua về mặt lý thuyết nhưng cần phải được triển khai trên thực tế, các địa phương cần hiểu và thống nhất thực hiện APA.

“AmCham cũng khuyến khích Việt Nam tìm kiếm, ký kết và phê chuẩn chung một hiệp định thuế song phương với Mỹ. Đồng thời để tránh đánh thuế hai lần đối với các công dân và các khoản đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam. AmCham kêu gọi Chính phủ ổn định chính sách thuế trong những năm tới để giúp doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng bền vững. Hiện tại không phải là thời điểm thích hợp để tăng hoặc mở rộng thuế đối với doanh nghiệp”, bà Virginia Foote nói.

Đại diện AmCham còn cho biết vấn đề này đã được thảo luận rất nhiều trong nhiều năm qua. Nhưng Việt Nam nên tiếp tục đẩy nhanh việc áp dụng nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP) - giúp các công ty trong nước và nước ngoài không cần phải duy trì hai bộ sổ sách trong các hoạt động kinh doanh với nhau.

Bà Virginia Foote, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam. Ảnh: Phạm Văn Đô

Ngày nay, chuyển đổi kỹ thuật số làm giảm đáng kể chi phí, cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn cho nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới và lớn hơn. Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại điện tử, fintech, edtech và nền kinh tế sáng tạo. Để phát huy hết tiềm năng của mình, AmCham cho rằng Việt Nam cần đảm bảo một môi trường pháp lý thuận lợi, phù hợp với các thông lệ quốc tế vì việc dịch chuyển xuyên biên giới của hàng hóa, dịch vụ và dữ liệu ngày nay càng ngày càng tăng với độ bảo mật cao.

Cơ sở hạ tầng con người cũng rất quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế, các thành viên AmCham cam kết giúp phát triển lực lượng lao động cạnh tranh toàn cầu cho Việt Nam. AmCham ủng hộ việc nâng cấp các chương trình đào tạo nghề như là chìa khóa giải quyết nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng. AmCham cũng khuyến khích Chính phủ hợp lý hóa các yêu cầu về giấy phép lao động và loại bỏ yêu cầu về giấy phép nhập cảnh cho các chuyên gia. Đảm bảo rằng Việt Nam có thể tiếp tục thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu từ nước ngoài để giúp phát triển nền kinh tế.

Còn bà Đặng Tuyết Vinh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, Eurocham nhận thấy có những điểm nghẽn đáng kể trong việc phát huy tối đa tiềm năng và tính hấp dẫn của thị trường thương mại và đầu tư của Việt Nam: đó là những vẫn đề về cơ sở hạ tầng, về nhân lực và về môi trường kinh doanh (thể chế và thủ tục hành chính). Trong đó những hạn chế về môi trường kinh doanh và các rào cản về thủ tục hành chính được đánh giá là điểm nghẽn và thách thức lớn nhât cần được giải quyết.

Bà Vinh cho biết, chỉ số Môi trường Kinh doanh BCI của EuroCham quí cuối cùng năm ngoái đã chỉ ra rằng 32% lãnh đạo doanh nghiệp Châu Âu cho rằng thủ tục hành chính vẫn là rào cản lớn đối với việc tận dụng những lợi ích của Hiệp định EVFTA trong hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam.

EuroCham hoan nghênh những sáng kiến và những cải cách mạnh mẽ, trong đó có những cải cách về kiểm tra chuyên ngành. Nổi bật trong nhóm này là việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP – một nghị định được coi là cuộc cách mạng trong ngành thực phẩm khi áp dụng quản lý rủi ro và chuyển mạnh sang hậu kiểm. Những quan ngại về việc giảm tiền kiểm sang hậu kiểm có thể làm tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm đã được chứng minh là không có cơ sở.

Theo bà Vinh, kết quả thực tiễn 4 năm qua cho thấy Nghị định 15 phù hợp và hiệu quả. Ngành thực phẩm đã có sự tăng trưởng cao, ngay cả trong đại dịch. Theo đánh giá của Bộ Y tế, tiết kiệm tới 8.5 triệu ngày công và hơn 3.332 tỉ đồng/năm. EuroCham rất mong những cuộc cải cách trong ngành thực phẩm với thành tựu như Nghị định 15 sẽ được tiếp tục  mạnh mẽ hơn nữa.

Trong lĩnh vực dược phẩm, EuroCham cho rằng cần thiết lập cơ chế để duy trì hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc trong suốt vòng đời sản phẩm, tương tự như các quốc gia khác, thay vì phải gia hạn 5 năm một lần; hài hòa các yêu cầu hành chính với các hướng dẫn và thông lệ quốc tế (đặc biệt là giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm)...

Thêm nữa bà Vinh cho rằng những cải cách về thủ tục hành chính khi được tiến hành, cần có một khoảng thời gian để thích ứng phù hợp, cũng như có tính dự báo và thực tiễn. Ví dụ, các doanh nghiệp thành viên của EuroCham gặp khó khăn rất nhiều khi không đủ thời gian để phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để áp dụng hóa đơn điện tử ngay trong năm 2021.

EuroCham đã khuyến nghị với Bộ tài chính rằng trường hợp doanh nghiệp không được xếp vào nhóm doanh nghiệp rủi ro cao về thuế, đề nghị cho phép doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã xác nhận theo yêu cầu. Hay trong lĩnh vực thuế, chính sách miễn giảm thuế theo Nghị quyết 43 được cộng đồng doanh nghiệp hết sức hoan nghênh.

Tuy nhiên việc áp dụng Nghị định 15 hướng dẫn thi hành Nghị quyết trên thực tế lại vấp phải trở ngại và đem đến phiền hà lớn cho cộng đồng doanh nghiệp khi yêu cầu cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa dịch vụ được giảm thuế giá trị giá tăng, tạo thêm nhân công và thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết.

Bà Vinh nói: “Trong bối cảnh hiện tại, vũ khí để cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính chính là chuyển đổi số. EuroCham khuyến nghị xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, đặc biệt với nền kinh tế số và các doanh nghiệp liên quan đến công nghệ. Việt Nam nên hướng tới xây dựng một môi trường thích hợp cho các công ty nhằm tận dụng công nghệ số để phát triển mạnh mẽ”.

Đề xuất, kiến nghị của các hiệp hội trong nước

Tại hội nghị trên, ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị, không đưa các sản phẩm thuỷ sản chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…) vào danh mục phải kiểm dịch (bệnh) theo Luật Thú y. Trừ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh. Các sản phẩm chế biến kể trên chỉ chịu kiểm soát theo các quy định của Luật An toàn thực phẩm.

Ông Nam cho biết kiến nghị trên đã được VASEP phản ánh với Chính phủ và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và đã được bộ này tiếp thu và cam kết sẽ giải quyết. Song ông đề nghị Bộ này sớm ban hành văn bản sửa đổi các Thông tư liên quan để giải quyết đầy đủ và phù hợp các kiến nghị nói trên ngay trong quí 2 tới.

Về bất cập, vướng mắc trong thu phí sử dụng hạ tầng, dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cảng biển tại TPHCM. Ông Nam cho biết TPHCM mới đây đã thông qua nghị quyết về ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển với mức phí khá cao. Dự kiến việc thu phí chính thức bắt đầu triển khai từ 1-4-2022.

Ông Nam đề nghị Chính phủ có ý kiến để TPHCM xem xét chưa triển khai thực hiện thu các loại phí nói trên đến hết 31-12-2022 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí, phục hồi sản xuất kinh doanh - theo chủ trương của chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Bên cạnh đó đại diện VASEP còn kiến nghị điều chỉnh các mức thu nói trên giảm xuống nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Không tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và gây ách tắc cho việc thực hiện thủ tục hành chính. Nghĩa là áp dụng chung một mức thu là 250.000 đồng/container 20ft; 500.000 đồng/container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container cho tất cả các lô hàng xuất nhập khẩu, lô hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu cũng như địa điểm đăng ký mở tờ khai cho lô hàng.

Về bất cập, vướng mắc trong QCVN 11-MT:2015 về nước thải chế biến thuỷ sản và dự thảo quy chuẩn Việt Nam nước thải công nghiệp 2021. Ông Nam cho rằng việc quy định ngưỡng tối đa chỉ tiêu Phospho trong nước thải chế biến thuỷ sản sau xử lý quá nghiêm ngặt so với đặc thù ngành. Không nên áp dụng quy chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp cho cả các ao nuôi thủy sản thâm canh.

Trước những bất cập trên, VASEP đề xuất không gộp nước thải chế biến thủy sản vào quy chuẩn Việt Nam nước thải công nghiệp chung nhiều ngành nghề khác nhau. Tiếp tục thực hiện quy chuẩn Việt Nam riêng cho chế biến thủy sản do yếu tố đặc thù của ngành như đã thực hiện riêng trong suốt hơn 20 năm qua.

Để hài hòa việc phát triển kinh tế và giữ sạch môi trường, ông Nam kiến nghị: “Chỉ nên so sánh - tham khảo các chỉ tiêu về môi trường với những quốc gia có điều kiện phát triển kinh tế tương đồng, mà Thái Lan hoặc Indonesia là tiêu biểu. Không nên lấy tham khảo các chỉ tiêu từ các nước phát triển và không tập trung vào sản xuất hàng hoá lớn như Việt Nam – quốc gia đang phát triển. Được như vậy mới có được sự cạnh tranh công bằng cho Việt Nam trên thị trường quốc tế - mà thủy sản là một lĩnh vực mũi nhọn của đất nước chịu tác động lớn của vấn đề này.”

Ông Nam đề nghị Chính phủ tiếp tục có các chính sách và các hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp và người dân để chủ động phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển. Ông cũng đề nghị cần thúc đẩy việc giải ngân và kéo dài các gói hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp (giải ngân sớm gói hỗ trợ 350 ngàn tỉ đồng; tiếp tục kéo dài gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đến hết 31-12-2022 và mở rộng điều kiện vay vốn; tăng mức cho vay lên tối đa 6 tháng lương tối thiểu vùng/người lao động).

Ông cũng kiến nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp đưa các chi phí xét nghiệm Covid-19 vào chi phí sản xuất. Giảm mức đóng góp cho các Quỹ Bảo hiểm Xã hội xuống còn 26%, giảm kinh phí Công đoàn xuống 1%.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thân, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 02 của Chính phủ, ông Thân cho rằng việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên 2 yếu tố quan trọng là cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ.

“Hoạt động cải cách hành chính của Chính phủ diễn ra rất hiệu quả trong 2 nhiệm kỳ gần đây. Tuy nhiên, nếu nhìn qua góc độ phát triển ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chỉ đạt 5/10 điểm. Tốc độ ứng dụng khoa học công nghệ của Việt Nam còn rất chậm. Đề xuất Chính phủ cần phân bổ nguồn vốn phù hợp để dành cho phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và nhất là cơ sở hạ tầng kỹ thuật từ nay đến năm 2025,” ông Thân nói.

Để thực sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt thì điều thiết yếu, cơ bản là các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, quy mô đều được thụ hưởng những chính sách và cơ hội phát triển như nhau. Ông Thân cho rằng khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tham gia vào các dự án đầu tư công thì sẽ được cải thiện năng lực cạnh tranh. Khi Nhà nước trao cơ hội nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì trải qua một thời gian họ sẽ trở thành các doanh nghiệp lớn. Ông kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét, dành khoảng 30% công trình, dự án đầu tư công cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới