Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cam kết đầu tư hơn 14.600 tỉ đồng vào Ninh Thuận

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cam kết đầu tư hơn 14.600 tỉ đồng vào Ninh Thuận

Quốc Hùng

Cam kết đầu tư hơn 14.600 tỉ đồng vào Ninh Thuận
Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Thanh (trái), bắt tay với một nhà đầu tư sau khi cùng ký kết các dự án đầu tư vào tỉnh tại hội nghị – Ảnh: báo Điện tử Ninh Thuận

(TBKTSG Online) – Các công ty đã cam kết đầu tư hơn 14.600 tỉ đồng cho các dự án tại tỉnh Ninh Thuận tại Hội nghị công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 và xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận năm 2011 diễn ra ngày 10-12 tại tỉnh này.

>>> Có dự án điện hạt nhân, Ninh Thuận thu hút nhiều đầu tư.

>>> Ninh Thuận: Thừa gió để thu hút đầu tư điện gió.

Tại hội nghị, tỉnh cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án với tổng vốn đăng ký‎ hơn 4.451 tỉ đồng thuộc lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, phát triển du lịch, xây nhà máy năng lượng sạch – là những lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh và nhiều tiềm năng.

Trong số này, dự án xây dựng nhà máy điện gió Phước Hải có công suất 97,5MW và vốn đầu tư lớn nhất lên đến 3.782 tỉ đồng do Công ty cổ phần Đầu tư HD đầu tư. Các dự án khác bao gồm trung tâm Ninh Thuận – HVB nuôi tôm giống bố mẹ với 1 triệu con tôm giống/năm tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam của Tập đoàn Hùng Vương – Bến Tre đầu tư 100 tỉ đồng; dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Đỏ với tiêu chuẩn 5 sao của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hòn Đỏ Ninh Thuận có vốn đăng k‎ý lên đến gần 460 tỉ đồng.

Ngoài ra, tại hội nghị trên, tỉnh còn chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 6 dự án với tổng số vốn cam kết đầu tư lên đến 7.182 tỉ đồng. Trong số này, dự án điện gió kết hợp điện mặt trời có số vốn cam kết đầu tư nhiều nhất lên đến 4.000 tỉ đồng do Công ty TNHH LandVille Việt Nam đầu tư. Công ty TNHH Sức Sống Xanh cam kết đầu tư 90 tỉ đồng để phát triển dự án xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Tri Hải, Công ty cổ phần Lâm Sơn cam kết đầu tư 50 tỉ đồng cho dự án nhà máy chế biến tinh bột mì và Công ty Kachay Home (Mỹ) cũng phát triển dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Ninh Thuận. Ngoài các dự án được nhận giấy phép đầu tư hay được chấp thuận chủ trương đầu tư kể trên, Tập đoàn Impsa cũng đã ký thỏa thuận ghi nhớ với tỉnh Ninh Thuận để phát triển dự án nhà máy sản xuất thân trụ và cánh quạt gió với số vốn có thể lên đến 3.000 tỉ đồng.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh đã công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 do hai nhà tư vấn nước ngoài là Tập đoàn Monitor của Mỹ và Arup của Anh lập chiến lược.

6 nhóm ngành kinh tế trụ cột của Ninh Thuận

Trên cơ sở luận chứng về phát triển các nhóm ngành ưu tiên, hai tập đoàn tư vấn nước ngoài nói trên đã xác định ra 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột của tỉnh để quy hoạch tổng thể, gồm 4 cụm ngành cơ bản là năng lượng sạch, du lịch, nông lâm thủy sản, sản xuất chế biến và 2 ngành phụ trợ là giáo dục – đào tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản. Mục tiêu cho 6 cụm ngành này đến năm 2020 sẽ đóng góp 91% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và giải quyết việc làm cho 85% nhu cầu lao động của toàn tỉnh.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tỉnh Ninh Thuận có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là năng lượng gió và mặt trời, du lịch, sản xuất muối công nghiệp … Trong Chiến lược biển Việt Nam, Ninh Thuận có thể trở thành một đầu mối kinh tế của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; đặc biệt Ninh Thuận là nơi được chọn để xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước. Đây là cơ hội tốt để Ninh Thuận tạo bước đột phá trong phát triển, theo thông tin Website Chính phủ.

Dựa trên 6 cụm ngành trụ cột này, Ninh Thuận đang tái sắp xếp khu vực phía Bắc sẽ ưu tiên cho phát triển du lịch, với những khu nghỉ dưỡng cao cấp có quy mô lớn dọc theo ven biển từ Bình Tiên đến Vĩnh Hy và vùng phía Nam được dành cho phát triển công nghiệp, trọng tâm là Khu công nghiệp Phước Nam và Cà Ná. Còn lại là vùng đồng bằng dành để phát triển đô thị và dịch vụ – thương mại.

Tại hội nghị trên, Ninh Thuận đã giới thiệu 46 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 -2015, thuộc các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, năng lượng, công nghiệp, chế biến, công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp, đào tạo, y tế, xây dựng và bất động sản. Ngoài ra, tỉnh còn giới thiệu 27 dự án vận động tài trợ ODA trong giai đoạn 2011 – 2015 về giao thông, thuỷ lợi, môi trường, nâng cấp đô thị, giáo dục, y tế.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới