Cảm xúc TPP
TS. Nguyễn Đức Thành (*)
(TBKTSG Online) - Vào những ngày cuối cùng của cuộc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tin tức về kết quả thay đổi theo giờ. Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu vòng đàm phán này tiếp tục bế tắc?
TPP sẽ phải lùi lại thêm vài tháng nữa, khi môi trường chính trị tại các nước thành viên chủ chốt trở nên khó dự đoán hơn, và những nguyên thủ đã đồng hành với TPP trong một thời gian dài phải phân tán vì một chu kỳ chính trị mới, hay thậm chí bị thay thế bởi các cuộc bầu cử. Cũng không thể biết lòng kiên nhẫn của các nước thành viên sẽ tới đâu. Còn nếu TPP thất bại, thì niềm hy vọng về một thế trận mới trên phương diện toàn cầu sẽ bị dập tắt.
Vào cuối ngày thì kết quả đã tới bằng một tin nhắn qua internet trên điện thoại từ Thời báo New York. Vậy là cuộc đàm phán TPP đã kết thúc thành công! Thở phào nhẹ nhõm!
Nhưng sự thở phào đó không chính xác đi liền với một niềm vui vỡ òa, một sự hân hoan, không còn như những gì diễn ra trước đây vào thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập WTO.. WTO dường như đã không mang lại những kết quả như kỳ vọng ban đầu, dù nó đã âm thầm đem tới sự đổi thay to lớn đối với nền kinh tế và cả xã hội Việt Nam. Đã không có một bữa tiệc thịnh soạn được dọn ra như chúng ta từng phấn khích.
Niềm vui TPP là có nhưng nối tiếp niềm vui là sự thận trọng suy xét, xem những gì TPP mang lại rồi có được như những hình dung lạc quan ban đầu hay không. Xã hội Việt Nam có thực sự sẵn sàng và có khả năng thay đổi để thích nghi với môi trường mới, nắm bắt cơ hội mới hay không?
Cảm xúc đối với TPP của đa số người Việt đang theo dõi sát thời sự này, hẳn cũng chín chắn, già giặn hơn cảm xúc gia nhập WTO trước đây còn vì một lý do nữa. Đối với WTO, Việt Nam ở trong tâm thế một thành viên đến sau, phải xin vào và đợi được vào. Còn với TPP, Việt Nam là một thành viên sáng lập ngay từ đầu. Việt Nam chủ động tham gia vào cuộc chơi với tư cách người cùng tạo nên những luật chơi, thay vì chỉ chấp nhận luật chơi đã có sẵn. Việc quyết định gia nhập đàm phán thành lập nên khối TPP, tự nó đã là một hành động vượt qua nỗi sợ hãi hoặc hoài nghi, tự nó là một hành động dấn thân. Vì thế, sự kết thúc, đóng vai trò như một sự nghỉ ngơi, tạm dừng thôi, chứ không phải một phần thưởng được lĩnh nhờ may mắn.
Sự định hình và vận hành TPP, sẽ mang lại một cục diện hợp tác kinh tế mới giữa các nước thành viên, đi liền với những chuyển biến quyền lực to lớn trong khu vực. Nếu TPP thành công, nó sẽ tạo ra một khuôn mẫu sáng giá cho phương thức hợp tác kiểu mới của các xã hội, với sự tuân thủ những nguyên tắc căn bản của nền văn minh hiện đại, như sự tự do của khu vực tư nhân, sự phát triển của kinh tế thị trường…
TPP là một cái sân để các nước trong khối xích lại gần nhau, hình thành một tinh thần đoàn kết và hợp tác, sẵn sàng kiềm chế một Trung Quốc mới nổi chẳng may bỗng hung hăng quá mức. Hay trong trường hợp Trung Quốc muốn tham gia, nước này sẽ phải tuân thủ sự hợp tác hòa bình và chân thực. Nếu Trung Quốc chấp nhận luật chơi, tự họ sẽ trở nên hiền hòa vì một lợi ích chung. Trong toàn bộ quá trình chung đó, Việt Nam rõ ràng được hưởng lợi rất lớn, không chỉ về kinh tế, mà cả an ninh, chủ quyền quốc gia.
Khi dò xét cái cảm xúc đang chảy trong mình, tôi không thể nào ngừng nghĩ tới bức tranh nổi tiếng của trường phái lãng mạn trong hội họa châu Âu, “Kẻ lãng du trước biển sương mù”, do họa sĩ người Đức Caspar David Friedrich sáng tác năm 1818. Có thể có nhiều cách bình luận về bức tranh này, tùy cảm nhận của mỗi người. Tôi cảm thấy cái thế đứng của Việt Nam hiện nay, trên một vị trí thật cao và thuận lợi, trước một không gian mênh mông mở ra trước mắt. Nhưng nơi cao nhất cũng có thể là nơi đã mất dấu đường đi. Nơi rộng nhất có thể lại là nơi có ít lựa chọn nhất. Chúng ta cần có một quyết tâm chân thành trong cải cách kinh tế và xã hội, để biến những vận hội trước mắt thành sự phát triển thực sự cho nền kinh tế, cho xã hội, cho đời sống của người dân, cả về vật chất và tinh thần. Nếu tư duy và tầm nhìn không thay đổi một cách chân thành, để cho các hành động cải cách trở nên dứt khoát, thì tiếp sau niềm vui ngày hôm nay, sẽ lại là một nỗi buồn mang tên TPP.
(*) Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chinh sách (VEPR), Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).