Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Campuchia: Bắt đầu xét xử Khmer Đỏ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Campuchia: Bắt đầu xét xử Khmer Đỏ

(TBKTSG Online) – Chỉ huy tra tấn và hành hình của chế độ Khmer Đỏ tàn bạo ở Campuchia đã ra trước vành móng ngựa sáng thứ Ba 17-2, trong phiên xử đầu tiên của tòa án quốc tế do Liên hiệp quốc bảo trợ, để trả lời về những tội ác trên “Cánh đồng chết” 30 năm về trước.

Kaing Guev Eav – biệt danh là Duch – 66 tuổi, là người điều hành nhà tù chính Toul Sleng, còn gọi là trung tâm tra tấn S-21, tại Phnom Penh, nơi tra tấn và giết hại hơn 15 ngàn người Campuchia trong bốn năm cầm quyền của Khmer Đỏ (1975-1979).

Hầu hết những người này đều bị dẫn ra vườn cây Cheoung Ek gần đó và bị giết bằng búa, bằng dao hoặc bị chôn sống. Vườn cây này về sau mang tên “Cánh đồng giết người” (Killing Fields); còn trại tù S-21 khét tiếng – nguyên là một trường trung học – thì trở thành Bảo tàng Diệt chủng Toul Sleng gần thủ đô Phnom Penh và được bảo quản gần như nguyên vẹn kể từ ngày Khmer Đỏ bị lật đổ.

Tại tòa, Duch mặc áo sơ mi xanh nhạt, ngồi sau vành móng ngựa trong một khu vực được cách ly bằng kính chống đạn nhằm ngăn chặn sự tấn công của các nạn nhân của ông ta.

“Phiên tòa đầu tiên này là một nỗ lực có ý nghĩa trong việc thiết lập một tòa án độc lập và công bằng để xét xử những kẻ nắm vị trí lãnh đạo cao cấp (của Khmer Đỏ)”, chánh án Nit Nonn tuyên bố.

Đối với người dân Campuchia, tòa án này, vốn gây nhiều tranh cãi từ khi thành lập năm 2006, sau gần một thập niên thương thảo giữa chính phủ Campuchia và Liên hiệp quốc, được coi như cơ hội cuối cùng để đưa các lãnh tụ Khmer Đỏ ra trước công lý.

“Đây là một ngày rất quan trọng. Đây là lần đầu tiên có kẻ phải lên tiếng nhận trách nhiệm về những tội ác man rợ của Khmer Đỏ”, đồng chánh án do Liên hiệp quốc bổ nhiệm, ông William Smith, nhận xét.

Một số cựu tù nhân còn sống và thân nhân của những người bị giết tụ tập rất đông ở phiên tòa. Chum Mey, một trong 14 người sống sót trong số hơn 15.000 người của trại tù khủng khiếp Toul Sleng, nói với hãng tin Reuters: “Tôi muốn làm nhân chứng. Tôi muốn gặp Duch để hỏi tại sao hắn giết đồng bào mình, tại sao người của hắn tra tấn tôi”.

Năm ngoái, Duch đã bị truy tố tội chỉ huy tra tấn và hành quyết hơn 15.000 đàn ông, đàn bà và trẻ em khi ông ta điều hành trại tù S-21. Tội danh dành cho ông ta là tội ác chống loài người, tội phạm chiến tranh, tra tấn và ám sát. Nếu bị kết tội, ông ta sẽ phải lãnh án tù chung thân vì tòa án này không có quyền tuyên án tử hình. Phiên tòa đầu tiên xử Duch dự kiến sẽ kéo dài ba ngày, và sẽ tiếp tục vào đầu tháng tới.

Ngoài Duch, còn có bốn lãnh tụ khác của Khmer Đỏ đang bị tạm giam và sẽ lần lượt bị đưa ra xử. Đó là “anh hai” Noun Chea – cánh tay phải của lãnh tụ Pol Pot, còn gọi là “anh cả” đã chết năm 1998; cựu chủ tịch nước Campuchia Dân chủ (tức Khmer Đỏ) Khieu Samphan; cựu bộ trưởng ngoại giao Ieng Sary và vợ ông ta, cựu bộ trưởng bộ xã hội.

Trái với Duch là kẻ đã theo đạo Thiên chúa, đã thú nhận tội lỗi và tỏ ý ân hận về những tội ác của mình, bốn kẻ này không nhận tội và chưa biết phiên tòa xử họ sẽ tiến hành vào lúc nào.

Norng Chan Phal (bên trái) – một trong 5 đứa trẻ may mắn thoát được bàn tay của những tên cai tù trại S-21 khi chúng cố tận diệt hết tù nhân để trốn chạy trước phút sụp đổ của Khmer Đỏ tháng 1-1979.

Chal, năm nay 38 tuổi, cùng với mẹ và anh trai, bị đưa vào trại tù S-21 lúc còn bé và trong khi mẹ bị tra tấn và bị giết thì hai anh em được giao chăm sóc vườn rau của trại.

Khi bộ đội Việt Nam tiến vào giải phóng trại tù S-21, bọn cai tù bỏ chạy thì anh em Phal nấp sau đống quần áo cũ nên thoát được. Hai người lính Việt Nam cho các cậu thức ăn và đưa tới bệnh viện chăm sóc; một cậu bé sau này đã chết. Phal đã đến dự cuộc họp báo về phiên tòa xử Duch tổ chức ngày 15-2 vừa qua tại Phnom Penh.

Nhà báo Đinh Phong (bên phải), khi ấy là phóng viên quay phim có mặt trong đoàn quân giải phóng trại tù S-21. Bộ phim tài liệu do ông và nhà báo Hồ Văn Tây quay được về trại tù S-21 và những tội ác của Khmer Đỏ năm 1979 đã được trao tặng cho Trung tâm Tư liệu Campuchia, nơi thu thập hơn một triệu tài liệu về thời kỳ Khmer Đỏ.

Trong ảnh: ông Đinh Phong kể lại lúc vào trại S-21, bộ đội phát hiện được 5 đứa trẻ còn sống ẩn nấp giữa rất nhiều xác người lớn, một số thi thể đã bị chặt đầu. Ông Đinh Phong về sau là Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, hiện đã nghỉ hưu.

H.H. (Theo Reuters, AFP)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới