Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Campuchia-Thái Lan: Tháo ngòi nổ xung đột

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Campuchia-Thái Lan: Tháo ngòi nổ xung đột

Huỳnh Hoa

Binh lính Campuchia đồn trú tại khu vực biên giới đang xung đột ở tỉnh Oddar Meanchey. Ảnh AFP

(TBKTSG) – Cuộc xung đột biên giới giữa quân đội Thái Lan và Campuchia lại bùng nổ cuối tuần trước và càng lúc càng tồi tệ.

Tính đến thứ Ba 26-4, xung đột quân sự tại khu vực biên giới Thái Lan – Campuchia đã kéo dài bốn ngày. Theo báo chí hai nước, phía Campuchia đã có 10 binh sĩ thiệt mạng, 16 binh sĩ bị thương; phía Thái Lan có 4 binh sĩ thiệt mạng, 25 bị thương, 18.000 người dân Campuchia và 25.000 dân Thái Lan sống ở khu vực biên giới đã phải di tản vào sâu trong lãnh thổ nước mình. Một vùng biên giới yên bình từ bao đời nay bỗng chốc biến thành bãi chiến trường với bom rơi đạn nổ, máu và nước mắt.

Cũng như mọi cuộc xung đột khác, bên nào cũng cáo buộc đối phương gây hấn trước và cho rằng mình chỉ phản ứng tự vệ. Phía Campuchia tố cáo quân đội Thái Lan sử dụng máy bay phản lực F-16 bay sâu vào lãnh thổ Campuchia 20 ki lô mét, trong khi phía Thái Lan nói họ chỉ sử dụng máy bay trực thăng để di chuyển thương binh; cả hai đều không tỏ dấu hiệu nhân nhượng và cuộc giao tranh chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc sớm.

Thực ra đây chỉ là sự tái diễn cuộc giao tranh hồi tháng 2-2011 ở khu vực ngôi đền cổ Preah Vihear, cách điểm xung đột hiện nay khoảng 150 ki lô mét về phía đông, làm 10 binh sĩ thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương. Xung đột chỉ tạm lắng sau khi sự việc được đưa ra hòa giải tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Căn nguyên của vấn đề nằm rất sâu trong lịch sử, từ việc phân định biên giới không rõ ràng giữa Hoàng gia Thái Lan và chính quyền đô hộ của người Pháp ở Campuchia nhiều thập kỷ trước, mỗi bên đều diễn giải biên giới theo cách riêng của mình khiến xung đột là khó tránh khỏi. Sự kiện năm 2008 Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận đền Preah Vihear thuộc Campuchia là di sản văn hóa thế giới đã khiến bất đồng âm ỉ giữa hai nước bùng lên thành bạo lực.

Việc tìm giải pháp cho tình hình là không dễ vì cả hai nước đều kiên quyết bảo vệ lập trường.

Phía Campuchia luôn cáo buộc Thái Lan nổ súng trước và coi hành động của quân đội Thái Lan là nhằm gây ảnh hưởng lên chính trường Thái khi cuộc bầu cử quốc hội ở nước này sắp được tổ chức. Cũng như trong lần xung đột trước, phía Campuchia luôn yêu cầu các tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, ASEAN bảo vệ mình, phản đối Thái Lan.

Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva tố cáo Campuchia cố tình gây hấn để “quốc tế hóa” vụ tranh chấp lãnh thổ ở biên giới và tuyên bố Chính phủ Thái Lan hoàn toàn ủng hộ quân đội.

Cho đến nay, Thái Lan chỉ chấp nhận đàm phán song phương với Campuchia và từ chối phê chuẩn một thỏa thuận với ASEAN hồi tháng 2-2011, theo đó Indonesia – nước đang giữ quyền chủ tịch luân phiên của ASEAN – sẽ cử các quan sát viên quân sự đến giám sát ở cả hai bên biên giới. Nhà lãnh đạo quân đội Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha còn kiên quyết hơn khi cho rằng xung đột biên giới là vấn đề của hai nước mà Thái Lan chỉ giải quyết với Campuchia mà thôi. “Không cần Liên hiệp quốc, cũng không cần bên thứ ba nào bởi vì đây là một vụ đụng độ nhỏ chứ chưa phải là cuộc chiến tranh giữa hai nước”, ông Prayuth nói.

Có lẽ thái độ kiên quyết của Thái Lan, cộng với tình trạng giao tranh ngày càng xấu đi trên biên giới, đã khiến Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa hôm thứ Ba đã phải hủy bỏ chuyến công du tới Bangkok và Phnôm Pênh nhằm thảo luận việc bố trí quan sát viên Indonesia tại biên giới.

Báo chí Thái Lan, một mặt truyền đạt những thông điệp của chính phủ và quân đội Thái, nhưng mặt khác cũng bày tỏ lo ngại trước mức độ thương vong của cả hai bên. Trong bài xã luận “Thiếu ý chí chính trị để chấm dứt xung đột biên giới”, báo The Nation nhấn mạnh: “Thái Lan cần hiểu rằng, giao tranh càng kéo dài, đất nước càng thua thiệt trên trường quốc tế. Thái Lan đang bị coi là con sói xấu trong khi Campuchia nhỏ hơn được coi là nạn nhân của tình trạng đấu đá chính trị trong nội bộ nước láng giềng”. Và báo này đề xuất cả hai bên đưa các đơn vị quân đội ra khỏi khu vực biên giới, thay vào đó là những lực lượng không có vũ trang.

Theo báo The Nation, mặc dù chỉ chấp nhận đàm phán song phương nhưng cho đến nay chưa hề có một cơ chế song phương nào được khởi động và Thái Lan luôn cố tình trì hoãn vì chưa tìm được sự đồng thuận giữa quân đội và ngành ngoại giao nước này. Vả lại, các cuộc tranh chấp giữa các nước láng giềng bao giờ cũng cần có sự phân xử khách quan của cộng đồng quốc tế.

Trong hoàn cảnh như vậy, giải pháp của ASEAN – bố trí quan sát viên quốc tế ở hai bên biên giới – là có tính khả thi cao nhất, tuy không hoàn toàn ngăn ngừa được xung đột nhưng cần thiết để các bên phải tự kiềm chế.

ASEAN đang nỗ lực phấn đấu thành một cộng đồng chung vào giữa thập niên này, và khát vọng đó sẽ khó thành hiện thực nếu các nước láng giềng không chịu vượt qua những bất đồng của lịch sử vì một sự hợp tác thân thiện và hiệu quả hơn. Nếu xung đột kéo dài, thiệt hại sẽ rất lớn mà kẻ hưởng lợi không ai khác là những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở cả hai bên, đang lợi dụng tình hình để củng cố địa vị chính trị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới