Thứ tư, 13/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cần biến ‘tham luận’ thành ‘tranh luận’

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Quốc hội Anh nổi tiếng thế giới với phương thức tranh luận được gọi là British Parliarment Debate (viết tắc BP, tạm dịch là “phương thức tranh luận Quốc hội Anh”), trong đó một nhóm nghị sĩ thuộc phe chính phủ do thủ tướng Anh đứng đầu sẽ tranh luận về một vấn đề nào đó với một nhóm nghị sĩ thuộc phe đối lập đứng đầu là thủ lĩnh phe đối lập.

Một vòng tranh luận theo kiểu BP kéo dài 15 phút. Thủ tướng là người đầu tiên phát biểu mở đầu cuộc tranh luận trong khi phần phát biểu sau cùng thuộc về phe đối lập. Thứ tự các nghị sĩ tham gia tranh luận của hai bên được bố trí rất chặt chẽ và công bằng. Với các ưu điểm của mình, BP được xem là một trong những phương thức tranh luận được áp dụng nhiều nhất trên thế giới.

Không chỉ có vậy, nhiều người Việt có thể không khỏi kinh ngạc nếu theo dõi một số buổi họp của Hạ viện Anh (House of Commons) vì không khí ở đó khác xa với những gì chúng ta hình dung. Bên cạnh trao đổi bình thường (ít thấy hơn), lại không hiếm những lúc - nếu không nói là thường xuyên - các nghị sĩ Anh reo hò để chê bai hay chế nhạo, huýt sáo để phản đối át cả tiếng nói của người đang phát biểu, khiến người điều khiển cuộc họp (Chủ tịch Quốc hội – speaker of the House) buộc phải can thiệp để giữ trật tự.

Nhưng các buổi họp như vậy cũng không hiếm các tiếng cười khi người phát biểu (cả phe chính phủ lẫn phe đối lập) có cách diễn đạt hóm hỉnh hay dùng từ ngữ gây cười. Tóm lại, những cảnh tượng trong một vở bi hài kịch đều có thể tìm thấy trong một buổi tranh luận của Quốc hội Anh.

Nhưng xin đừng hiểu lầm, các nghị sĩ Anh đều thảo luận chuyện đại sự của quốc gia.

Đem chuyện tranh luận ở Quốc hội Anh đối chiếu với cách thảo luận lâu nay thường thấy trên diễn đàn Quốc hội Việt Nam quả là không hợp lý chút nào vì hai quốc gia khác biệt quá xa, bên này khó mà chấp nhận được phương cách của bên kia. Tuy nhiên, việc các đại biểu Quốc hội của chúng ta không làm như các nghị sĩ Anh hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta không thể đổi mới vài cách làm hiện thời để tăng cường hiệu quả hoạt động của từng đại biểu và cả Quốc hội.

Chiều thứ Năm tuần này, 2-11, tại phiên họp cuối năm của Quốc hội Việt Nam, trong khi thảo luận dự thảo nghị quyết ban hành nội quy (sửa đổi) kỳ họp Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng cần đổi mới phương thức thảo luận của Quốc hội(1).

Theo ông Vân, trong khi các kỳ họp Quốc hội là “hình thức hoạt động quan trọng, chủ yếu nhất, thì thảo luận là phương thức hoạt động quan trọng nhất(2)”. Ấy vậy mà, phương thức hoạt động đó hiện nay vẫn phần nhiều giống như đại biểu đọc tham luận, theo cách rất cũ. “Chúng ta gọi là tham luận nhưng mỗi người lấy giấy ra đọc mỗi hướng khác nhau(3)”.

Thực ra, không phải tất cả các đại biểu phát biểu trong các phiên thảo luận của Quốc hội đều lấy giấy ra đọc. Một số đại biểu phát biểu lưu loát mà không cần giấy, nhiều người đã lật ngược vấn đề hoặc nêu câu hỏi truy vấn. Tuy nhiên, cũng phải công nhận rằng không phải đại biểu nào cũng làm như vậy. Theo cách nói của đại biểu Lê Thanh Vân, đó là nhiều người “… đọc theo mỗi hướng khác nhau”. Diễn đạt một cách dân dã hơn, hình tượng hơn là “ông nói gà, bà nói vịt”, rất ít ăn nhập với nhau. Và như thế, rất khó gọi là “thảo luận” hay “tranh luận” được.

Ông Vân nêu một ý mà người viết bài này cho rằng được đa số cử tri ủng hộ. Đó là “thúc đẩy tham luận sang tranh luận nhanh hơn, [và như vậy đưa tới] quyết định chất lượng hơn và rèn luyện kỹ năng tranh luận, thuyết phục của đại biểu(4)”.

Theo ông Vân, mỗi đại biểu phải có kỹ năng hùng biện và tại nghị trường cần thể hiện khả năng đó. Yêu cầu này hoàn toàn chính đáng với các đại biểu Quốc hội. Công tâm mà nói, khi phát biểu tại nghị trường, các nghị sĩ Anh cũng thường xuyên dựa trên tài liệu mình cầm theo - thậm chí thủ tướng Anh hay thủ lĩnh phe đối lập còn cầm cả xấp tài liệu dày cộm. Nhưng họ thường dùng tài liệu cho một số việc như dẫn số liệu, trích nguyên văn, chứ không ai cầm đọc từ đầu đến cuối.

Nhiều thập niên trước, xét tình hình phát triển chung của đất nước, có thể chấp nhận chuyện cầm đọc tài liệu soạn sẵn. Đến nay, bối cảnh đã thay đổi, chúng ta đi đâu cũng thấy và hô hào “chuyển đổi số”. Nếu trong sinh hoạt nghị trường, đặc biệt là thảo luận của Quốc hội - phương thức hoạt động quan trọng nhất - lại chấp nhận cách làm xưa cũ thì thất khó thuyết phục cử tri. Chuyển đổi thực sự từ “tham luận” sang “tranh luận” sẽ giúp nâng cao đáng kể chất lượng giám sát của các đại biểu Quốc hội.

Quốc hội Anh còn có một chuyện đặc biệt nữa. Họ có các phiên mà người Anh đặt tên là “Prime Minister’s Question Time” (viết tắt PMQ, tạm dịch “phiên chất vấn thủ tướng”), trong đó thủ tướng Anh trả lời các vấn đề do nghị sĩ nêu ra(5). Chúng ta cũng có phiên chất vấn thủ tướng (chiều nay, 5-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đăng đàn trả lời các đại biểu).

Tuy nhiên, về cơ bản, không như các đại biểu Việt Nam chỉ chất vấn thủ tướng trong hai kỳ họp Quốc hội mỗi năm, về nguyên tắc, các nghị sĩ Anh đều có cơ hội chất vấn thủ tướng của họ mỗi tuần. Theo trang mạng của Quốc hội Anh, PMQ diễn ra vào thứ Tư hàng tuần, từ 12 giờ trưa đến 12 giờ 30. Trong nửa giờ đồng hồ đó, thủ tướng Anh phải trả lời chất vấn từ các nghị sĩ. Nếu thủ tướng bận, phó thủ tướng hay một nhân vật khác trong chính phủ phải trả lời thay.

Như đã nói ở trên, Quốc hội Việt Nam khác Quốc hội Anh, nên khác biệt trong phương thức hoạt động là đương nhiên. Tuy thế, hoạt động giám sát, trong đó tăng cường khả năng chất vấn và tranh luận của các đại biểu là một phần quan trọng giúp thực hiện nhiệm vụ này.

------------

(1), (2), (3), (4)https://tuoitre.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tranh-luan-viec-thao-luan-nhung-lay-giay-ra-doc-moi-huong-khac-nhau-20221102180919549.htm

(5)https://www.parliament.uk/business/news/parliament-government-and-politics/parliament/prime-ministers-questions/

2 BÌNH LUẬN

  1. Đại biểu Quốc hội là đại biểu của dân, thay cho người dân phát biểu ở hội trường Quốc hội. Nhưng làm cách nào để biết ý dân trong khi người dân không biết Đại biểu Quốc hội ở đâu , nếu biết văn phòng của Đại biểu cũng rất khó vô, khi vào được thì không có đại biểu ở văn phòng. Tại sao không công bố email và điện thoại của Đại biểu Quốc hội cho người dân biết, như trường hợp rất đặc biệt của Đại tá Đinh văn Nơi vậy

  2. Năng lực quan trọng nhất của một nghị sĩ là tranh biện. Nghĩa là vừa tham gia tranh luận để làm sáng tỏ bản chất vấn đề quốc kế dân sinh, vừa biện luận để bảo vệ lý lẽ của chính mình. Quốc hội có hai chức năng quan trọng nhất, đó là lựa chọn ra được những người đại biểu xứng đáng của nhân dân, đồng thời, tạo ra môi trường tranh biện đầy đủ để người đại biểu hoàn thành chức trách của mình. Cả hai vế này ta đang rất yếu và thiếu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới