Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần cả “bàn tay vô hình” lẫn “hữu hình”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần cả “bàn tay vô hình” lẫn “hữu hình”

Phương Nam

(TBKTSG) – Để đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế, như cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra hiện nay, theo người viết, các nền kinh tế thị trường cần phải kết hợp “bàn tay vô hình” và “bàn tay hữu hình”.

Cần cả “bàn tay vô hình” lẫn “hữu hình”

Hai thái cực diễn ra

Năm 2020 này, có thể nói rằng thế giới đã bị khủng hoảng kép: vừa khủng hoảng chu kỳ(*), vừa khủng hoảng do tác động của đại dịch Covid-19.

Thường thì trong và sau các cuộc khủng hoảng kinh tế, hầu như các quốc gia đều phải đưa ra những giải pháp giải cứu, kích thích, với số tiền có thể lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ đô la; ngân hàng trung ương nhiều nước đã phải hạ lãi suất về mức cực thấp (gần như bằng 0) trong thời gian khá dài. Nếu không có sự can thiệp kịp thời và đồng bộ của chính phủ thì các nước dù có to lớn mấy cũng sẽ bị rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng.

Hiện nay, trong tư duy của không ít nhà quản lý cũng như chuyên gia đã xuất hiện hai trạng thái. Một bên cho rằng phải tiếp tục duy trì hoặc muốn trở lại sử dụng “bàn tay hữu hình” như khi còn cơ chế cũ. Bên kia thì cho rằng phải bỏ bàn tay hữu hình, cứ để cho “bàn tay vô hình” của thị trường điều tiết. Theo người viết, cả hai trạng thái này đều trở nên cực đoan.

Nếu chỉ sử dụng bàn tay hữu hình như Nhà nước đã từng “ôm” thì sẽ “ôm” không xuể, không đủ nguồn lực để có thể giải cứu tất cả, không đủ sức chống đỡ trên tất cả các ngành, lĩnh vực; cơ chế xin – cho lại tiếp tục hoành hành, làm méo mó thị trường. Trong điều kiện xuất hiện nhóm lợi ích, tham nhũng, thì bàn tay hữu hình không còn “vô tư” mà bị nhóm lợi ích, tham nhũng lồng vào và sẽ rất nguy hiểm. Dù có tung ra đủ các biện pháp kiểm soát thì “vá” được chỗ này cũng sẽ “bục” ra ở chỗ khác.

Nhưng nếu chỉ trông chờ vào bàn tay vô hình thì sẽ có không ít ngân hàng thương mại sẽ “chết” ngay hoặc sẽ bị chết không lâu sau đó, khi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tràn đến và tác động xấu làm rúng động đến cả hệ thống; hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ chết và lặp lại tình trạng “chết không có chỗ chôn” như cuối thập niên 1980, đầu những năm 1990. Số người mất và thiếu việc làm sẽ không thể dùng đơn vị tính bằng ngàn, bằng trăm ngàn người như vừa qua, mà phải tính bằng đơn vị tính là triệu người, chục triệu người. Kinh tế sẽ không chỉ suy giảm tốc độ tăng trưởng, mà còn bị suy thoái (tăng trưởng âm); tăng trưởng kinh tế diễn ra không phải là chữ V (xuống đáy một lần rồi lên ngay), chữ W (xuống đáy 2 lần – còn gọi là khủng hoảng “kép”), hay là chữ U (xuống đáy khá lâu rồi mới phục hồi), mà thậm chí là chữ L (xuống đáy rồi nằm đó rất lâu, chưa biết đến bao giờ mới phục hồi).

Kết hợp linh hoạt bàn tay hữu hình và vô hình

Kinh tế thị trường có mục tiêu chính là lợi nhuận, tất yếu có “bàn tay vô hình” điều tiết thị trường thông qua các quy luật khách quan, như quy luật cung – cầu, quy luật giá trị; thông qua cạnh tranh tự do và có tính chất tự điều chỉnh – ít phụ thuộc vào ý chí của con người.

Với Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường được thực hiện chủ yếu là tạo ra hành lang pháp lý cho các chủ thể trên thị trường hoạt động, thông qua pháp luật, thể chế, trên cơ sở vận dụng quy luật của kinh tế thị trường; tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để bảo đảm sự bình đẳng của các chủ thể trong cạnh tranh; khi thật cần thiết và trong một số lĩnh vực, thì dùng bàn tay hữu hình can thiệp bằng các biện pháp hành chính có tính chất “giải cứu” để khỏi đổ vỡ hàng loạt.

Nếu có bất ổn từ khách quan bên ngoài, và một số yếu kém ở bên trong, thì việc kết hợp chặt chẽ giữa bàn tay hữu hình và bàn tay vô hình sẽ rất cần thiết. Sự kết hợp này trong thời gian qua cũng như hiện nay đã được thực hiện thông qua nhiều việc. Đó là, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng như điện, xăng dầu, một số dịch vụ quan trọng như học phí, viện phí…, nhưng có kiểm soát, không lạm dụng độc quyền và về lâu dài cần tạo điều kiện để xã hội hóa, đổi mới sở hữu. Không thả nổi tỷ giá, mà Ngân hàng Nhà nước điều hành thông qua tỷ giá trung tâm, áp dụng phương thức “trườn bò”, không “giật cục”, cùng với tăng, giảm biên độ giao dịch được phép. Yêu cầu các ngân hàng thương mại mua trái phiếu bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước; tăng/giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cấp phép xuất/nhập khẩu vàng, dừng sàn vàng…

Bên cạnh những kết quả tích cực, các biện pháp hành chính cũng có những hiệu ứng phụ về tăng trưởng, lạm phát, đời sống; nếu không khéo thì chi phí bỏ ra lớn và phải mất nhiều thời gian mới khắc phục được. Điều quan trọng là tạo ra các yếu tố của kinh tế thị trường, tạo ra sự cạnh tranh; Nhà nước chỉ làm những lĩnh vực mà kinh tế ngoài Nhà Nước không được làm, không làm được hoặc không muốn làm.

Kết hợp sử dụng bàn tay hữu hình và bàn tay vô hình là một trong những bài học kinh nghiệm quý, góp phần đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua. Năm 2008, Việt Nam đã không bị cuốn hút ngay vào vòng xoáy, tránh được đổ vỡ, suy thoái (chỉ bị suy giảm) khi gặp khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới trăm năm mới có.

Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã coi việc ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện để phát triển, tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, mở cửa sâu rộng hơn khi tham gia các FTA thế hệ mới…, nên đã đạt được kết quả kép: vừa kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu, vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng. Bước vào năm 2020, đứng trước tác động của dịch Covid-19 và hậu quả của nó đối với nền kinh tế- xã hội, Nhà nước đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, kích thích sản xuất chưa có tiền lệ. Kỳ vọng cùng với việc kiểm soát dịch Covid-19, kinh tế-xã hội sẽ dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, do Nhà nước không thể làm thay thị trường; hơn nữa tính thị trường còn rất yếu trong một số ngành, lĩnh vực, nhất là khoa học – công nghệ, về đất đai, về quản trị doanh nghiệp Nhà Nước, về sân sau của một số nhóm lợi ích…, nên vẫn phải sử dụng bàn tay vô hình của kinh tế thị trường.

(*) Khuyết tật của cơ chế thị trường cộng với chu kỳ đổi mới kỹ thuật – công nghệ và chu kỳ chuyển động của dòng vốn… đã tạo ra các cuộc đại khủng hoảng, cùng những cuộc khủng hoảng chu kỳ cứ khoảng mười năm một lần trên thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới