Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cán cân thương mại 2013 cơ bản là cân bằng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cán cân thương mại 2013 cơ bản là cân bằng

M.Đ

Hàng dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2013. Ảnh: TN.

(TBKTSG Online) – Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng hôm 16-12 cho biết, năm 2013 nhập siêu cả năm ước khoảng 500 triệu đô la, bằng 0,38% kim ngạch xuất khẩu. Bộ trưởng cho rằng như vậy cán cân thương mại năm 2013 về cơ bản là cân bằng.

Ngày 16-12, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã gặp gỡ các Tham tán Công sứ, Tham tán Thương mại phụ trách các Thương vụ và chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Bộ trưởng cho biết, năm 2013, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, giá xuất khẩu một số mặt hàng giảm, thị trường xuất khẩu tại một số địa bàn bị thu hẹp… Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã đạt kim ngạch xuất khẩu cao như: dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện….

Bộ trưởng đánh giá, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam từng bước đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng các sản phẩm qua chế biến. “Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của gần 200 nước và vùng lãnh thổ”, ông Vũ Huy Hoàng nói.

Bộ trưởng thông báo, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá cả năm ước đạt khoảng 132,5 tỉ đô la, tăng 16,5% so với năm 2012, nhập siêu cả năm ước khoảng 500 triệu đô la, bằng 0,38% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội giao (là 8%).

Ông Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2014, ngành công thương phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10%. Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương xác định không khuyến khích và có lộ trình phù hợp hạn chế đầu tư sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp hoặc lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng phát triển các mặt hàng xuất khẩu thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.

Đối với nhập khẩu, Bộ trưởng cho biết đặt mục tiêu duy trì nhập siêu ở mức 6% hoặc thấp hơn nữa so với tổng kim ngạch xuất khẩu, khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn; hạn chế nhập khẩu các loại hàng xa xỉ; đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu.

“Việt Nam cần tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, các biện pháp tự vệ khẩn cấp, áp thuế chống bán phá giá, các tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động thực vật… ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, tranh thủ mở cửa thị trường trong các FTA mới để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và nhập khẩu công nghệ nguồn”, ông Vũ Huy Hoàng nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới