Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cần chuẩn hóa cả về nội dung và phương thức giáo dục trực tuyến trong nhà trường

Phương Anh thực hiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Xuất phát từ đề án chuyển đổi số của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ nay đến năm 2025, các trường trung học sẽ dành 10% chương trình để giảng dạy theo hình thức e-learning (học trực tuyến). Nhờ đặc thù về khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ của giáo viên và học sinh, tỷ lệ này ở TPHCM là 35%(1). Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Chương trình Khoa học tự nhiên, Hệ thống Giáo dục HOCMAI - đã trao đổi với KTSG về chất lượng dạy và học trực tuyến.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam.

KTSG: Mục tiêu về dạy và học trực tuyến theo đề án chuyển đổi số của Bộ GĐ&ĐT có ý nghĩa như thế nào trong định hướng giáo dục - đào tạo hiện nay, thưa ông?

- TS. Nguyễn Thành Nam: Để đáp ứng thị trường lao động trong tương lai, năng lực quan trọng nhất cần trang bị cho học sinh hôm nay chính là năng lực tự học, mà một trong những biểu hiện quan trọng của năng lực này là người học phải có khả năng tự học qua mạng Internet. Chính vì vậy, việc tổ chức một phần hoạt động học tập ở bậc phổ thông bằng hình thức học trực tuyến là hoàn toàn phù hợp với đòi hỏi của tình hình mới.

Và mặc dù chương trình giáo dục phổ thông mới định hướng phát triển năng lực, nhưng phần nội dung thiên về cung cấp thông tin và dẫn giải vẫn chiếm tỷ trọng không nhỏ. Phần nội dung này rất phù hợp với phương thức dạy học trực tuyến thiên về thuyết trình. Tổ chức học trực tuyến hiệu quả sẽ giúp thầy cô và nhà trường tiết kiệm được thời gian và dành thời gian tập trung cho cho các hoạt động trực tiếp trên lớp, giúp phát triển năng lực của học sinh.

Các nội dung học tập trực tuyến luôn ở trạng thái sẵn sàng cho phép học sinh có thể học từ bất cứ nơi đâu, vào bất cứ khi nào, và học bao nhiêu lần tùy ý, góp phần mang lại tự do học tập và nâng cao tính cá nhân hóa của chương trình học. Điều này đồng thời giải phóng giáo viên khỏi việc phải giảng đi giảng lại các nội dung lý thuyết trong chương trình, có điều kiện tập trung nhiều hơn vào việc thiết kế và tổ chức hoạt động học tập giúp phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh.

KTSG: Kể từ đại dịch Covid-19 đến nay, ngành giáo dục có vẻ cũng đã thực hiện được các đầu việc như ông vừa nêu, nhưng kết quả trên thực tế chưa cao. Vậy trong quá trình triển khai đề án giáo dục trực tuyến sắp tới đây, theo ông cần phải chú trọng những vấn đề gì?

- Quá trình triển khai dạy và học trực tuyến có thể gặp khó khăn ở các khâu như: sản xuất nội dung học trực tuyến, cũng như việc cấp phát nội dung đến người học qua hệ thống quản lý học trực tuyến (LMS), và kiểm tra đánh giá chất lượng học tập. Việc xây dựng nội dung và sản xuất bài học trực tuyến có chất lượng sẽ làm tốn nhiều thời gian và công sức của giáo viên hơn. Quá trình cấp phát bài giảng và học liệu đến học sinh cũng cần phải được thực hiện tập trung trên một nền tảng công nghệ ổn định, hiệu quả và đáng tin cậy. Và cuối cùng, việc kiểm tra đánh giá cần phải được thống nhất cả về nội dung và phương thức, để đảm bảo đánh giá công bằng kết quả học tập của mọi học sinh tham gia học trực tuyến.

Trong đại dịch, việc dạy học trực tuyến được tổ chức phân tán với cách làm khá tùy tiện, thiếu sự quản lý sâu sát về nội dung cũng như quá trình học của học sinh. Trong giai đoạn triển khai đồng loạt sắp tới, các khâu dạy học trực tuyến cần phải được chuẩn hóa và quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo chất lượng đào tạo.

KTSG: Về mặt kỹ thuật, làm sao để đảm bảo tiến độ sản xuất cũng như chất lượng nội dung các bài giảng trực tuyến, thưa ông?

- Về việc này, thay vì để tự các thầy cô mạnh ai nấy làm như trước kia, cơ quan quản lý ngành có thể lựa chọn, quay bài giảng video của các giáo viên giỏi. Sau khi thẩm định, bài giảng sẽ được đưa lên LMS để học sinh tự học. Hệ thống bài tập và học liệu kèm theo cũng nên được biên tập thống nhất và cấp phát đồng thời với bài giảng video trên hệ thống.

Cần lưu ý là hệ thống LMS đóng vai trò rất quan trọng, nếu muốn quản lý và đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến thì cần phải lựa chọn sử dụng một hệ thống cấp phát nội dung thống nhất, ổn định và hiệu quả. Để làm được việc này, ngoài cách khó là xây dựng riêng một hệ thống mới, còn có cách dễ hơn là kết hợp với một đơn vị có uy tín trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến để họ trợ giúp quá trình sản xuất và cấp phát nội dung đến người học.

Quá trình kiểm tra đánh giá học trực tuyến cũng nên kết hợp giữa đánh giá trực tuyến và đánh giá trực tiếp tại trường học. Việc kiểm tra đánh giá trực tuyến thực hiện bám sát theo nội dung học tập sẽ giúp học sinh tự đánh giá và điều chỉnh quá trình học để nâng cao hiệu quả học tập. Còn hoạt động đánh giá tại trường nên được thực hiện thống nhất cả về nội dung và phương thức để lấy kết quả đưa vào học bạ, đồng thời giúp các cơ quan quản lý và nhà trường nắm được kết quả học tập trực tuyến của học sinh.

(1) https://tuoitre.vn/nam-hoc-2022-2023-tai-tp-hcm-35-so-tiet-day-bang-e-learning-20220901085443245.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới