(KTSG) - Có nhiều loại tiền mã hóa và báo chí thường chỉ chú ý đến bitcoin vì giá cả lên xuống rất kịch tính, có thể giúp nhiều người thành tỉ phú rồi cũng có thể làm họ trắng tay trong chốc lát. Tuy nhiên, các đồng tiền “neo giá”, tức giá trị được neo với một tài sản khác để được ổn định (nên được gọi chung là stablecoin), mới đang phát triển nhanh chóng, hút nhiều tiền của giới đầu tư và đặt ra các bài toán mới cho nền kinh tế.
Lấy ví dụ đồng tiền “neo giá” phổ biến nhất Việt Nam là USDT, tức đồng Tether. Trong một bản tin về một vụ lừa đảo mới đây, kẻ lừa đảo tìm cách để nạn nhân chuyển 700 triệu đồng vào tài khoản của một tay môi giới tiền mã hóa với yêu cầu đổi số tiền này thành 29.790 USDT rồi chuyển về ví của kẻ lừa đảo tạo ra. Sau đó, theo bản tin, kẻ lừa đảo bán số tiền USDT trong ví nhận tiền đồng, tiêu xài. Vụ việc này chứng tỏ USDT đã được nhiều người biết và sử dụng, trong đó có cả cho mục đích “rửa tiền” che giấu nguồn gốc phạm tội mà có.
Thông tin về nguồn gốc, cách vận hành, các tranh cãi liệu đồng Tether có phải là một dạng lừa đảo hay không có sẵn rất nhiều trên mạng - vấn đề là bất kể các tranh luận này, đồng Tether vẫn thu hút người dùng khắp thế giới, nay tổng giá trị đã lên đến gần 80 tỉ đô la Mỹ, giá trị giao dịch hàng ngày chừng 40 tỉ đô la, cao hơn hẳn giá trị giao dịch của bitcoin. Tether chỉ là một loại stablecoin, còn rất nhiều stablecoin khác như thế, sẵn sàng đóng vai trò phương tiện lưu trữ giá trị được luân chuyển dễ dàng.
Hiện nay Việt Nam vẫn đang kiểm soát việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Thế nhưng với đồng USDT nói riêng và các stablecoin khác nói chung, có gì ngăn cản một người ở Việt Nam mua cả trăm tỉ đồng tiền mã hóa như USDT rồi chuyển nó vào ví một người khác đang ở nước ngoài? Việc sử dụng đồng USDT như một phương tiện chuyển ngân lậu là rất có khả năng xảy ra.
Mặc dù chính sách của Việt Nam nói chung là cấm sử dụng tiền mã hóa trong thanh toán và xem các loại tiền mã hóa không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp, nhưng biện pháp chế tài thì hầu như chưa xây dựng được gì. Việc các sàn giao dịch tiền mã hóa nước ngoài phổ biến như binance, remitano… đều có phần biên soạn nội dung bằng tiếng Việt, chứng tỏ hoạt động mua bán tiền mã hóa, sử dụng tiền mã hóa để rửa tiền do phạm tội mà có, sử dụng tiền mã hóa để chuyển tiền vào ra nước ngoài cho thị trường Việt Nam là có và rất sôi nổi.
Vì thế, nhân có ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái đối với việc xây dựng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa vừa công bố vào tuần trước, cần ưu tiên xây dựng chính sách rõ ràng và khả thi để kiểm soát, giám sát các loại tiền “neo giá” stablecoin.
Chính sách này phải có sự tham gia của hệ thống ngân hàng với các biện pháp giám sát dòng tiền từ tiền pháp định chuyển qua tiền mã hóa hay ngược lại và đi kèm là các biện pháp chế tài mạnh mẽ, nhất là với các sàn giao dịch. Bằng không, chúng sẽ là khe hở to lớn có khả năng tác động và vô hiệu hóa chính sách tiền tệ của Nhà nước, hay ít nhất trước mắt là khe hở cho các hoạt động lừa đảo qua mạng gây thiệt hại cho người dân.