Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần có luật riêng về các tổ chức phi lợi nhuận?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần có luật riêng về các tổ chức phi lợi nhuận?

Nguyên Lê

(KTSG) – LTS: Ngày 23-10-2020, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 8876/VPCP-QHĐP yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng nghị định mới “thay thế” Nghị định 64/2008. Đến nay, Bộ Tài chính đã xây dựng một dự thảo nghị định trên tinh thần “sửa” Nghị định 64 và đang lấy ý kiến góp ý.

Kinh tế Sài Gòn (KTSG) có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Lập(*) – người từng đặt vấn đề về việc “có cần thiết xây dựng và ban hành một văn bản hay khung pháp luật riêng, chuyên biệt về vấn đề vận động, quyên góp và phân phối các khoản đóng góp cứu trợ nạn nhân thiên tai và sự cố nghiêm trọng hay không?” – về chuyện này.

KTSG: Xin ông bắt đầu từ lý do phải thay thế Nghị định 64 (về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo), dưới góc nhìn của ông…

Cần có luật riêng về các tổ chức phi lợi nhuận?
LS. Nguyễn Tiến Lập

– LS. Nguyễn Tiến Lập: Nhiều người cho rằng bởi xảy ra thảm họa bão lụt miền Trung tháng 10-2020 và hiện tượng cao trào làm từ thiện của người dân với điển hình là ca sĩ Thủy Tiên thì mới có việc cơ quan chức năng xem xét sửa đổi Nghị định 64.

Tôi đồng ý đó là bối cảnh có tính thúc đẩy nhưng xem xét sâu và nghiêm túc hơn thì văn bản này vừa trở nên lỗi thời về nội dung, vừa không còn phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Chẳng hạn, điều 5 của Nghị định 64 quy định ngoài các tổ chức, đơn vị như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện và tổ chức được Mặt trận Tổ quốc cho phép thì không cho phép, hay cấm bất cứ tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Điều này rõ ràng là vô lý và làm cho nhiều đại biểu Quốc hội cũng ngỡ ngàng.

Ngoài ra, từ góc độ luật pháp, Nghị định 64 được ban hành từ năm 2008 căn cứ theo Luật Mặt trận Tổ quốc 1999 và Luật Ngân sách 2002 mà cả hai luật này đều đã hết hiệu lực.

Vậy thì theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, nghị định này đã đương nhiên hết hiệu lực.

Vấn đề ở chỗ như một thông lệ ở nước ta, một văn bản hết hiệu lực nhưng điều chỉnh một vấn đề thiết yếu mà lại không có văn bản thay thế thì các cơ quan chức năng cứ tiếp tục thi hành. Và điều đó tạo nên những rủi ro không đáng có đối với người dân.

KTSG: Bên cạnh lý do mang tính “thời sự” và “nguyên tắc lập pháp, lập quy” nói trên, nhìn rộng ra, trước đây, vấn đề lớn nhất của Nghị định 64 là gì, thưa ông?

– Vấn đề lớn nhất của Nghị định 64, theo tôi, lại không phải là các quy định có tính kỹ thuật về nội dung mà là quan điểm, tầm nhìn và cách tiếp cận vấn đề của những người soạn thảo nó.

Thứ nhất, khi coi việc đóng góp tự nguyện hay hoạt động từ thiện, thiện nguyện là vấn đề cần thiết phải có pháp luật điều chỉnh thì quan điểm soạn thảo lại thu hẹp vào các tình huống đặc biệt như thiên tai, hỏa hoạn và sự cố mà không quan tâm đến các hoạt động từ thiện thường xuyên, hàng ngày rộng lớn của người dân.

Thứ hai, có một nhận thức không đúng về vai trò, chức năng của hai cơ quan có liên quan là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc ngay từ ngày được thành lập luôn luôn là một tổ chức liên minh chính trị, tham gia các hoạt động chính trị chứ không phải là cơ quan phụ trách về công tác từ thiện.

Còn Hội Chữ thập đỏ thì đúng là có chức năng này, nhưng lịch sử hoạt động hơn nửa thế kỷ nay lại gắn liền với mạng lưới chữ thập đỏ quốc tế, cơ quan này đã có đầy đủ khung pháp luật riêng của nó mà không cần có một văn bản riêng như Nghị định 64 để điều chỉnh hoạt động.

Thứ ba, tôi cho là vấn đề quan trọng nhất, đó là các cơ quan chức năng khi soạn thảo văn bản nghị định cho Chính phủ ban hành thì cần tôn trọng các quyền dân sự của người dân đã được khẳng định trong nhiều đạo luật, không thể ra quy định cấm hay hạn chế.

Bởi đó là quyền của mỗi cá nhân được tự tiến hành các hoạt động tặng cho, giúp đỡ người khác, tức làm từ thiện và thiện nguyện. Nhà nước không nên, không cần và không thể bao sân và can thiệp hành chính vào các hoạt động này, có và nên chăng là bảo hộ pháp luật và tạo điều kiện.

KTSG: Đến nay, theo ông, dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 64 có giải quyết được các vấn đề này không?

– Thật đáng tiếc là dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 64 như công bố vẫn thể hiện sự lúng túng khi dựa trên các căn cứ pháp luật không rành mạch. Có tới bảy luật khác nhau được lấy làm căn cứ nhưng về thực chất chỉ duy nhất một luật có sự tương thích, đó là Luật Phòng chống thiên tai 2013. Các luật khác không cần có nghị định riêng hướng dẫn về vấn đề đóng góp tự nguyện của người dân vì đã có quy định cả rồi, tức không còn có sự cần thiết nữa.

Còn về nội dung, thì về cơ bản dự thảo nghị định vẫn giữ nguyên các quy định cũ, ngoại trừ bỏ quy định cấm các cá nhân được quyền tổ chức, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ trong tình huống thiên tai, khẩn cấp mà dư luận đã phản ứng với điều kiện phải thông báo hay đăng ký với cơ quan chính quyền. Cách sửa đổi như vậy không chỉ chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mà đồng thời cũng chưa đáp ứng đúng và đủ các nhu cầu từ thực tế mới trong lĩnh vực này.

KTSG: Vậy, tình hình và nhu cầu mới cần có sự điều chỉnh của pháp luật đó là gì, thưa ông?

– Đợt cứu trợ bão lụt ở miền Trung và sự tham gia của ca sĩ Thủy Tiên cho thấy một hiện tượng mới, đó là không chỉ là bản thân sự đóng góp mà còn là việc tự tổ chức các hoạt động cứu trợ của người dân. Xu hướng này rất cần được cổ vũ và hỗ trợ bởi nó là biểu hiện của các giá trị cao quý trong văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc.

Tuy nhiên, bởi các hoạt động nói trên vẫn còn mang tính tự phát, cho nên, dù đã thành công nhưng cũng bộc lộ những mặt hạn chế nhất định. Chẳng hạn, ngoài sự lo ngại về tính hợp pháp của các hoạt động này, xã hội còn quan tâm về tính công khai, minh bạch cũng như biện pháp chống lạm dụng trong tiếp nhận, quản lý các khoản đóng góp bằng tiền có số lượng lớn.

Ngoài ra, còn có nhu cầu về sự phối hợp giữa các tổ chức, nhóm cá nhân và cá nhân để cùng tổ chức cứu trợ; về vai trò điều phối, hỗ trợ từ phía các cơ quan chính quyền địa phương liên quan đến các khâu vận chuyển và phân phối tiền, hàng cứu trợ, nhằm bảo đảm yêu cầu về tính kịp thời và đúng đối tượng.

Thậm chí, cần phải có các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh cho cá nhân và an toàn tài sản quyên góp được cho các bên tham gia tổ chức hoạt động cứu trợ tự nguyện nữa.

Tóm lại ban hành một văn bản mới mà chỉ nhằm sửa đổi Nghị định 64 thì sẽ không giải quyết được các vấn đề nói trên.

KTSG: Có lẽ chiếc áo mang tên nghị định sửa đổi Nghị định 64 do Bộ Tài chính may quá chật cho nhu cầu điều chỉnh như ông nói. Có thể có giải pháp xây dựng pháp luật nào khác không thưa ông?

– Tôi cho rằng trước mắt và cho thời gian 3-5 năm tới, Chính phủ cần ban hành một nghị định quy định chi tiết các hoạt động cứu trợ khẩn cấp tự nguyện của tổ chức, cá nhân nhằm giảm nhẹ, khắc phục tác động thiên tai. Tuy nhiên, xét về tầm nhìn lâu dài, cần thiết xây dựng một khung khổ pháp lý hoàn chỉnh và cao hơn về tổ chức và hoạt động thiện nguyện, phi lợi nhuận bởi hai lý do chính như sau:

Thứ nhất, đối tượng điều chỉnh của pháp luật không chỉ bó hẹp vào tình huống khẩn cấp mà trên thực tế còn nên hướng tới các hoạt động thiện nguyện rất phong phú, đa dạng mang tính thường xuyên của người dân. Có nghĩa rằng cần tạo điều kiện để đông đảo người dân tham gia làm từ thiện để chia sẻ, giúp đỡ người nghèo và các nhóm đối tượng yếu thế, góp phần với Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề xã hội nói chung.

Hiện nay, Nghị định 148/2007 về Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện chưa bao quát các loại hình khác nhau của hoạt động thiện nguyện. Hơn nữa, đối với các trợ giúp của tổ chức, cá nhân nước ngoài có tính chất từ thiện, cũng không nên coi đó là là viện trợ nước ngoài để quản lý quá chặt theo cơ chế cũ mà tạo điều kiện để việc hỗ trợ được thực hiện trực tiếp giữa hai bên cho và nhận.

Thứ hai, từ góc nhìn vĩ mô, hoạt động từ thiện theo nghĩa rộng thuộc lĩnh vực phi lợi nhuận. Đó là các hoạt động tạo giá trị vật chất mới nhưng không phục vụ nhu cầu cá nhân mà vì lợi ích xã hội và cộng đồng. Pháp luật đã thừa nhận bước đầu loại hình doanh nghiệp xã hội và các cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận.

Tuy nhiên, Nhà nước vẫn chưa có một chính sách rõ ràng và phù hợp để khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển khu vực rộng lớn và quan trọng này. Chẳng hạn, chưa có chính sách khấu trừ hay miễn giảm thuế đối với các khoản đóng góp thiện nguyện, hay chưa có cơ chế ưu tiên tiếp cận đất đai, hạ tầng cho các hoạt động phi lợi nhuận của tư nhân để giải quyết các vấn đề xã hội.

Do đó, cần thiết phải có một khung khổ pháp luật mới, có tầm bao quát rộng hơn dưới hình thức một đạo luật do Quốc hội ban hành. Lưu ý rằng thực tiễn ở nhiều quốc gia có luật riêng về các tổ chức phi lợi nhuận.

(*) Văn phòng NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới