Thứ tư, 20/11/2024
25.6 C
Ho Chi Minh City

Cần có ‘nhạc trưởng’ phân công, phối hợp nguồn lực trong liên kết vùng nông sản

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các chuyên gia khuyến nghị cơ quan quản lý nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng để tái phân công và phối hợp trên quy mô vùng, qua đó gia tăng được sợi dây liên kết để tiêu thụ sản phẩm nông sản của doanh nghiệp và hợp tác xã.

Tại diễn đàn về đẩy mạnh liên kết vùng sáng 26-10, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho biết vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế với gần 70% hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp. Còn một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế.

Ngoài ra, việc hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán.

Bên cạnh đó, tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều trung gian, hiệu quả kinh tế không cao.

Liên kết để nâng cao giá trị cho cây sen Đồng Tháp. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Để tháo gỡ vướng mắc trên, ông Thịnh cho rằng cần có đơn vị giữ vai trò “nhạc trưởng” trong liên kết vùng giữa doanh nghiệp và HTX. Đơn vị này có nhiệm vụ tái phân công và phối hợp nguồn lực trên quy mô vùng kinh tế, qua đó gia tăng liên kết giữa doanh nghiệp và HTX trong tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, đưa các sản phẩm vùng miền tới gần với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

“Cần tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng và thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng”, ông Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh, các cơ quan quản lý cần thắt chặt liên kết “bốn nhà” (trong đó có mô hình liên kết HTX) nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc, phát huy lợi thế từng địa phương, vùng miền.

Ngoài ra, giải quyết vướng mắc về tích tụ ruộng đất để đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn trong nền nông nghiệp hiện đại cùng với sự liên kết giữa doanh nghiệp và HTX.

Đồng quan điểm, TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần tháo gỡ những vướng mắc trong tiếp cận đất đai để đẩy mạnh liên kết vùng.

“Nhiều người giàu lên vì đất đai nhưng chi phí về đất đai cũng cản trở sự phát triển ghê gớm, không giải quyết nút thắt thì kéo lùi sự phát triển”, ông Thiên nhấn mạnh.

Vì vậy, vị chuyên gia này kỳ vọng sắp tới khi Luật Đất đai được sửa đổi với những quy định mới sẽ giúp giải quyết nút thắt trên.

Về quy hoạch vùng, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh cần hình thành và nâng cấp hệ thống cụm liên kết các ngành công - nông nghiệp chuyên môn hóa và các tổ hợp quy mô lớn, hiệu quả cao theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng, địa bàn trọng điểm. Đồng thời, tăng cường liên kết vùng và tích hợp kết nối chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp, nông nghiệp vào quá trình xây dựng và thực thi quy hoạch phát triển địa phương, vùng và quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho sự chuyên môn hóa địa phương và hợp tác liên vùng trên cả nước.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh việc quy hoạch và liên kết vùng cần gắn với quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, qua đó thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Cụ thể, vùng nguyên liệu phải được quy hoạch theo nhu cầu thị trường, các điều kiện lợi thế tự nhiên để hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn, được ứng dụng khoa học tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học, thông minh, hữu cơ, phát triển tuần hoàn…

Theo đó, mục tiêu đặt ra là hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu tập trung với quy mô 166.800 ha. Phạm vi 5 vùng sản xuất nguyên liệu thuộc 13 tỉnh. Vùng thứ nhất thuộc tỉnh Sơn La và Hòa Bình với vai trò là vùng cây ăn quả miền núi phía Bắc, diện tích 14.000 ha.

Vùng thứ thứ hai thuộc tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với vai trò là vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS,…), diện tích 22.900 ha.

Vùng thứ ba thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông với vai trò là vùng cà phê Tây Nguyên, diện tích 19.700 ha.

Vùng thứ tư thuộc tỉnh An Giang và Kiên Giang với vai trò là vùng lúa gạo Tứ giác Long Xuyên, diện tích 50.000 ha.

Vùng thứ năm thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang với vai trò vùng cây ăn quả Đồng Tháp Mười, diện tích 60.200 ha.

Cũng theo ông toản, cần phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản bên cạnh việc phát triển vùng nguyên liệu. Điều hành giúp hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ giữa doanh nghiệp, HTX và người nông dân sản xuất nguyên liệu, qua đó giảm chi phí sản xuất đầu vào từ 5-10%, giảm tổn thất sau thu hoạch 5-10%, gia tăng giá trị 10-20%.

Với riêng đối tượng HTX, bà Trần Thị Hồng Minh khuyến nghị hệ thống Liên minh HTX và các HTX cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động quản trị, tổ chức sản xuất, thương mại, gắn với quá trình gia tăng hợp tác, liên kết với các chủ thể khác trong các cụm liên kết ngành.

Ngoài ra, tìm hiểu, tham gia, triển khai và làm chủ các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với năng lực và yêu cầu của đất nước, địa phương và ngành.

Bên cạnh đó đó, các HTX cần thường xuyên trao đổi, kết nối với các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học nhằm tìm kiếm những hướng đi mới, thông lệ tốt, giải pháp hay để tăng năng lực ứng phó với những biến động phức tạp, khó lường của thị trường thế giới và trong nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới