Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần công bằng trong chia sẻ lợi ích từ sông Mekong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần công bằng trong chia sẻ lợi ích từ sông Mekong

Tô Hà Thắng (*)

Bản đồ nước sông Mê Kông. Ảnh: www.vnmc.gov.vn.

(TBKTSG Online) – Sau bài viết Nguy cơ từ các nhà máy thủy điện trên sông Mekong của TS. Tô Văn Trường, bạn đọc Tô Hà Thắng đã gửi bài viết góp thêm ý kiến khi mà các quốc gia có dòng sông này chảy qua đã và đang xây dựng hàng loạt đập thủy điện ngăn dòng chảy tự nhiên.

Tòa soạn giới thiệu bài viết của bạn đọc Tô Hà Thắng:

Cách đây gần chục năm, khi còn là sinh viên đang học đại học chuyên ngành về kinh tế ở Thái Lan, tôi thường nghe các bạn cùng lớp bàn luận về dòng sông Mekong xanh đẹp, nhìn chung là hiền hòa nhưng đang có nguy cơ về kế hoạch của Trung Quốc xây dựng hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn sông.

Chỉ đến khi về công tác ở Việt Nam nghe các bậc đàn anh đi trước giảng giải, và tham khảo các sách chuyên ngành, tôi mới càng hiểu rõ tầm vóc của sông Mekong trước các thời cơ và thách thức của việc khai thác sử dụng nguồn nước vì mục đích phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Điều chúng ta quan tâm nhất là đánh giá khả năng Trung Quốc có chuyển nước sông Mekong ra ngoài lưu vực và vận hành nhà máy thủy điện có đúng theo các quy trình thiết kế hay không?

Tuy nhiên, dễ nhận thấy là khi xây dựng nhà máy thủy điện, cái được nhiều nhất là ở các nước khu vực thượng lưu sông và cái hại nhiều nhất thì lại rơi vào nước ở hạ lưu.

Theo một đánh giá của JICA (Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản) thì các hồ chứa thủy điện của Trung Quốc, lượng nước tăng 20% về mùa khô trải dài dọc sông hơn 4.500 km cũng sẽ bị các nước Thái Lan, Lào, Campuchia sử dụng cho các mục tiêu khác nhau, không có tác dụng đối với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Về mùa lũ, nếu Trung Quốc hoàn thành 8 đập thủy điện để cắt lũ cũng chẳng có lợi gì cho Việt Nam vì trừ năm lũ lịch sử như năm 2000 gây nhiều tác hại về người và cơ sở vật chất, còn hầu hết các năm, người dân ĐBSCL chỉ mong có lũ về (Tân Châu khoảng 4,2 – 4,5 m) còn gọi là lũ đẹp để đồng ruộng có phù sa màu mỡ, người dân có điều kiện đánh bắt thủy sản, vệ sinh đồng ruộng v.v. Mùa nước nổi, chỉ tính riêng tỉnh An Giang cũng thu nhập được đến 1.300 tỉ đồng.

Một số nhà khoa học nhận xét hiện nay, nguồn nước của sông Mekong chưa được sử dụng hết kể cả về mùa mưa và mùa khô. Do đó, việc đánh giá khả năng tác động của các nước ở thượng lưu đến ĐBSCL cần khách quan, khoa học, lấy thực tế là chân lý, đặt ra các kịch bản phát triển cho các giai đoạn khác nhau theo cả  hai chiều, nhất là khi một loạt các hệ thống thủy điện hoàn thành, để có kế hoạch chủ động và các các biện pháp thích hợp cho tương lai.  

Việc sử dụng nguồn nước trên sông Mekong cần hài hòa cho các mục đích (a) tưới tiêu, chỉ riêng  vùng đông bắc Thái Lan và kế hoạch phát triển nông nghiệp ở Lào trong tương lai tăng thêm 1 triệu héc ta, có nghĩa là tương đương lấy nước 800 – 1.100 m3/giây; (b) cấp nước sinh hoạt, và (c) bảo vệ sinh thái.

Hiện nay, mục đích (a) bị nguy hại, mục đích (b) bị xóa sổ ở nhiều địa phương đến nỗi dân không dám sử dụng cho mục đích sinh hoạt, còn mục đích (c) đang bị đe dọa.

Các nước Thái Lan, Lào và Campuchia hiện có kế hoạch xây dựng hàng loạt nhà máy thủy điện và đập dâng trên dòng chính và dòng nhánh sông Mekong. Theo ý kiến của một số chuyên gia đánh giá tổng lượng lũ trung bình ở Stung Treng (Campuchia) khoảng 430 tỉ mét khối. Còn các hồ chứa ở Thái Lan và chủ yếu ở Lào khoảng 22 tỉ mét khối, chỉ bằng 5,1% tổng lượng lũ trung bình. Mặt khác, cũng khá nhỏ so với dao động lũ giữa các năm lũ lớn và lũ nhỏ và các hồ chứa này xả về hạ lưu trong mùa kiệt khoảng 2.100 m3/giây.

Để có số liệu tin cậy và đủ cơ sở pháp lý khi đàm phán, thảo luận, phía Việt Nam cần cập nhật các thông tin, tài liệu cơ bản từ kinh tế xã hội, thủy văn, địa hình, tính toán lại bài toán cân bằng nước trong toàn lưu vực và đặc biệt cho ĐBSCL.

Việc bảo vệ quyền lợi sử dụng nguồn nước một cách công bằng theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa 6 nước ven sông gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, sự phối hợp đồng bộ, sự quan tâm thường xuyên của nhà nước, các ban ngành và các địa phương, vì đây là bài toán tổng hợp liên quan đến cả chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường.

__________________________________

(*) tác giả công tác ở Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới