(KTSG) - Bộ Công an đang đưa ra dự thảo Thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước để được người dân đóng góp ý kiến hoàn thiện thông tư. Điều đầu tiên có thể góp ý ngay là tên gọi của thẻ, dự thảo ghi gọn hai chữ “Căn cước” trong khi tên gọi chính xác phải là “Thẻ căn cước”.
- Quốc hội thông qua Luật Căn cước
- Góp ý chuyển đổi tên ‘Luật Căn cước công dân’ thành ‘Luật Căn cước’
“Căn cước” là một từ trừu trượng, được định nghĩa là “thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, nhân dạng và sinh trắc học của một người”. Cái chúng ta cầm trong tay không phải là “căn cước”; nó là một vật cụ thể, chính là chiếc “thẻ căn cước”. Ngay trong Luật Căn cước vừa ban hành cũng có định nghĩa rất rõ ràng: “Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của luật này”.
Trong phần tiếng Anh, dự thảo Thông tư dùng cụm từ “Identity Card” là chính xác, phần tiếng Việt nên dùng “Thẻ căn cước” cho nhất quán với khái niệm tiếng Anh. Nhìn qua các nước Đông Nam Á có sử dụng tiếng Anh trên thẻ căn cước như Singapore, Thái Lan, họ cũng dùng cụm từ “Identity Card”, tức xem đây là “Thẻ” chứ không nói “Căn cước” chung chung.
Điều đáng nói là trong dự thảo Thông tư, ở chương II về mẫu thẻ căn cước, Bộ Công an đã sử dụng rất nhất quán cụm từ “Thẻ căn cước” khi miêu tả chiếc thẻ chứa thông tin căn cước của người dân như điều 3 về “Quy cách thẻ căn cước”; điều 7 về “Nội dung thẻ căn cước”; điều 5 về “Hình dáng, kích thước, chất liệu thẻ căn cước”. Tuy nhiên đến khi gọi tên, Bộ Công an lại dự thảo thành “Căn cước”, cũng bởi Luật Căn cước quy định thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm dòng chữ “Căn cước”. Có thể mọi người không chú ý khi nằm ở dạng văn bản luật nhưng khi thể hiện thành hình ảnh trực quan, cụm từ “Căn cước” rõ ràng là thiếu từ “Thẻ”. Dù luật ghi như thế nhưng phải có cách nào đó dùng cả cụm từ “Thẻ căn cước” cho đầy đủ.
Phần còn lại xin góp ý về việc sử dụng tiếng Anh trong thẻ căn cước. Trong khi tiếng Việt là “Số định danh cá nhân”, tiếng Anh chỉ ghi thành “No” là chưa chính xác, nên ghi đầy đủ thành “Identification Number”. Ngay cả từ “number” khi viết tắt thường phải ghi thành “No.” có dấu chấm mới đúng quy tắc. Tiếng Việt ghi đầy đủ: “Họ, chữ đệm và tên khai sinh” nhưng tiếng Anh chỉ có “Surname, given names” thì còn thiếu “middle name” và “given names” ở dạng số nhiều là không cần thiết.
Trong khi thẻ căn cước có phần tiếng Anh đầy đủ đi kèm với phần tiếng Việt, giấy chứng nhận căn cước, tức loại giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, lại chỉ có tiếng Việt, không sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Thiết nghĩ, nội dung tiếng Anh trên thẻ căn cước chưa cần thiết bằng tiếng Anh trên giấy chứng nhận căn cước vì nó có thể được người dân chưa có quốc tịch sử dụng ở nước ngoài nhiều hơn, chẳng hạn, để xin xác nhận quốc tịch hay tình trạng cư trú.
So với mẫu thẻ căn cước công dân hiện hành, mẫu thẻ mới bỏ mục “Quê quán” thay bằng mục “Nơi đăng ký khai sinh” là một sự lắng nghe nhiều góp ý trước đó của người dân. Rất khó xác định chính xác quê quán của một người nếu xác định theo quê quán của cha/mẹ trong khi nơi đăng ký khai sinh đi kèm với địa chỉ cụ thể. Thật ra mục quê quán vẫn còn trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chỉ có điều không thể hiện trên thẻ căn cước mà thôi. “Nơi thường trú” cũng được đổi thành “Nơi cư trú” để tránh phân biệt tình trạng thường trú hay tạm trú của công dân, ít ra là trong việc cấp thẻ căn cước.
Tên gọi hay nội dung ghi, nên bàn bạc thật chuẩn xác kẻo thay đi đổi lại như vừa qua là không nên. Vì sự thay đổi tốn kém nhiều thứ của dân!
Đề nghị bổ sung vào quy trình chuẩn bị văn bản: có khâu chuẩn hoá từ, ngữ bởi các nhà ngôn ngữ học.