Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Luật Chuyển đổi giới tính: Cần lắng nghe thêm từ người trong cuộc

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Luật Chuyển đổi giới tính dự kiến được ban hành vào năm tới 2024 đang thu hút sự chú ý của cộng đồng người chuyển giới. Hơn ai hết, hàng trăm ngàn người trong cuộc mong đợi luật này sẽ chấm dứt những rắc rối về thân phận, ảnh hưởng quyền lợi của một công dân mà họ đang gặp phải khi chuyển giới. Với lịch trình dự kiến, mong là ban soạn thảo luật nên dành thời gian lắng nghe thêm ý kiến từ người chuyển giới để hoàn thiện đạo luật nhân văn, tiến bộ này.

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới đã được điều chỉnh cơ bản thành Luật Chuyển đổi giới tính. Dự kiến, luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024).

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính quy định bốn nhóm chính sách trọng tâm, bao gồm điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính; thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân; xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực; thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính.

Theo tờ trình năm 2021 của Bộ Y tế đề nghị xây dựng Dự án Luật Chuyển đổi giới tính, việc thu thập số liệu về số lượng, tỷ lệ người chuyển giới tại Việt Nam còn gặp khó khăn do sự kỳ thị xã hội, khả năng tiếp cận tới những người chuyển giới ở vùng sâu, vùng xa cũng như hiểu biết, nhận dạng của chính người chuyển giới. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ người chuyển giới là từ 0,3-0,5% dân số. Nếu tính tròn dân số là 100 triệu người thì Việt Nam có từ 300.000-500.000 người chuyển giới, một con số không nhỏ.

Một trong những vấn đề được bàn luận nhiều nhất liên quan đến Luật Chuyển đổi giới tính là quy định “thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính”. Theo đề nghị trong dự thảo luật, công dân bắt buộc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thì mới được Nhà nước thừa nhận là người chuyển giới.

Tại phiên họp trong tuần qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về dự án luật này, một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần thể hiện rõ hơn về mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính vì ngoài phẫu thuật, chuyển đổi giới tính còn có thể được thực hiện bằng việc sử dụng hormone hoặc có mức độ can thiệp y học khác.

Quy định can thiệp y học này cũng được cộng đồng người chuyển giới quan tâm đặc biệt. Báo Tuổi Trẻ ngày 14-5 dẫn lời một người chuyển giới cho rằng, việc họ là nam hay nữ phụ thuộc vào suy nghĩ và xu hướng tính dục, không phụ thuộc vào vẻ bề ngoài. Có người cho biết đã chuyển giới từ nữ sang nam nhưng không làm phẫu thuật vì trân trọng hình hài cha mẹ đã tạo ra.

Ngoài ra, cần tính đến yếu tố chi phí vì phẫu thuật chuyển giới khá tốn kém mà không phải ai cũng có đủ tài chính thực hiện. Nhiều người không đủ tiền bạc và điều kiện để thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính nhưng họ vẫn mong muốn sống với giới tính thật, đây là nguyện vọng rất chính đáng của công dân cần được quan tâm trong quá trình làm luật.

Cần nói thêm, hiện có 72 quốc gia thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp, trong số này có 45 nước cho phép chuyển đổi giới tính mà không cần phải phẫu thuật. Trong khi thời gian vẫn còn khoảng một năm nữa, mong là ban soạn thảo luật Luật Chuyển đổi giới tính hãy lắng nghe thêm ý kiến trực tiếp từ những người chuyển giới để hoàn thiện dự luật. Một khi các điều luật được hoàn thiện đến từng chi tiết thì nửa triệu người Việt Nam sẽ được bảo vệ các quyền nhân thân một cách trọn vẹn khi luật ra đời.

(*) https://tuoitre.vn/nguoi-chuyen-gioi-nao-duoc-nha-nuoc-thua-nhan-20230513091734466.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới