Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần đảm bảo sự minh bạch và khả thi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần đảm bảo sự minh bạch và khả thi

Luật gia Vũ Xuân Tiền (*)

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Tháng 12-2009, Bộ Tài chính đã hoàn thành Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập (KTĐL) và có tờ trình Chính phủ về đạo luật quan trọng này. Có thể nói, nghiên cứu để ban hành Luật KTĐL là bước chuẩn bị quan trọng để nền kinh tế nước ta trở thành nền kinh tế thị trường ở trình độ cao hơn.

Cần thiết và cấp bách

Trong giai đoạn hiện nay, ban hành Luật KTĐL là cần thiết và cấp bách. Cần thiết vì sau 18 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, KTĐL đã có sự phát triển nhất định về số lượng, quy mô, năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ. Song, nhìn thẳng vào sự thật có thể thấy, KTĐL đã và đang bộc lộ những hạn chế lớn.

Những hạn chế đó là: quy mô của thị trường KTĐL còn nhỏ, số lượng kiểm toán viên còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; chất lượng đội ngũ kiểm toán viên và chất lượng dịch vụ kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế; sự phối hợp quản lý nhà nước với tổ chức nghề nghiệp kiểm toán viên hành nghề chưa phát huy kết quả thiết thực; tình trạng vi phạm đạo đức hành nghề còn xảy ra không ít…

Là cấp bách bởi vì, 18 năm qua, trong khi rất nhiều lĩnh vực đã được điều chỉnh bằng luật như doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh bất động sản, kế toán, chứng khoán… thì hoạt động KTĐL vẫn chỉ được điều chỉnh bằng nghị định của Chính phủ. Điều đó tạo ra sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, chưa tương xứng với vai trò, vị trí của KTĐL trong kinh tế thị trường.

Hơn nữa, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều lần nhưng nghị định về KTĐL vẫn chưa toàn diện, chẳng hạn, nghị định chưa quy định đầy đủ các nội dung cần thiết để tăng cường chất lượng dịch vụ KTĐL; quy định chưa rõ về nghĩa vụ của doanh nghiệp kiểm toán khi gây ra thiệt hại cho khách hàng và công chúng; chưa có quy định đầy đủ và chặt chẽ đối với KTĐL có yếu tố nước ngoài; đối tượng phải thực hiện kiểm toán bắt buộc còn quá hẹp…

Những vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi

Dự thảo luật đã được nghiên cứu với thời gian không ngắn và bao quát hầu hết các nội dung về KTĐL và có liên quan đến KTĐL. Tuy nhiên, để đảm bảo sự minh bạch và tính khả thi của Luật KTĐL, có những vấn đề sau cần được nghiên cứu, trao đổi kỹ hơn.

Một là, luật do Quốc hội ban hành, quy định chi tiết thi hành luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Song, có rất nhiều vấn đề, dự thảo luật lại quy định trực tiếp đến Bộ Tài chính. Cụm từ “Bộ Tài chính có trách nhiệm…”, “theo quy định của Bộ Tài chính…” xuất hiện tới 24 lần trong dự thảo luật. Điều đó có mâu thuẫn với Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật? Phải chăng, đó cũng là cách “lách luật” để các thông tư ra đời và ít bị kiểm soát hơn?

Hai là, điều 6 dự thảo luật quy định một trong những giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán là “cơ quan nhà nước và đơn vị cấp trên sử dụng cho quản lý, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao”. Câu hỏi được đặt ra là, có chế tài nào để quy định nêu trên được thực hiện?

Thực tế cho thấy, rất ít cơ quan quản lý nhà nước sử dụng báo cáo kiểm toán của KTĐL trong quản lý, điều hành. Chẳng hạn, cơ quan thuế gần như không sử dụng báo cáo kiểm toán để xác nhận các doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước mặc dù, báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính do KTĐL phát hành xác nhận sự trung thực, đúng pháp luật của báo cáo tài chính do doanh nhiệp lập.

Ba là, trong dự thảo luật có rất nhiều điều, khoản phải dẫn chiếu tới một hoặc một số điều, khoản khác có liên quan. Đáng tiếc là, hầu hết các điều, khoản được dẫn chiếu lại không đúng. Ví dụ, khoản 2 điều 8 quy định: “Doanh nghiệp, tổ chức bắt buộc phải kiểm toán quy định tại khoản 1, 2, 3 điều 54 của luật này”, nhưng điều 54 lại quy định về các loại báo cáo kiểm toán.

Sai sót tương tự như vậy xảy ra ở nhiều nơi khác trong dự thảo. Đặc biệt, khoản 8 điều 19 dẫn chiếu “điều 94 của luật này” nhưng toàn bộ văn bản dự thảo luật lại chỉ có 85 điều! Sai sót nêu trên chứng tỏ sự thiếu nghiêm túc, nếu không nói là cẩu thả của ban soạn thảo. Một dự thảo luật với những sai sót không đáng có như vậy mà vẫn được gửi đi xin ý kiến cũng chứng tỏ người được xin ý kiến góp ý chưa thật sự được tôn trọng.

Về nội dung, dự thảo luật với 8 chương và 85 điều khoản và có tới 18 vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi thêm. Song, bảy vấn đề sau đây có vị trí quan trọng hơn cả.

1. Điều 9 dự thảo luật quy định về “khuyến khích kiểm toán”. Điều khoản này không cần thiết vì văn bản luật chỉ quy định những vấn đề được làm, không được làm, phải làm và không phải làm. Hơn nữa, nếu quy định là “khuyến khích kiểm toán” thì phải có các chính sách khuyến khích cụ thể đối với từng trường hợp. Nếu chỉ quy định như nội dung của điều 9 dự thảo luật là vô nghĩa. Đề nghị sửa lại là Kiểm toán tự nguyện.

2. Điều 24 dự thảo luật quy định: “Bộ Tài chính cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp kiểm toán (DNKT). Giấy phép này đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Quy định như trên là Luật KTĐL lại triệt tiêu một nội dung quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp, xác lập trở lại cơ chế “xin – cho” trong thành lập doanh nghiệp. Để đảm bảo sự minh bạch trong quản lý các doanh nghiệp, Bộ Tài chính chỉ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sau khi DNKT nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

3. Điều 23 dự thảo luật quy định: “DNKT được thành lập và hoạt động theo các hình thức: công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên; công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân”. Quy định DNKT không được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần là không thỏa đáng. Bởi lẽ, công ty cổ phần và công ty TNHH cũng chỉ chịu trách nhiệm về tài sản và các khoản nợ của doanh nghiệp giới hạn trong phạm vi vốn điều lệ. Việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần và chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty TNHH cũng bị những ràng buộc như nhau.

4. Tiết c khoản 1 điều 25 dự thảo luật quy định một trong những điều kiện để thành lập DNKT là “có ít nhất năm người có chứng chỉ kiểm toán viên bao gồm cả giám đốc (hoặc tổng giám đốc) và chủ tịch hội đồng thành viên”. Quy định cả giám đốc và chủ tịch hội đồng thành viên phải có chứng chỉ kiểm toán viên là quá chặt, thiếu tính khả thi trong giai đoạn hiện nay và không cần thiết. Trong hai chức danh trên, chỉ người là người đại diện theo pháp luật phải có chứng chỉ kiểm toán viên là đủ.

5. Khoản 4 điều 35 dự thảo luật quy định một trong những nghĩa vụ của DNKT là “bồi thường thiệt hại do lỗi mà kiểm toán viên hành nghề hoặc người của tổ chức mình gây ra cho khách hàng, đơn vị được kiểm toán…”. Quy định nêu trên chưa đầy đủ vì báo cáo kiểm toán được nhiều đối tượng sử dụng, không chỉ có khách hàng, đơn vị được kiểm toán. Vì vậy, đề nghị sửa lại là: “Bồi thường thiệt hại do lỗi mà kiểm toán viên hành nghề hoặc người của tổ chức mình gây ra cho khách hàng, đơn vị được kiểm toán và những người đã sử dụng Báo cáo kiểm toán do tổ chức mình phát hành để quyết định đầu tư, mua chứng khoán…”.

Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng nhằm ngăn chặn những hành vi thông đồng giữa DNKT với các doanh nghiệp khách hàng, cung cấp thông tin sai sự thật gây thiệt hại cho người sử dụng báo cáo kiểm toán như đã xảy ra trong nhiều trường hợp trên thế giới và ở nước ta trong thời gian vừa qua.

6. Điều 48 dự thảo luật quy định về phạm vi hành nghề của DNKT. Chúng tôi cho rằng, quy định như dự thảo luật là không cần thiết. Với tên gọi Luật KTĐL, điều khoản này chỉ nên quy định về dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ khác mà DNKT không được làm vì đó là “các dịch vụ có ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên và DNKT”. Chẳng hạn, cần quy định DNKT không được làm ít nhất hai dịch vụ là tư vấn thuế và dịch vụ kế toán để tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi.

7. Điều 57 dự thảo luật quy định về các loại ý kiến của kiểm toán viên về báo cáo tài chính. Đề nghị quy định cụ thể hơn về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán khi kiểm toán viên chấp nhận toàn phần, chấp nhận từng phần, từ chối và không chấp nhận để ngăn chặn tình trạng phát hành báo cáo kiểm toán với quá nhiều nội dung “ngoại trừ”, có thể gây nhầm lẫn và thiệt hại cho người sử dụng.

______________________________________

(*) Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới