Thứ hai, 28/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cần đánh thuế hỗn hợp với mặt hàng thuốc lá

Hoàng Vân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - “Việt Nam cần áp dụng phương thức đánh thuế theo mức tuyệt đối, đặc biệt là phương thức đánh thuế hỗn hợp đối với mặt hàng thuốc lá hiện đang được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia do nhiều lợi ích mang lại, thay cho mức thuế tính theo phần trăm (%) hiện nay” - bà Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đề nghị.

Bà Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phát biểu tại Hội thảo của VTCA.

Thuế TTĐB theo tỷ lệ phần trăm không còn phù hợp

Bà Thùy Vân cho rằng phương thức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá trên thế giới khá đa dạng (tỷ lệ %, mức tuyệt đối hoặc hỗn hợp) tuy nhiên Việt Nam mới chỉ áp dụng phương thức đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá theo tỷ lệ phần trăm. “Phương thức đánh thuế theo tỉ lệ % đang bộc lộ nhiều hạn chế như không theo kịp tốc độ lạm phát, khuyến khích sự gia tăng thuốc lá giá rẻ hiện đang sẵn có trên thị trường. Từ đó, gia tăng khả năng tiếp cận và hút thuốc lá đối với thanh thiếu niên và tăng tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở trẻ em”, bà Thùy Vân nói tại Hội thảo “Thuế tiêu thụ đặc biệt - hài hòa giữa điều tiết nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển sản xuất kinh doanh” do Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) và Liên đoàn  Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức (9/8) tại Hà Nội.

Vẫn theo bà Thùy Vân, việc tăng thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp cần có lộ trình từ từ, để đảm bảo số thuế tuyệt đối tăng qua các năm cần tương ứng với tốc độ lạm phát.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty kiểm toán và tư vấn PwC Việt Nam cho biết thế giới hiện phổ biến 3 phương thức đánh thuế TTĐB. Đó là: cơ cấu thuế tương đối theo tỉ lệ phần trăm trên giá bán, cơ cấu thuế tuyệt đối (mức thuế cố định tính trên đơn vị hàng hóa) và cơ cấu thuế hỗn hợp (kết hợp giữa thuế tính theo tỉ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối).

Theo bà Vân, phương thức thuế tính theo tỉ lệ phần trăm có ưu điểm là tự động điều chỉnh theo lạm phát. Nhưng cách tính thuế này không thúc đẩy đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, vì khi đầu tư nâng cao chất lượng thì giá thành sẽ cao, giá bán phải tăng cao tương ứng, dẫn đến gánh nặng thuế lớn hơn theo hiệu ứng số nhân của cơ cấu thuế.

Chính vì thế, bà Vân kiến nghị: “ Chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp và dùng yếu tố thuế tuyệt đối để điều tiết thị trường tiêu thụ một cách hợp lý”.

Đồng thời, theo bà Vân, cần tăng thuế từ, có lộ trình dài hạn, minh bạch, mức tăng nên cao hơn tỉ lệ lạm phát.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch VTCA, cho biết trong 32 năm qua (1990 - 2022), nước ta đã ban hành và sửa đổi bổ sung thuế TTĐB một cách linh hoạt với mục tiêu định hướng sản xuất kinh doanh, hướng dẫn tiêu dùng, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Theo bà Cúc, tăng thuế TTĐB nhằm hạn chế tiêu dùng thuốc lá là việc làm cần thiết. Bên cạnh một chính sách thuế hợp lý, các biện pháp khác cũng cần được thực hiện một cách đồng bộ: tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về tác hại thuốc lá; kiểm soát và hạn chế thuốc lá nhập lậu; thực hiện nghiêm việc phạt trực tiếp vào hành vi hút thuốc lá nơi công cộng,...

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế cho rằng thuế TTĐB thuốc lá nên tăng theo lộ trình và theo phương thức hỗn hợp.

Tính thuế hỗn hợp và kiểm soát tác hại thuốc lá

Bà Cúc cũng nhấn mạnh rằng việc tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá nên có lộ trình để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có thể điều chỉnh, sắp xếp bố trí hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho NSNN, vừa hạn chế thuốc lá lậu, tránh thất thu thuế, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Lộ trình này cần cân nhắc cả về thời gian và mức thuế điều tiết.

“Phương án sửa đổi nên theo lộ trình, trong đó hai năm đầu thực hiện phương pháp thuế hỗn hợp - bao gồm tương đối và tuyệt đối, bên cạnh thuế suất 75% có thể tăng thêm mức thuế tuyệt đối từ 1.000đ/bao. Tiếp đến sẽ nâng dần theo lộ trình 2 năm tiếp theo, nâng từ 1.000 đồng/bao lên 1.500 đồng/bao. Từ năm thứ 5 sẽ điều chỉnh tăng 2.000 đồng/bao”, bà Cúc phân tích.

Bên cạnh một chính sách thuế hợp lý, các biện pháp khác cũng cần được thực hiện một cách đồng bộ: tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về tác hại thuốc lá; kiểm soát và hạn chế thuốc lá nhập lậu; thực hiện nghiêm việc phạt trực tiếp vào hành vi hút thuốc lá nơi công cộng vv.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cho rằng thuốc lá lậu hiện là một vấn nạn trầm trọng của thị trường thuốc lá tại Việt Nam. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chống thuốc lá lậu từ Trung ương đến địa phương nhằm đẩy mạnh hoạt động phòng chống thuốc lá lậu. “Hiệp hội đề nghị nhà nước và các cơ quan hữu quan áp dụng các biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn và sử dụng một phần kinh phí từ Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá để đẩy mạnh công tác chống thuốc lá lậu, qua đó tăng nguồn thu ngân sách từ ngành thuốc lá hợp pháp”, ông Nghĩa đề nghị.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cũng đồng ý với đề nghị này: “Song song với việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp để định hướng thị trường, tăng chất lượng sản phẩm, Chính phủ cũng cần quyết liệt thúc đẩy các giải pháp phi thuế. “Cần tăng cường công tác chống buôn lậu, nhất là trên biên giới vùng Đồng bằng sông Cửu Long; gây khó nhiều hơn cho người hút thuốc lá, tiếp tục thu hẹp các địa điểm được hút thuốc lá; xử phạt hành chính mạnh hơn đối với người hút thuốc vi phạm các quy định cấm hút thuốc; tăng cường tuyên truyền về tác hại của hút thuốc lá đến mọi tầng lớp nhân dân, các vùng miền, nhất là trong trường học”.

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam: ngành thuốc lá có nghĩa vụ nộp ngân sách thông qua các khoản thuế TTĐB với thuế suất 75% (đây là một trong các mức thuế suất cao nhất trong Biểu thuế TTĐB). Ngoài ra còn có thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và còn phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp bắt buộc vào Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Quỹ PCTHTL) và Quỹ phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả (Quỹ PCBLTL).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới