Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sống

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sống

Sự phát triển của y tế và giáo dục sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống – Ảnh minh họa: Hữu Thắng.

Các quốc gia rơi vào khủng hoảng kinh tế đang tích cực tìm lời giải cho bài toán chống suy thoái và hầu hết chọn giải pháp kích cầu như một mũi nhọn. Riêng Việt Nam, tôi nghĩ bên cạnh nỗ lực chống suy thoái kinh tế còn phải tập trung nâng cao chất lượng sống.

>> Cần kích cầu vào giáo dục và y tế

Trong những năm qua, kinh tế tăng trưởng đều đặn nhưng môi trường sống và chất lượng sống ngày một tệ hại.

Đơn cử, ở lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân quanh năm quay quắt với nỗi lo không biết nên chọn cây nào, con giống nào để thoát khỏi điệp khúc “được mùa mất giá” hoặc có khi mất trắng vì phải chặt bỏ vườn cây đã chăm bón hàng nhiều năm nhưng đến khi thu hoạch lại không cho trái vì mua phải giống không đúng, phân bón giả hoặc vì không có đầu ra. Đời sống người nông dân ở nhiều địa phương còn bị biến động, trở nên bấp bênh khi có những quy hoạch bất hợp lý biến ruộng thành sân gôn hoặc những dự án khu công nghiệp, khu du lịch… giải tỏa đền bù xong chỉ để chuyển nhượng đất đai lòng vòng hoặc bị bỏ hoang chờ thời.

Hoặc như môi trường sống ở nhiều đô thị đang bị ô nhiễm nặng nề. Hạ tầng xuống cấp trầm trọng dẫn đến kẹt xe, nước ngập…; khói thải độc hại hàng giờ được thải ra từ các nhà máy đang chen lẫn trong khu dân cư, kênh rạch chết dần từng ngày vì nước thải không qua xử lý xả thẳng ra ngoài. Tóm lại chất lượng sống của người dân đang đi xuống đáng báo động.

Với hiện trạng xã hội như thế nếu chỉ bơm tiền để hỗ trợ sản xuất hàng hóa dịch vụ, tìm mọi cách để gia tăng tiêu dùng, thậm chí áp dụng một trong những biện pháp đã được một số quốc gia thực hiện là phát tiền cho người dân tiêu xài thì kết quả đạt được có thay đổi, nâng cao chất lượng sống của người dân? Và giả sử kế hoạch kích cầu đó thành công, chỉ số giá tiêu dùng và các con số biểu trưng cho sự tăng trưởng kinh tế tăng thì có chắc là chất lượng sống của người dân được cải thiện?            

Tăng trưởng kinh tế nếu trả giá bằng gia tăng khoảng cách giàu nghèo thì cần xem lại để phát hiện những lệch lạc ắt có. Tăng trưởng kinh tế phải song hành với nâng cao chất lượng sống thì đó mới là tăng trưởng kinh tế bền vững. Vì thế, đã đến lúc cần minh định “tăng trưởng kinh tế” hay “nâng cao chất lượng sống” là mục tiêu? Tuy nhiên cũng cần phải tránh nhầm lẫn giữa “tiện nghi sống” và “chất lượng sống”, hay như tỷ phú Warren Buffet nói: “Đừng nhầm lẫn chi phí cuộc sống với chất lượng cuộc sống”.

Chính phủ đang quyết tâm thực hiện mục tiêu chống suy thoái kinh tế và chính sách hiện nay là kích cầu. Tuy nhiên, cần đặt thêm mục tiêu “nâng cao chất lượng sống” chứ không chỉ là chống suy giảm kinh tế và giải pháp cũng sẽ không đơn thuần tập trung kích cầu. Đơn cử hai lĩnh vực giáo dục và y tế đang trở nên yếu kém và bộc lộ nhiều bất cập trước yêu cầu đòi hỏi phát triển của xã hội. Câu hỏi đặt ra là làm gì để vực dậy hai lãnh vực quan trọng này? Kích cầu và tăng trưởng kinh tế thôi có thực sự cải đổi được chất lượng y tế và giáo dục? Ở đâu và trong thời kỳ nào cũng vậy, sự phát triển của y tế và giáo dục phản ánh chất lượng sống một cách trung thực nhất.  

VÕ THU NGUYỆT 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới