Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cần đẩy tiền ra thị trường ‘nhanh và trúng’ ngay từ đầu năm

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tăng trưởng tín dụng trong tháng 1 ở mức thấp khiến Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng đẩy mạnh giải pháp đưa tiền ra thị trường.

Tăng trưởng tín dụng: bất ngờ 2023 và kỳ vọng 2024

Tăng trưởng tín dụng 2024 sẽ linh hoạt theo nhu cầu vốn

Các ngân hàng chủ động kế hoạch giải ngân từ đầu năm. Ảnh minh họa: L.Vũ.

Tăng trưởng tín dụng trúng mục tiêu

Trong Công văn số 1088 ban hành gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá mức tăng trưởng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Do đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024.

Theo đó, các nhà băng cần tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng “đúng, trúng mục tiêu”. Điều này là cơ sở để đáp ứng nhu cầu vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng đồng thời cũng yêu cầu ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Trước đó, cuối năm 2023, NHNN thông báo đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2024 cho các ngân hàng, với con số tăng trưởng dự kiến chung là 15% (có linh hoạt tùy theo nhu cầu nền kinh tế), để các nhà băng chủ động kế hoạch.

Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cũng nói thêm rằng đây cũng là một yêu cầu đối với nhà băng, cần phải nỗ lực giải ngân vì hạn mức đã được công bố ngay từ đầu năm. Trong năm ngoái có ngân hàng tăng trưởng hết hạn mức cho phép, nhưng cũng có ngân hàng tăng trưởng âm. Có nhiều lý do khiến tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng cũng có việc ngân hàng ngần ngại cho vay.

Đánh giá về con số tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay, các chuyên gia phân tích cho rằng đây là con số tăng trưởng khả thi trong bối cảnh tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 6-6,5%, cao hơn mức thực hiện 5,05% trong năm 2023 khi tương ứng với con số tăng trưởng gần 14% của cả nền kinh tế.

Nhu cầu kinh tế thế giới hồi phục, tình hình sản xuất và xuất khẩu trong nước cải thiện sẽ giúp thị trường lao động nội địa lấy lại niềm tin, là những lý do giúp cho hoạt động chung của nền kinh tế được cải thiện. Trong đó, hoạt động ngân hàng có thuận lợi là môi trường lãi suất bình ổn, chi phí đầu vào tiếp tục giảm và có cơ sở để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đầu ra, theo bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư Chứng khoán của Công ty quản lý quỹ VinaCapital.

Mặt khác, sự phục hồi của thị trường bất động sản cũng được kỳ vọng giúp cho nhu cầu tín dụng khởi sắc hơn, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất cho vay mua nhà đang giảm khá mạnh, theo đại diện VinaCapital.

Nhưng có một yêu cầu đặt ra hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước dường như đang muốn các nhà băng phải “rải đều” con số dư nợ thay vì tập trung vào cuối năm. Năm ngoái, tín dụng nhảy vọt từ khoảng trên 9% vào cuối tháng 11 lên tới gần 14%. Mức tăng trưởng gần như chỉ tập trung vào nửa cuối của tháng 12.

Thông thường, việc tín dụng tăng nhanh vào tháng 12 là chuyện phổ biến theo yếu tố mùa vụ. Trong năm nay, tín dụng quí 1 có lẽ sẽ tiếp tục gặp khó trong bối cảnh thị trường chung ảnh hưởng bởi Tết nguyên đán, khách hàng có xu hướng trả nợ hơn là đi vay, trong khi dư nợ phần lớn tập trung vào cuối tháng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý khi tăng trưởng tín dụng quá lớn và tập trung trong một khoảng thời gian quá ngắn, không mang yếu tố bền vững.

Chờ nhu cầu kinh tế phục hồi

Các số liệu vĩ mô mới của tháng 1 cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan. Theo Công ty chứng khoán SSI, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 1 tăng 18,26% so với cùng kỳ, trong đó chế biến chế tạo (tăng 19,2%) và sản xuất, phân phối điện (tăng 21,6%) là 2 nhóm ngành đóng góp tích cực nhất.

Trong khi đó, chỉ số Quản trị nhà mua hàng (PMI) ghi nhận sự cải thiện đến từ sản lượng và đơn hàng mới, trong khi đó chỉ số sử dụng lao động của ngành chế biến chế tạo tăng 0,5% so với tháng trước, đặc biệt từ khối doanh nghiệp FDI (tăng 0,7%).

“Khi đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ, cả IIP ngành chế biến chế tạo và PMI đều có sự cải thiện nhẹ so với tháng trước. Các yếu tố trên đang cho thấy ngành sản xuất đang từng bước trong giai đoạn phục hồi”, nhóm phân tích SSI đánh giá.

Còn theo đánh giá của HSBC, chỉ số PMI tháng 1 đã trở lại trên mức 50 lần đầu tiên trong vòng năm tháng. Mức cải thiện này dù không nhiều nhưng cũng lạc quan một cách thận trọng nhất định, theo đánh giá của HSBC.

“Đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục gia tăng mạnh nhưng vẫn chưa đủ để kích thích các doanh nghiệp gia tăng tuyển dụng. Đặc biệt, tình hình giao hàng bị chậm càng khiến áp lực chi phí của nhà sản xuất tăng lên, nhắc chúng ta không quên mối rủi ro do gián đoạn Biển Đỏ vẫn còn kéo dài”, báo cáo HSBC mới đây nhận định.

Đẩy mạnh liên kết ngân hàng – doanh nghiệp

Một giải pháp giúp tăng trưởng tín dụng ổn định và bền vững là chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được thực hiện ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, địa bàn TPHCM đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong năm 2023.

Theo đó, tổng quy mô gói tín dụng được 20 thương hiệu ngân hàng đăng ký từ đầu năm đạt 453.070 tỉ đồng và kết thúc năm đã giải ngân đạt 567.340 tỉ đồng, bằng 125,2% quy mô gói, cho 166.579 khách hàng.

Thoe ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, kinh nghiệm tổ chức thực hiện gói tín dụng ưu đãi này từ những năm trước đây cho thấy, thường gói tín dụng này gắn liền với cơ chế chính sách về lãi suất, về ưu đãi của Ngân hàng Nhà nước, nên tính khả thi và hiệu quả của các gói tín dụng này rất cao. Đây là cách làm đã được thực hiện trong nhiều năm qua, đem lại hiệu quả rất thiết thực cho doanh nghiệp và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, đặc biệt là trong điều kiện lãi suất thị trường, lãi suất cho vay tăng cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới