Thứ tư, 5/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cân đối bài toán vốn cho quy hoạch thủ đô

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cân đối bài toán vốn cho quy hoạch thủ đô

Ngọc Lan

Đồ án quy hoạch thủ đô cần rất nhiều vốn và thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp với hiện tại và tương lai. Ảnh:TL

(TBKTSG Online) - Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho quy hoạch thủ đô từ năm 2010 đến năm 2050 khoảng 90 tỉ đô la Mỹ. Đây là một nguồn vốn lớn cần đặt trong cân đối vốn đầu tư tổng thể của cả nước cho các dự án, công trình khác như phát triển điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Hà Nội-TPHCM…

Cân đối vốn

Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không phải là văn bản trình Quốc hội quyết định (vì phê duyệt quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng) nhưng vẫn được trình ra Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, hoàn chỉnh để Thủ tướng phê duyệt bản đồ án theo quy định của Luật quy hoạch đô thị.

Đồ án dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ nay đến năm 2050 là 90 tỉ đô la Mỹ. Khung hạ tầng chiếm từ 40-50% tổng vốn. Như vậy đến năm 2030, có từ 20-30 tỉ đô la đầu tư vào xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật.

Cụ thể hơn, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Hà Nội sẽ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung (hệ thống giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn,…) ngay trong giai đoạn 2010-2020 để tạo động lực phát triển thành phố 10 năm tới, tổng kinh phí khoảng 30,7 tỉ đô la. Trong đó, giao thông chiếm 56% tổng vốn đầu tư tương ứng (20,4 tỉ đô la). Đến năm 2030, kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung tăng thêm gần 29 tỉ đô la nữa, trong đó phần cho giao thông là 12,9 tỉ đô la. Như vậy, tổng kinh phí xây dựng hạ tầng khung từ 2010-2030 khoảng 60 tỉ đô la.

Nguồn vốn để thực hiện các hạng mục này, vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân chủ yếu là nội lực thông qua khai thác quỹ đất, tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước và thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, thông qua đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư vào các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Các nguồn huy động nữa là vốn ngân sách nhà nước, vốn FDI và vốn vay ODA để thực hiện hệ thống hạ tầng khung cho giai đoạn 2010-2020.

Riêng về vấn đề vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, vấn đề mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội băn khoăn khi xem xét đề án vì đây là nguồn vốn lớn nên cần đặt trong cân đối vốn đầu tư tổng thể của cả nước cho các dự án, công trình khác (như phát triển điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Hà Nội-TPHCM…). Điều quan trọng hơn là phải tính đến sự phù hợp của nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng để thực hiện đồ án với tốc độ tăng trưởng kinh tế của thủ đô trong các giai đoạn của quy hoạch.

Ủy ban Kinh tế đã tập hợp ý kiến từ nhiều cơ quan liên quan khác nhau cho rằng cần tiếp tục lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện đồ án (sau đợt lấy ý kiến lần thứ 1 hồi tháng 4 vừa qua). Mặt khác, rất cần các biện pháp tuyên truyền, giải thích những định hướng của đồ án để tránh xáo trộn về tâm lý trong nhân dân, tránh tình trạng lợi dụng tình hình tác động xấu, gây đột biến về giá đất, về thị trường bất động sản.

Xem xét tính hiệu quả khi tách lập riêng trung tâm hành chính

Theo tờ trình của Chính phủ, trung tâm hành chính quốc gia mới sẽ đặt tại Ba Vì (Hà Nội). Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đã ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và các chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội cho rằng nếu đặt trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì thì không phù hợp cả về yếu tố lịch sử, văn hóa và an ninh quốc phòng. Do vậy, cần làm rõ cơ sở quy hoạch trung tâm hành chính này, trong khi trung tâm chính trị vẫn đặt ở Ba Đình.

Ý kiến khác lại đề nghị không tách biệt trung tâm hành chính quốc gia khỏi trung tâm chính trị. Tuy nhiên, vấn đề mà Quốc hội quan tâm là Chính phủ cần làm rõ trong đề án về sự gắn kết giữa trung tâm chính trị và trung tâm hành chính, nhất là nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước, mà trung tâm hành chính của Malaysia là một ví dụ?

Một trục giao thông quan trọng trong tuyến này là trục Thăng Long (từ đường Hoàng Quốc Việt đến quốc lộ 21, nối Ba Vì với khu vực Hồ Tây-Ba Đình). Trục này, theo đề án sẽ là trục phát huy giá trị khi đã hình thành trung tâm hành chính quốc gia. Nhưng Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ sự cần thiết phải xây dựng trục này, nhất là cần đặt trong quy hoạch các trục giao thông chính song song và gắn với trục Thăng Long. Số diện tích đất nông nghiệp (đất trồng lúa) cần thu hồi để làm đường là bao nhiêu? Trục Thăng Long sẽ cân dối thế nào với khá nhiều trục song song hiện có (cách trục Thăng Long 4 km có đường cao tốc Láng-Hòa Lạc và quốc lộ 32)...?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới