“Cân” đồng vốn nhà nước thặng dư sau cổ phần hóa
Ngọc Lan
![]() |
Tranh minh họa: Khều |
(TBKTSG) - Tiền thu được từ việc bán cổ phần lần đầu ở doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hay còn gọi là phần thặng dư vốn nhà nước theo quy định hiện hành sẽ được chuyển về quỹ cổ phẩn hóa, sắp xếp doanh nghiệp tại các tập đoàn, tổng công ty 90, 91 hoặc chuyển về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sau khi đã hoàn tất việc xử lý các vấn đề tài chính tại doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa.
Song số tiền ấy sau đó được dùng thế nào, hiệu quả ra sao thì ít người được biết.
Cần minh bạch
Nghị định 109 của Chính phủ ban hành cách đây hai năm về quản lý và sử dụng số tiền thu từ cổ phần hóa (CPH) đã quy định về phần vốn nhà nước còn lại (bao gồm cả chênh lệch giá bán cổ phần) sau khi đã sử dụng để thanh toán các chi phí tại doanh nghiệp thì sẽ được nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của tập đoàn, tổng công ty trong trường hợp cổ phần hóa doanh nghiệp thành viên hoặc các công ty con, công ty phụ thuộc; hoặc phải chuyển về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại SCIC nếu CPH toàn bộ tập đoàn, tổng công ty.
Cũng theo Nghị định 109, khoản tiền nói trên sẽ được dùng vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên, bộ phận doanh nghiệp trực thuộc thực hiện việc sắp xếp, chuyển đổi sở hữu hoặc bổ sung vốn điều lệ.
Trước đây, phần thặng dư vốn nhà nước được yêu cầu nộp vào kho bạc, khi doanh nghiệp cần bổ sung vốn điều lệ thì làm hồ sơ xin vay. Nay SCIC làm thay nhiệm vụ của kho bạc, tức là quản lý phần thặng dư nhưng trong cái quy định về quyền và nghĩa vụ hoạt động của SCIC không có quy định nào về việc được sử dụng số tiền này.
Các quyết định về việc sử dụng thế nào, địa chỉ đến sau đó của đồng vốn thuộc về quyền của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính).
Với nhiều lợi thế sẵn có, phần thặng dư vốn nhà nước sau CPH ở các tập đoàn, tổng công ty lớn có thể lên đến vài trăm tỉ đến hàng ngàn tỉ đồng, như Vietcombank đợt IPO thặng dư gần 10.000 tỉ, Vinaconex 810,7 tỉ, tập đoàn Điện lực trên 7.000 tỉ đồng bao gồm cả việc bán tài sản nhà nước và cổ phần nhà nước (trích báo cáo của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8-2008 về thực hiện chính sách pháp luật về xử lý đất đai, mua bán cổ phiếu trong thực hiện cổ phần hóa DNNN).
Đó là vài ví dụ cho thấy phần thặng dư vốn hiện được các tập đoàn, tổng công ty và SCIC quản lý là nguồn tài sản khổng lồ. Cả SCIC và Cục Tài chính doanh nghiệp đều từ chối đưa ra những con số cụ thể và đường đi của đồng vốn nói trên.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lâu nay cũng không nhận được báo cáo nào của Bộ Tài chính về khoản tiền lớn này, do nó không nằm trong cân đối ngân sách hàng năm. Và Kiểm toán Nhà nước cũng không được xem đến khoản tiền này do nó không được “quy hoạch” vào danh mục chi tiêu công.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, tại cuộc họp của Chính phủ với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại Hà Nội cách đây 13 tháng có đề cập đến số tiền thu về quỹ hỗ trợ, sắp xếp doanh nghiệp sau CPH mà SCIC đang nắm giữ ở thời điểm đó khoảng 24.000 tỉ.
Một báo cáo khác, chính thức hơn, được công bố hồi cuối tháng 8-2008 (và cũng là báo cáo gần nhất được công bố từ đó đến nay) từ đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy ước tính mỗi năm phần thặng dư từ CPH, cổ tức, bán tài sản nhà nước khoảng 5.000-6.000 tỉ đồng.
Đoàn giám sát cũng yêu cầu SCIC phải thu hồi về quỹ số tiền bán tài sản và cổ tức mà các địa phương đang quản lý khoảng 1.600 tỉ đồng.
Hoặc mới đây, trong báo cáo của SCIC hôm 10-8-2009 về kết quả phối hợp với người đại diện vốn có đề cập đến việc họ đã thu hồi công nợ từ 746 doanh nghiệp (tính đến 31-7-2009) là 2.116 tỉ đồng, trong đó công nợ cổ tức 614 tỉ, công nợ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 391 tỉ và phải thu về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp là 1.111 tỉ đồng.
Nhưng tất cả những mảnh ghép đó chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng về thặng dư vốn nhà nước mà SCIC đang quản lý (ở đây chưa tính đến con số tổng hợp mà các quỹ CPH do các tập đoàn, tổng công ty đang nắm giữ, quản lý và đầu tư ra sao).
Phải đánh giá được hiệu quả nguồn vốn thặng dư
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), bình luận rằng hàng năm nên công bố các bản báo cáo về việc sử dụng phần vốn thặng dư này, thu, chi ra bao nhiêu, đầu tư vào đâu để các cơ quan giám sát độc lập được biết. “Mà tốt nhất là phải thống kê, đánh giá hàng năm hiệu quả sử dụng đồng vốn thế nào. Việc này đến nay dường như chưa được tính đến”.
Ông phân tích, theo quy định thì phần vốn này có thể nhà nước lại dùng để hỗ trợ, tái đầu tư, sắp xếp doanh nghiệp hoặc tăng vốn điều lệ bổ sung cho doanh nghiệp nếu nhà nước thấy cần. Nhưng nếu doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích hoặc lãng phí thì đồng vốn thặng dư chỉ là chuyển đổi từ túi DNNN này sang DNNN khác.
Thậm chí, vốn thặng dư để lại ở các quỹ CPH của tập đoàn, tổng công ty như thời gian trước còn có thể được một số đơn vị đem đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản và có thể dẫn đến việc thất thoát vốn một lần nữa.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trong báo cáo giám sát năm 2008 đặt vấn đề, phần thặng dư sau khi xử lý các vấn đề tài chính được tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào các doanh nghiệp thành viên, số cổ tức thu được coi như một khoản thu nhập kinh doanh về tài chính của tập đoàn và chỉ phải nộp 28% thuế thu nhập doanh nghiệp là không hợp lý.
“Số tiền trên cần phải coi là khoản đầu tư của Nhà nước cần được nộp vào ngân sách, đó là chưa kể đến số vốn để lại quá lớn so với yêu cầu cần thiết, có thể dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả”.
Đề xuất giải pháp
Ông Hải cho rằng muốn quản lý và sử dụng nguồn vốn thặng dư một cách hiệu quả thì Chính phủ cần quy định rõ hơn về cơ chế sử dụng, được đầu tư vào đâu và không được đầu tư vào những lĩnh vực gì sau khi đã có những đánh giá, tổng kết đầy đủ. “Đặc biệt cần cân nhắc về việc bơm vốn cho các dự án do DNNN quản lý hay đầu tư, trừ đó là các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế”, ông Hải nói.
Ngoài ra, quỹ CPH của các tổng công ty 90, 91 cũng phải chuyển hết về ngân sách quản lý và nên có quy định chung, ví dụ như chỉ được phép để lại doanh nghiệp 10%.
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, do quá trình CPH DNNN còn dài và phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp chưa CPH còn rất lớn (tính đến tháng 8-2008 là khoảng 410.000 tỉ đồng) nên cần thiết phải ban hành Luật Cổ phần hóa hoặc đưa vào nội dung của luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh. Đồng thời, cổ tức thu được từ đầu tư vốn nhà nước phải được coi là một nguồ n thu ngân sách quan trọng, góp phần cân đối ngân sách trong điều kiện hiện nay.
Ông Hải không đồng ý với một số gợi ý về việc để SCIC quản lý và sử dụng phần vốn thặng dư này vào các hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước vì mô hình, khả năng quản trị của SCIC so với số lượng 746 doanh nghiệp mà họ đang nắm quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đã là gánh nặng, nên việc phải quản lý thêm khối tài sản thặng dư hàng chục ngàn tỉ sẽ là quá sức.
Ông Hải đề nghị, trước mắt nếu phần thặng dư vốn nhà nước tại SCIC lớn, có thể Bộ Tài chính nên chuyển qua Kho bạc Nhà nước vay không lãi suất để giảm bớt nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ cho các dự án hạ tầng, an sinh xã hội vốn khó tìm được người mua trong thời gian qua vì lãi suất thấp.
Hoặc có một cách nữa là mỗi năm bộ có thể cung cấp khoảng 1.000-2.000 tỉ vốn thặng dư qua Ngân hàng Phát triển để tham gia bảo lãnh tín dụng (dưới chuẩn) cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá thể vốn khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn qua các kênh ngân hàng khác.
“Một vài ngàn tỉ thặng dư vốn từ quỹ CPH không phải là lớn nhưng nhờ bảo lãnh tín dụng có thể giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, đạt hiệu quả xã hội cao ”, vẫn theo ông Hải.