(KTSG) - LTS: Mở cửa bây giờ đóng vai trò sống còn với ngành du lịch và nền kinh tế Việt Nam. Từ châu Âu, ông Nguyễn Sĩ Trung Kỳ - chủ doanh nghiệp sở hữu và điều hành khu nghỉ dưỡng 5 sao Salinda Resort ở Phú Quốc - đã có một cuộc trao đổi qua điện thoại với KTSG về những trải nghiệm của ông trong sự chuyển dịch sách lược chống Covid-19, giúp du lịch châu Âu hồi sinh. Đó là bài học cần kíp cho Việt Nam thời hậu dịch.
Tôi đến Sip (Cyprus) trong chuyến bay đêm từ thủ đô Athens của Hy Lạp. Máy bay kín chỗ, từ hạng thương gia đến phổ thông. Trung bình một ngày đêm có gần 100 chuyến bay đáp xuống hai sân bay của Sip là Larnaca và Paphos, trong đó có khoảng 13 chuyến từ Hy Lạp. Với quy mô 850.000 dân trên phần lãnh thổ phía Nam của đảo Sip, bạn sẽ thấy cuộc sống ở đây sôi động như thế nào.
Không ai thích nhắc đến Covid
Đầu tháng 4-2021, khách từ gần 60 nước đến Sip được miễn cách ly nếu đã tiêm đủ hai liều vaccine, hoặc khỏi bệnh Covid, hoặc có xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi bay. Hiện trung bình mỗi ngày Sip đón khoảng 30.000 du khách quốc tế từ gần 100 nước trên thế giới, nếu đáp ứng các điều kiện trên. Theo thống kê của Chính phủ Sip, trong tám tháng đầu năm 2021, ngành du lịch nhà hàng đã phục hồi được 61% so với năm 2019. Riêng trong tháng 9 vừa rồi thì đã hồi phục gần như 100%.
Tôi đã đến London của Anh, Milan của Ý và Limassol của Sip trong một tháng qua. Cái chung là gần như không ai nói về Covid, và không ai thích nhắc đến nó, dù các nước hiện có các chính sách chống dịch khác nhau. Nước Anh đã bỏ mọi hạn chế trong nước, còn Ý và Sip vẫn yêu cầu greenpass (thẻ xanh) nếu bạn vào nhà hàng hay trung tâm thương mại, hay khi vào cửa hàng, hiệu thuốc. Mục đích của greenpass, như tuyên bố của các chính phủ, là nhằm thúc đẩy quá trình tiêm vaccine nhanh hơn, nhất là đối với những đối tượng chống vaccine, chứ không phải sợ lây nhiễm.
Quá thận trọng thì lại là dở
Hôm 7-10, tôi có đọc báo điện tử thấy Việt Nam có ý định sẽ mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch vào tháng 6-2022. Nếu thực sự là vậy thì thật là đáng buồn, vì quá chậm trễ. Thận trọng là tốt. Nhưng quá thận trọng thì lại là dở.
Riêng với Phú Quốc, nếu đã tiêm phòng được trên 70% cho người trên 18 tuổi và cho những người làm trong ngành du lịch, khách sạn, chúng ta có thể học theo mô hình Phuket của Thái Lan. Việt Nam sẽ mở cửa tự do cho khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ bằng các chuyến bay thương mại, chứ không chỉ thuê bao như kế hoạch hiện nay. Khách có thể lưu lại Phú Quốc bảy ngày và rồi có thể đến mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam, nếu những nơi đó đã tiêm đủ vaccine cho những người làm việc trong ngành y tế, người béo phì, người có bệnh nền và trên 65 tuổi.
Với lượng vaccine hiện có, Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu đó trên toàn quốc. Nếu chỉ “giam” khách trong các resort hay chỉ ở đảo, sẽ rất ít người đến Phú Quốc. Người nước ngoài có bao lựa chọn, bãi biển nhiều nước khác đang mời gọi họ, mà không cần phải cách ly bắt buộc. Công bằng mà nói thì Phú Quốc chưa phải là điểm đến hấp dẫn đến mức mà khách sẽ chấp nhận cách ly hay hạn chế gì đó.
Hồi phục sức khỏe và tâm trí là xu hướng mới
Tham quan và mua sắm sẽ ít có vai trò quan trọng sau dịch. Nhu cầu nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ tăng lên bởi khách muốn thoát ra khỏi thành phố, rũ bỏ những ám ảnh, những thứ nhàm chán trong thời gian phong tỏa. Họ muốn được hòa mình trở lại với thiên nhiên. Đặc biệt là phụ nữ bởi họ cần được tái tạo lại năng lượng sau một thời gian dài phải ở nhà, vừa làm việc, vừa làm nội trợ, coi sóc con cái và chăm lo cho cả gia đình. Cả những phụ nữ độc thân trẻ và sẽ đi theo từng nhóm bạn gái với nhau.Salinda đang thiết kế những sản phẩm thích hợp cho quân bình sức khỏe vật lý và tinh thần (wellness). Khách sẽ được các chuyên gia trị liệu tư vấn theo hướng Đông và Tây y kết hợp. Như ăn sáng như thế nào để cân bằng âm dương trong cơ thể, ăn gì để ngủ ngon và sâu, giảm stress… Các lớp taichi, yoga hay những lớp thể dục hiện đại, rồi spa dưỡng da và làm đẹp theo các trường phái Ấn Độ, Thái Lan, Bali và Việt Nam. Chúng tôi còn tạo không gian đọc sách để thư giãn và cả lớp hội họa được dùng như liệu pháp chữa trị tâm lý.
Sandra Nguyễn Sĩ - CEO Salinda Resort
Quyết sách rõ ràng
Điều cần bây giờ là sự thống nhất về mọi chính sách chống dịch của chính phủ và ngành y tế. Việt Nam mở cửa cũng như không, nếu như không có sự thông thương 100% trên cả đất nước.
Thay đổi cần nhất là tư duy đúng đắn rằng: Covid-19 sẽ không biến mất trong thời gian tới, nên cần phải dũng cảm sống chung với nó. Không nhất thiết phải tiêm phòng đủ hai mũi trên 70% người trên 18 tuổi rồi mới mở cửa cho du lịch.
Hãy đừng để Covid bóp chết cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của người dân… Mở cửa là vấn đề sống còn của Việt Nam, nên càng nhanh, càng khoa học càng tốt. Đóng cửa, phong tỏa là dễ nhất, Mở cửa, dám sống cùng, mới là giỏi!
Để giải thích cho vấn đề này, tôi muốn quay lại với đảo Sip chút. Trước khi mở cửa, Sip đã từng phong tỏa, từng có những hạn chế, chế tài xử phạt rất gắt gao. Nhưng sau một thời gian, dù làm gắt gao đến đâu, cũng không dập được dịch, dù dân số ít và sống thưa thớt. Khi không thể nào dập dịch hoàn toàn, họ hiểu là cần phải sống chung. EU rất chậm trễ chuyện vaccine nếu so với Mỹ và Anh, và Sip có chính sách riêng.
Qua thống kê, họ nhận ra các ca tử vong chủ yếu là ở người cao tuổi, người có bệnh nền và béo phì. Do đó, sau khi đã tiêm phòng cho nhân viên y tế, họ ưu tiên tuyệt đối số lượng vaccine ít ỏi ban đầu cho nhóm trên. Tổng thống, thủ tướng, chủ tịch quốc hội và các quan chức cao cấp cũng phải xếp hàng theo thứ tự, theo tuổi từ trên xuống để được tiêm, gặp vaccine gì tiêm vaccine ấy chứ không được chọn.
Sau khi tiêm phòng xong cho nhân viên y tế, người cao tuổi và bệnh nền, Sip đã mạnh dạn mở cửa, dù mới phủ sóng vaccine không quá 15% dân số. Sau khi mở cửa, số ca nhiễm tăng vọt, nhưng tử vong thì giảm. Người nhiễm chủ yếu là người trẻ và trẻ em, nhiễm rồi tự khỏi là chính.
Đến giờ ca nhiễm ở Sip vẫn cao, nhưng cũng không ai để ý đến nữa. Du khách đã ngập phố, đầy bãi biển giống như trước thời Covid bùng phát. Kinh tế Sip cũng đang phục hồi rất nhanh. Một nước nhỏ, ít dân, thưa dân, có tiềm lực kinh tế và cũng từng phong tỏa, giãn cách rất nghiêm ngặt như Sip đã không thắng nổi Covid.
Giờ muốn chiến thắng Covid, trước hết phải chiến thắng được nỗi sợ. Và khi bạn đã được tiêm phòng, thì không có lý do gì mà phải sợ. Những gì xảy ra ở Việt Nam vừa rồi, nhất là ở TPHCM là rất đau thương. Nhưng không phải vì những gì đã xảy ra mà đóng cửa ngồi nhà! Cuộc sống tiếp diễn, và chúng ta cần dũng cảm để sống tiếp.
Hãy đừng để Covid bóp chết cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của người dân. Càng sợ, kháng thể sẽ càng giảm, sẽ càng nguy hiểm nếu bị nhiễm Covid. Nên trước hết là không được sợ.
Mở cửa là vấn đề sống còn của Việt Nam, nên càng nhanh, càng khoa học càng tốt. Đóng cửa, phong tỏa là dễ nhất, nhưng mở cửa, dám sống cùng, mới là giỏi!