Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cần giải quyết tâm lý ngại giải chấp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần giải quyết tâm lý ngại giải chấp

Về cơ bản, nhà đầu tư nước ngoài và Việt Kiều hiện đang có nhu cầu mua chứng khoán hay bất động sản giữ dài hạn. Những sức cầu tiềm ẩn này có thể là tấm đệm cho thị trường

(TBKTSG)- Tình trạng giải chấp cổ phiếu ở thị trường chứng khoán cũng có thể xảy ra với thị trường bất động sản. Vấn đề là cần gỡ bỏ tâm lý lo sợ để tránh rủi ro dây chuyền.

Nỗi lo “giải chấp”

Hiện tại, những gì đang diễn ra trên thị trường bất động sản có thể là hiệu ứng trễ của thị trường chứng khoán. Khi những hợp đồng vay đầu tư bất động sản vốn có thời hạn dài hơn hợp đồng repo cổ phiếu sắp đến hạn trả lãi và gốc, đồng thời việc tiếp tục vay để tái đầu tư vào bất động sản đã trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn, thì xem ra các nhà đầu tư lướt sóng bất động sản sẽ phải tiếp tục tìm cách bán tài sản thế chấp của họ ra. Và thế là giá một bộ phận của thị trường bất động sản (mà rõ nhất là các căn hộ chung cư, đất tại các dự án đang nằm chờ vốn) sẽ tiếp tục suy giảm.

Bản thân sự sụt giảm này sẽ lại đặt các ngân hàng tới tình trạng giải chấp ồ ạt đối với bất động sản như với chứng khoán chăng? Có thể chỉ một bộ phận thị trường bất động sản bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng khó mà nói chắc chắn điều đó sẽ không dẫn đến một hiệu ứng “domino tâm lý”.

Hiện tại trên thị trường chứng khoán, phần nhiều các nhà đầu tư không đủ thực lực tài chính và kinh nghiệm đã bị đào thải, số còn lại là số có khả năng trụ lại thị trường. Vì vậy, thời điểm xấu nhất có thể nói là đã tạm dịu (nhưng chưa thể nói là đã đi qua) trên thị trường chứng khoán. Nhưng điều đó lại có thể bùng phát trên thị trường bất động sản và ngân hàng. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải gỡ bỏ những tâm lý lo sợ này trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản để tránh rủi ro dây chuyền.

Bài “dĩ độc, trị độc” của Mỹ

Trong nhiều nền kinh tế trên thế giới, kể cả Mỹ, vẫn tồn tại những rủi ro như vậy. Đó là do họ sử dụng nợ vay để tài trợ các dự án đầu tư có rủi ro, và họ chấp nhận rủi ro cao để kỳ vọng vào mức lợi nhuận cao. Khi khủng hoảng, họ cũng gặp tình trạng như ta. Và trong tình huống thị trường Mỹ đi xuống, họ đã dùng cách bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính (FED đóng vai trò cho vay trực tiếp cho một số ngân hàng đầu tư) để tạo ra những lực đẩy mới. Như vài nhà phân tích nhận định, Mỹ đã dùng bong bóng mới để ngăn không cho bong bóng cũ vỡ tan.

Trong điều kiện Việt Nam, có làm như vậy được không khi chúng ta đang thắt chặt tiền tệ? Có tín hiệu lạc quan là lạm phát đã giảm và vì vậy việc “nới lỏng tiền tệ một chút” có thể được xem xét không? E rằng điều này sẽ không dễ diễn ra vì nếu nhìn tổng quát, lạm phát giảm một ít trong tháng 4 không đem lại nhiều ý nghĩa.

Nhìn chung, thường thì quí 2 là giai đoạn giá cả nghỉ xả hơi sau khi đã tăng quá nhiều trong mùa “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Vì vậy, không có tác động của giải pháp chống lạm phát thì lạm phát có thể cũng giảm theo quy luật chu kỳ. Các chính sách có phát huy tác động hay không, có lẽ phải đợi thêm vài tháng nữa mới kết luận được. Nếu Chính phủ có nới lỏng tín dụng thì cũng không thoải mái lắm vì lạm phát còn đè nặng.

Rõ ràng khi thị trường Mỹ vừa mới hơi khởi sắc nhờ tác động của chuyện nới lỏng tiền tệ, FED lại phải quay sang cân nhắc dừng nới lỏng để hạn chế lạm phát. Vì vậy, có lẽ giải pháp dùng tín dụng thổi thị trường chứng khoán lên lại sẽ không đạt được sự đồng thuận.

Vẫn còn giải pháp khác

Về mặt căn bản, nhà đầu tư nước ngoài và Việt kiều hiện nay hoàn toàn đang có nhu cầu mua chứng khoán hay bất động sản giữ dài hạn. Những sức cầu tiềm ẩn này có thể giúp đóng vai trò tấm đệm cho thị trường.

Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn nhắc đi nhắc lại chuyện không nên dừng IPO và nên mở giới hạn đầu tư vào một số lĩnh vực ít nhạy cảm hơn nữa để họ có thể mua thêm cổ phiếu của doanh nghiệp đó. Dòng vốn nước ngoài vẫn đang thiếu chỗ giải ngân vì những chỗ tốt nhất thì đầy “room” cả rồi. Nếu khơi thông dòng vốn này sẽ có thể giúp tạo ra cầu cho thị trường. Thị trường đi lên thì nhà đầu tư có tiền trả nợ, trả lãi, sức ép giải chấp vì vậy sẽ yếu đi nhiều.

Mặt khác, cầu thị trường mạnh lại thì IPO cho doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn, vừa tăng cung có chất lượng cho thị trường, vừa đảm bảo khâu cổ phần hóa không chậm lại mà Nhà nước không cần tung tiền vào cứu thị trường. Từ đó thì thị trường phát triển lành mạnh hơn.

Đương nhiên giải pháp nào cũng có mặt được và mặt khiếm khuyết của nó. Lo ngại nước ngoài thôn tính công ty Việt Nam, lo ngại chuyện đảo ngược vốn nếu dựa vào vốn ngoại quá nhiều, lo ngại vốn ngoại đổ vào lại tiếp tục gây lạm phát đều có lý lẽ của nó. Nhưng nếu muốn đảm bảo giải quyết chuyện khó khăn của thị trường tài chính mà rảnh tay chống lạm phát thì nên cân nhắc.

Về vấn đề thôn tính công ty, ta nên đặt vấn đề ngược lại là không phải cứ có tiền muốn thôn tính công ty là được. Kinh nghiệm nghiên cứu ở các nước về thôn tính công ty đã chỉ ra rằng đa số những công ty mà ban quản trị làm việc không hiệu quả, không tôn trọng lợi ích cổ đông thì mới bị thôn tính.

Nói cách khác, nếu ta cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia nhiều hơn vào các công ty bằng cách tăng giới hạn về tỷ lệ sở hữu lên, thì ta sẽ phải đối mặt với một số rủi ro mới. Khi ấy ta phải có chính sách phòng ngừa rủi ro và quản lý mới. Không thể vì ngại thêm chuyện để quản lý mà không mở cửa đón vốn để giải quyết tình hình bị “kẹt tiền” hiện tại của thị trường tài chính. Chẳng lẽ ta lại sợ ta quản lý không nổi?

HỒ QUỐC TUẤN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới