Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cần hiểu đúng về chứng chỉ hành nghề

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần hiểu đúng về chứng chỉ hành nghề

Vũ Xuân Tiền (*)

(TBKTSG) - Những năm gần đây, chứng chỉ hành nghề - một trong những “giấy phép con” liên tục xuất hiện trong nền kinh tế nước ta. Ít nhất có thể kể ra: chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát; chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán; chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; chứng chỉ hành nghề dược phẩm; chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán; chứng chỉ hành nghề luật sư; chứng chỉ hành nghề kinh doanh bất động sản, thẻ thẩm định viên về giá…

Chứng chỉ hành nghề là gì?

Khi một chứng chỉ hành nghề được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật là hàng loạt lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn để cấp chứng chỉ hành nghề được tổ chức và không ít doanh nghiệp sẽ không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu chưa có các chứng chỉ hành nghề theo quy định.Vậy chứng chỉ hành nghề là gì? Nó có vai trò quan trọng như thế nào đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?

Ở các nước phát triển, chứng chỉ hành nghề cũng được cấp cho khá nhiều nghề được coi là “nhạy cảm” như ở nước ta. Song, quan niệm về chứng chỉ hành nghề ở đó lại không như ở nước ta.

Trước hết, chứng chỉ hành nghề không phải là một “giấy chứng nhận” về trình độ chuyên môn của người hành nghề. Bởi lẽ, chứng chỉ hành nghề chỉ được cấp cho những người đã qua đào tạo ở các cơ sở đào tạo quốc gia (trường trung cấp, cao đẳng, dạy nghề, đại học, sau đại học) và cả những người đã hành nghề lâu năm, không có vi phạm pháp luật.

Do đó, bằng tốt nghiệp của các cơ sở đào tạo (trừ trường hợp bằng giả và bằng thật nhưng học giả) và quá trình công tác mới là chứng chỉ xác nhận trình độ chuyên môn của người hành nghề. Chứng chỉ hành nghề chỉ là một trong những công cụ để quản lý, giám sát việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề.

Thứ hai, chứng chỉ hành nghề cũng là công cụ để người hành nghề phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật những thông tin mới về tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hành nghề của mình.Với quan niệm như trên, việc cấp chứng chỉ hành nghề ở các nước phát triển khá đơn giản.

Một người đã qua đào tạo và được cấp bằng, sau thời gian thử việc phải đến hội nghề nghiệp xin gia nhập hội và được hội cấp chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ hành nghề đó là một trong những điều kiện không thể thiếu để các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức ký hợp đồng lao động chính thức.

Do quy định rất khắt khe về việc cấp chứng chỉ hành nghề nên phần lớn những người đang hành nghề lại không có chứng chỉ hành nghề, thậm chí, không ít doanh nghiệp không đủ “điều kiện kinh doanh” theo quy định vẫn thực hiện các hoạt động kinh doanh.

Chứng chỉ hành nghề thường có thời hạn ngắn từ 1-3 năm tùy theo thâm niên của người hành nghề. Người được cấp chứng chỉ hành nghề phải tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp và hàng năm phải tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật thông tin mới trong lĩnh vực hành nghề. Nếu vi phạm một trong những quy định đó có thể bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc không được cấp lại và sẽ không được tiếp tục hành nghề.

Như vậy, có thể thấy rằng, chứng chỉ hành nghề là loại chứng chỉ cấp cho cá nhân hành nghề, không cấp cho pháp nhân, cơ quan, tổ chức, không phải là một điều kiện kinh doanh.

Sự nhầm lẫn và hậu quả

Ở nước ta đã có sự nhầm lẫn về chứng chỉ hành nghề và sự nhầm lẫn đó đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới môi trường kinh doanh.

Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước đã biến chứng chỉ hành nghề thành một “siêu bằng” về trình độ chuyên môn. Các lớp “tập huấn, bồi dưỡng trình độ chuyên môn” ngắn hạn từ 1-3 tháng, các kỳ “thi tuyển” để cấp chứng chỉ hành nghề được tổ chức. Và chỉ khi có chứng chỉ hành nghề ấy, người có nghề mới được hành nghề bất kể người đó đã được đào tạo nghề ở đâu, được cấp bằng ở trường đào tạo nào.

Vì vậy, rất nhiều tiến sĩ chuyên ngành về kế toán, không ít kế toán trưởng đã có hàng chục năm công tác nhưng không được hành nghề kế toán vì chưa tham gia học và “thi tuyển” để được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán. Lẽ ra, chứng chỉ hành nghề do hội nghề nghiệp cấp cho tất cả những người hành nghề để quản lý, giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của họ thì chúng ta lại “thi tuyển” để cấp chứng chỉ hành nghề.

Do đó, chỉ một số rất ít những người đang hành nghề được cấp chứng chỉ hành nghề, đại đa số những người đang hành nghề lại không được cấp chứng chỉ hành nghề. Do đó, những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, sự lạc hậu về trình độ chuyên môn của người hành nghề đã và đang xảy ra một cách phổ biến.Thứ hai, chứng chỉ hành nghề đã trở thành một điều kiện kinh doanh - một “giấy phép con siêu hạng”.

Chẳng hạn, điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn khi giám sát thi công xây dựng công trình hạng 1 là: “Có ít nhất 20 người có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình thuộc các chuyên ngành phù hợp” hoặc đối với doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải “có ít nhất hai người có chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính cấp, trong đó giám đốc doanh nghiệp phải là người có chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên từ hai năm trở lên”...

Thứ ba, do quy định rất khắt khe về việc cấp chứng chỉ hành nghề nên phần lớn những người đang hành nghề lại không có chứng chỉ hành nghề, thậm chí, không ít doanh nghiệp không đủ “điều kiện kinh doanh” theo quy định vẫn thực hiện các hoạt động kinh doanh. Không ai xử lý những vi phạm đó. Vì vậy, những quy định đã ban hành trở thành hình thức và là kẽ hở cho tham nhũng, sách nhiễu phát sinh trong thực tiễn.

Sự nhầm lẫn về chứng chỉ hành nghề như nêu trên đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Phần lớn những người đang hành nghề không được cấp chứng chỉ hành nghề do đó không ai quản lý. Những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề tư vấn giám sát, khám chữa bệnh, kế toán, kiểm toán, kinh doanh bất động sản... ở nước ta đã ở trong tình trạng “báo động đỏ”.

Chứng chỉ hành nghề trở thành một trong những điều kiện kinh doanh đã và đang trở thành một rào cản lớn đối với công dân khi gia nhập thị trường. Chẳng hạn, với quy định về điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp dịch vụ kế toán tại Thông tư số 72/2007/TT-BTC, một số doanh nghiệp dịch vụ kế toán đã phải ngừng hoạt động. Nghiêm trọng hơn, đã có doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp - người đầu tư vốn thành lập doanh nghiệp - hoàn toàn mất quyền điều hành doanh nghiệp và chỉ sau vài năm, doanh nghiệp đã trên bờ vực phá sản.

Từ những phân tích trên, xin kiến nghị: cần thay đổi cơ bản nhận thức về chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ hành nghề được cấp cho tất cả các cá nhân đã được đào tạo chuyên môn về nghề nghiệp với những điều kiện nhất định; chấm dứt việc “thi tuyển” để cấp chứng chỉ hành nghề; nâng cao vai trò của các hội nghề nghiệp trong việc giám sát việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp và bồi dưỡng nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin cho người hành nghề; chứng chỉ hành nghề không được coi là một điều kiện kinh doanh của một doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, đó cũng là vấn đề rất quan trọng cần được đặt ra, nghiên cứu giải quyết trong đề án 30 (đơn giản hóa thủ tục hành chính) đang triển khai.

(*) Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn quản lý và Đào tạo VFAM Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới