(KTSG) - Còn nhớ lúc chúng ta đưa ra những cam kết mở cửa thị trường để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lộ trình mở cửa hoạt động phân phối là rất chặt chẽ. Chẳng hạn, đối với các doanh nghiệp phân phối nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam thì chỉ được phân phối qua biên giới các sản phẩm phục vụ nhu cầu cá nhân, các chương trình phần mềm máy tính hợp pháp phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc vì mục đích thương mại.
- Các thách thức của thương mại Việt Nam trong những năm tới
- Giải pháp thu thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu có giá trị thấp qua sàn thương mại điện tử
Đến nay hoạt động phân phối hầu như mở rộng cửa, doanh nghiệp nước ngoài được quyền vào Việt Nam lập các sàn thương mại điện tử để phân phối không chỉ hàng sản xuất trong nước, mà còn làm cửa ngõ cho doanh nghiệp ở nước ngoài đưa hàng hóa vào bán cho người tiêu dùng trong nước. Đây cũng là xu hướng không thể khác được, vì cũng nhờ các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon mà doanh nghiệp trong nước có thể đưa hàng đi khắp thế giới đến tận tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta cần có những chính sách quyết liệt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bán hàng trực tiếp ra nước ngoài thông qua con đường thương mại điện tử. Các nền tảng thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada đều có mặt ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, như Shopee hiện đang hoạt động sôi nổi ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines - Lazada cũng vậy. Cần có những thỏa thuận để các sàn này khi hoạt động ở nước khác cũng mở rộng cửa cho doanh nghiệp trong nước tham gia bán hàng. Nếu các doanh nghiệp Trung Quốc lập được cửa hàng trên Shopee bày bán hàng hóa giới thiệu bằng tiếng Việt, định giá bằng tiền đồng, thanh toán dễ dàng thì người bán hàng Việt Nam cũng phải được mở cửa hàng bán các đặc sản trong nước cho người tiêu dùng ở Singapore hay Indonesia.
Song song đó, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ về mặt logistics cho hoạt động bán hàng ra nước ngoài như thế. Cước phí vận chuyển hàng đặt mua từ Trung Quốc về Việt Nam rất rẻ, có lúc rẻ hơn cả cước phí vận chuyển nội địa. Đó là nhờ nhiều yếu tố, trong đó có cả sự hỗ trợ trực tiếp từ chính quyền nhằm giảm chi phí vận chuyển và các hỗ trợ khác như miễn giảm thuế, áp dụng giá thuê kho bãi ưu đãi... Để hàng hóa Việt Nam cạnh tranh được ở các nước láng giềng trong khu vực, cần có những hỗ trợ như thế, nhất là chi phí vận chuyển. Nhà nước cũng có thể làm trung gian để có sự hợp tác giữa doanh nghiệp, các đơn vị vận chuyển như các hãng hàng không để mỗi bên góp một phần nỗ lực mới mong đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài một cách dễ dàng.
Chúng ta sốt ruột khi thấy các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein chào bán hàng giá cực rẻ, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng rồi thấy người mua trầm trồ về thời gian giao hàng nhanh, chi phí vận chuyển hàng rất thấp. Nhưng thay vì sốt ruột, nên thấy đó là động lực thúc đẩy cạnh tranh để doanh nghiệp trong nước cũng làm được như thế với hàng Việt chào bán ở các nước, kể cả Trung Quốc và các nước Đông Nam Á gần gũi. Người Việt có tiếng là thích ứng nhanh, số lượng hàng trăm ngàn cửa hàng mở trên các sàn thương mại điện tử trong một thời gian ngắn cho thấy điều đó. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, hy vọng người Việt sẽ thích ứng nhanh chóng với việc bán hàng ra nước ngoài vì chúng ta không thiếu các đặc sản được thế giới ưa chuộng.
Khi chưa có sàn TMĐT, giao dịch mua bán phải theo phương thức “chạm mặt/ lấy hàng”. Khi đã có sàn, chỉ cần “chạm phím/ giao hàng”. Nhanh/ gọn/ tiện/ lợi… đủ đường. Nhưng không vì thế mà văn hóa kinh doanh/ năng lực/ uy tín trên thương trường bị mất đi. Ngược lại là đằng khác, bất chấp tình trạng lừa đảo, giả tạo muôn hình, muôn vẻ của thế giới ảo đang lan tràn và áp đảo, cuối cùng cái thực, cái đúng, cái văn minh vẫn luôn ở thế thắng. Đằng sau cái “giao diện” sàn TMĐT có vẻ như rất hoành tráng, vẫn không thể nào thiếu vắng các nhà sản xuất, người tiêu dùng, hàng hóa sản phẩm… thực thụ. Nền kinh tế thực, truyền thống văn hóa kinh doanh thực, vĩnh viễn không bao giờ mất đi, cho dù các kiểu “giao diện” trên internet có biến đổi, hiện đại đến cỡ nào đi nữa.
Sàn TMĐT đang phục vụ cho hãng ngoại/ hàng ngoại là chính. Trong khi hàng nội, hàng ta, vẫn còn ít. Ví dụ, hàng OCOP đang rất phổ biến, nhiều sản phẩm độc đáo, khác biệt, mang đậm tính địa phương… Nhưng vẫn chưa được khai thác tốt trên sàn ?