(KTSG Online) – Cuối tháng 4-2024, đoàn thanh tra của Uỷ ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra việc khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Ban chỉ đạo quốc gia về IUU đã đặt ra những yêu cầu cần thực hiện triệt để, nhằm xóa được “thẻ vàng” của EC trong lần kiểm tra này.
Tại cuộc họp lần thứ chín của Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) diễn ra ở tỉnh Kiên Giang mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá việc khắc phục đã có những chuyển biến rất tích cực. “Đoàn kiểm tra lần thứ 4 của EC (tháng 10-2023- PV) đánh giá như vậy và tôi xin biểu dương các địa phương đã tích cực thời gian qua”, ông nói.
Tuy nhiên, ông cho biết, những “chuyển biến” được EC đánh giá cao vẫn chưa đủ để họ ra quyết định gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam, việc khai thác hải sản vẫn còn xảy ra những sai phạm nhất định cần tiếp tục được khắc phục.
Bốn lần EC kiểm tra, tàu cá vi phạm vẫn diễn ra
Từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của EC vào tháng 10 năm ngoái, tình trạng tàu cá của Việt Nam vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn diễn ra.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, sau lần kiểm tra thứ 4 của EC đến nay, tiếp tục xảy ra 17 tàu với 190 ngư dân bị các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia bắt giữ, xử lý. Trong đó, xác định được 11 trên 17 tàu, bao gồm Kiên Giang 6 tàu, Cà Mau 3 tàu, Tiền Giang và Quảng Ngãi mỗi địa phương 1 tàu; 6 tàu còn lại chưa xác minh được do sử dụng số đăng ký giả hoặc xoá số đăng ký.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, có tổng cộng 64 tàu với 550 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Trong đó, vi phạm ở Malaysia 39 tàu, Thái Lan 17 tàu và Indonesia 8 tàu. Tuy nhiên, mới xác minh được 37 tàu, bao gồm Kiên Giang 20 tàu, Cà Mau 6 tàu, Bình Định 4 tàu, Bến Tre 3 tàu. “Hiện còn 27 tàu chưa xác minh được của tỉnh nào do sử dụng số đăng ký giả hoặc xoá số đăng ký”, ông Hùng nói.
Ngoài vi phạm vùng biển nước ngoài, ông Hùng cho biết, hiện cả nước còn khoảng 15.198 tàu cá “3 không”, tức không đăng ký, không đăng kiểm và không cấp phép. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Bình Thuận với 1.868 chiếc. “Tình trạng tàu cá mua bán, sang tên đổi chủ giữa các địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là ở Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng”, ông Hùng nêu thực trạng.
Một số địa phương thực hiện chưa nghiêm việc ngừng đóng mới, cải hoán tàu cá, mua bán chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng theo quy định, nhất là các tàu từ 15 mét trở lên, dẫn đến tàu “3 không”, theo Cục kiểm ngư.
Ông Hùng cũng cho biết, tình trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) xảy ra còn phổ biến khi từ năm 2023 đến nay có gần 5.000 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày. “Hành vi vi phạm vận chuyển, gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác nhằm trốn tránh sự theo dõi của cơ quan quản lý đang diễn ra phức tạp, nhất là ở tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bà Rịa- Vũng Tàu”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, việc kiểm soát nhật ký khai thác phục vụ truy xuất nguồn gốc thuỷ sản đến nay tại nhiều địa phương vẫn không đảm bảo theo quy định; chưa triển khai thống nhất, đồng bộ trong cả hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi, kiểm soát công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác trong nước.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá việc còn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài có ảnh hưởng rất lớn đến việc gỡ "thẻ vàng".
Ba việc cần làm để được gỡ ‘thẻ vàng’
Trước thực trạng nêu trên, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói rằng có ba vấn đề cần tập trung giải quyết. Đầu tiên là phải quản lý/giám sát được đội tàu, muốn vậy phải thống kê được. Theo ông, muốn giám sát được tổng số 886.820 chiếc tàu thì cần phải biết rõ có bao nhiêu tàu loại từ 6 đến 12 mét, bao nhiêu từ 12 đến 15 mét, bao nhiêu từ 15 đến 24 mét và bao nhiêu trên 24 mét. “Còn màu sơn, phải tuyệt đối 100% cùng màu”, ông nói.
Thứ hai, về truy xuất nguồn gốc, với hải sản đánh bắt trong nước, tất cả phải có nhật ký, trong đó, phải ghi rõ tọa độ thả lưới, kéo lưới, thời gian… “Tất cả nhật ký chúng ta hầu hết là viết lại, thậm chí chép y hệt nhau, thế thì truy xuất làm sao?”, ông Tiến đặt vấn đề. Ông cho rằng, quản lý tàu mới được khoảng 4-5%, quản lý cá nhiều nhất cũng chỉ 15% là không thể gỡ thẻ vàng được.
Đối với cá nhập khẩu, bao gồm hàng xá, hàng rời hay container cũng phải tuân thủ ghi chép nhật ký chi tiết minh bạch, thì việc cấp xác nhận SC (giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác) hay CC (giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác) mới chuẩn. Ông Tiến đề nghị các địa phương có khai thác hải sản phải nắm, chứ không phải đối phó khi có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Ban chỉ đạo chống khai thác IUU kiểm tra.
Thứ ba, đối với xử lý vi phạm hành chính, ông cho biết đã báo cáo, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuỷ sản và Nghị định 42/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản, nhằm xử lý vi phạm triệt để hơn.
“Ba tháng tới, chúng ta phải làm gì?”, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đặt câu hỏi và đề nghị các địa phương không để xảy ra tình trạng tàu cá bị bắt ở nước ngoài, nếu có cũng chỉ 1-2 tàu vì con số phải dưới 20 tàu.
Theo ông, qua vụ việc toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang đưa ra xét xử tội “tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” - vụ án đầu tiên ở Việt Nam được đưa ra xét xử liên quan đến chống khai thác IUU - đã có tác động tích cực trong chống khai thác IUU.
Nếu triển khai đồng bộ, có hiệu quả việc quản lý/kiểm soát tốt tàu cá; truy xuất nguồn gốc hải sản cũng như tăng cường khả năng xử phạt các vi phạm liên quan chống khai thác IUU, thì việc hải sản Việt Nam được EC gỡ “thẻ vàng” vào cuối tháng 4-2024 là khả thi.