Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần lập lại trật tự

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần lập lại trật tự

Ngọc Lan

(TBKTSG) – Sau những tranh cãi xung quanh việc điều hành giá xăng dầu, dư luận đang đặt câu hỏi: Nhà nước cần làm gì để lập lại trật tự trên thị trường xăng dầu?

Dùng Luật Cạnh tranh để giải quyết lợi ích nhóm

Một ngày trước khi diễn ra cuộc hội thảo về việc điều hành giá xăng dầu, 19-9, Tòa án Nhân dân tối cao ở Hà Nội xét xử phiên phúc thẩm công khai về vụ Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco) kiện quyết định của Hội đồng cạnh tranh sau khi hội đồng này đưa ra mức phạt 3,37 tỉ đồng (tháng 4-2009) với lý do Vinapco vi phạm Luật Cạnh tranh. Vinapco là doanh nghiệp độc quyền cung cấp xăng dầu hàng không trên thị trường nhưng đã tự ý tăng giá bán và tự ý ngừng cung cấp nhiên liệu cho hãng hàng không Pacific Airlines.

Cuối cùng tòa án khẳng định quyết định xử phạt của Hội đồng cạnh tranh (thành viên gồm liên bộ Công Thương, Tư pháp, Tài chính) là đúng trình tự thủ tục và tòa giữ nguyên các quyết định xử phạt Vinapco.
Câu chuyện nói trên có nhiều điểm tương đồng với trường hợp điều hành giá xăng dầu và việc quản lý các doanh nghiệp xăng dầu hiện nay. Vì vậy, có thể vận dụng kinh nghiệm từ trường hợp này để quản lý thị trường xăng dầu tốt hơn.

Để có được một thị trường xăng dầu ổn định, tốt nhất là cho nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường xăng dầu.

Gần đây nhiều doanh nghiệp, đại lý bán hàng ở một số tỉnh miền Tây (như lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết tại cuộc hội thảo hôm 20-9) đã tự ý ngừng bán xăng dầu do Nhà nước không chấp nhận đề nghị tăng giá bán từ các doanh nghiệp đầu mối. Chuyện này được lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra như là nguyên nhân để thỏa hiệp với yêu cầu tỷ giá của doanh nghiệp vì họ coi mục tiêu đảm bảo nguồn cung là yêu cầu số một.

Nhưng chưa cần xét đến các yếu tố khác, việc tự ý ngừng cung cấp xăng dầu mà không có lý do chính đáng đã vi phạm Nghị định 84. Nếu nơi ngừng cung cấp chỉ ở cấp độ đại lý, Nhà nước hoàn toàn có quyền rút giấy phép kinh doanh. Ở mức cao hơn, nếu đại lý (hoặc doanh nghiêp) đó thuộc quyền quản lý của các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối xăng dầu đang chi phối thị trường thì chính doanh nghiệp xăng dầu sẽ bị nhận hình phạt khác. Bởi theo Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp không được lợi dụng vị trí độc quyền hay thống lĩnh thị trường để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết (với người tiêu dùng) mà không có lý do chính đáng. Việc rút giấy phép kinh doanh chưa bao giờ được Bộ Công Thương đặt ra.
Trong khi Petrolimex kêu kinh doanh xăng dầu thua lỗ thì cũng chính Petrolimex cùng hai cổ đông khác thành lập Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội (Mipec) và tích cực đề nghị Bộ Công Thương cấp phép để trở thành đầu mối nhập khẩu xăng dầu thứ 12 trên thị trường. Giấy phép này cũng mới vừa được cấp trong tuần qua.

Hành động nhằm gia tăng sự thống lĩnh thị trường của Petrolimex đi ngược lại với lời kêu ca rằng họ đang lỗ lã và muốn rút khỏi thị trường.

Trong trường hợp này có thể dùng Luật Cạnh tranh để giải quyết những bất hợp lý trên thị trường xăng dầu hiện nay và hạn chế sự tác động của các nhóm lợi ích.

Nhà nước nên chia nhỏ thị phần

Thời gian qua các doanh nghiệp xăng dầu liên tục đòi Nhà nước thực hiện cơ chế điều hành giá theo Nghị định 84. Họ muốn được phép tự điều chỉnh giá ở mức 7% khi giá thị trường có biến động. Cho dù đến nay, Nhà nước chưa cho phép doanh nghiệp thực hiện cơ chế giá theo Nghị định 84 vì e ngại ảnh hưởng đến lạm phát và an sinh xã hội, song nếu chiếu theo Luật Cạnh tranh, Nhà nước vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát việc tăng giá của các doanh nghiệp độc quyền khi Nghị định 84 đi vào thực tế.

Nếu Petrolimex và ba doanh nghiệp khác (chiếm hơn 90% nguồn cung) có những hành động tăng giá bất hợp lý, không được người tiêu dùng chấp nhận thì họ sẽ chịu những hình phạt không khác gì trường hợp 15 doanh nghiệp bảo hiểm thống nhất nâng phí bảo hiểm hồi năm 2010 hay Vinapco lợi dụng địa vị thống lĩnh thị trường đơn phương ký quyết định ngưng bán xăng gửi Jetstar Pacific trước đó.

Song vấn đề của Nhà nước không phải là đợi doanh nghiệp làm sai và quyết định trừng phạt. Để có được một thị trường xăng dầu ổn định, nói như nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển: “Tốt nhất là cho nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường xăng dầu”. Tính cạnh tranh của thị trường và quy luật đào thải sẽ giúp hệ thống phân phối, kinh doanh xăng dầu lớn mạnh lên, giúp Nhà nước loại bỏ được các hành vi can thiệp mang tính hành chính, thiếu công bằng hay áp đặt. Nên bắt đầu ngay bằng việc chia nhỏ Petrolimex, đơn vị hiện đang nắm hơn 60% thị phần với vô vàn lợi thế mà Nhà nước ưu ái.

Ví dụ như chỉ cần chia nhỏ hệ thống 2.100 cửa hàng bán lẻ của Petrolimex với gần 7 triệu mét vuông đất do Nhà nước cấp ở các vị trí thuận lợi, chắc chắn diện mạo thị trường xăng dầu sẽ thay đổi đáng kể. Hiện nay, diện tích đất này không được tính vào giá trị Petrolimex khi cổ phần hóa nhưng đang mang lại ưu thế lợi nhuận lớn nhất cho doanh nghiệp, chính bản cáo bạch của họ đã khẳng định như vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới