(KTSG Online) - Kịch bản “sống chung với đại dịch” đang dần trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Điều này đặt doanh nghiệp buộc phải sáng tạo hơn trong hoạt động kinh doanh, để thích ứng với các biến đổi của môi trường kinh doanh trong và hậu đại dịch.
Sáng tạo để tồn tại
Những con số thống kê nối tiếp nhau đang dần điểm rõ sự khốc liệt mà dịch bệnh Covid-19 hiện đem lại cho doanh nghiệp. Trong 8 tháng đầu năm đã có 85.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 24,2% (riêng TPHCM chiếm 28,1%). Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn chiếm đến 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi” mới đây, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết trong hai tháng vừa qua, nền kinh tế TPHCM chỉ hoạt động khoảng 20%, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động của doanh nghiệp.
Nhưng ở góc độ khác, nhiều chuyên gia cũng tin rằng đây cũng là phép thử đối với các doanh nghiệp, làm thế nào để xây dựng kế hoạch thích ứng, chuyển đổi để có thể trước mắt là tồn tại, sau đó là phát triển bền vững hơn.
Không chỉ với những doanh nghiệp đang tạm đóng cửa theo yêu cầu phòng chống dịch, những yêu cầu thay đổi còn cần thiết hơn đối với những doanh nghiệp hiện đang nỗ lực “trụ” lại để duy trì sản xuất.
“Chúng tôi may mắn là doanh nghiệp được hoạt động 3T (3 tại chỗ - PV), nhưng chúng tôi phải đếm từng ngày khi thực hiện”, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ. Với tính an toàn được đặt lên cao nhất, phương án 3T không chỉ khiến chi phí sản xuất doanh nghiệp tăng vọt, mà còn phụ thuộc nhiều vào sự kỷ luật của người lao động.
Theo bà Phương, yêu cầu lớn nhất là an toàn tối đa, nhưng sau một tháng thì đã phát sinh thêm nhiều nhu cầu khác cho lao động tại chỗ như thư giãn, giải trí. Do đó, việc tương tác, duy trì truyền thông hàng ngày là cực kỳ quan trọng. “Điều này trở nên đặc biệt quan trọng hơn sau 30 ngày họ ở công ty”, bà Phương nói.
Đến nay, với quy mô sản xuất hơn 1.000 người và được vận hành 3T trong khoảng hơn 3 tháng, Tân Hiệp Phát vẫn đang sáng tạo nhiều phương thức để kiểm soát dịch và đang thử nghiệm liên tục, như phương án tầm soát thân nhiệt, vòng tay theo dõi,… bà Phương chia sẻ.
Ngoài những dự án sáng tạo liên tục để duy trì sản xuất, trong Tân Hiệp Phát cũng “đi ngược” với sự gián đoạn của chuỗi cung ứng. Theo đó, Tân Hiệp Phát không tăng giá sản phẩm mà thậm chí còn duy trì khuyến mãi, hỗ trợ giá.
Theo bà Phương mục tiêu của việc giảm giá là giúp hỗ trợ sản phẩm đến tay người tiêu dùng, đồng thời cũng giúp giữ mức lợi nhuận cho hệ thống cung ứng, bởi vì không chỉ vượt đại dịch lần này mà còn để phát triển cho trung và dài hạn.
Yếu tố thay đổi thứ ba mà nữ lãnh đạo tập đoàn nước giải khát nhấn mạnh là sự linh hoạt hơn về quản trị nhân sự. Các bài toán cần phải giải là như nên “Tập quyền” hay “tán quyền” để có thể quyết định nhanh, hay quy trình làm việc tại nhà, tương tác với nhân viên.
Sáng tạo để thích ứng với xu hướng mới
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, đánh giá đại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường và tác động không chỉ trong thời gian ngắn. Do vậy, để thích ứng với tình hình này, các doanh nghiệp cần xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh mới bởi các quy trình, hệ thống, nguyên tắc trước đây có thể chỉ phù hợp trong bối cảnh cũ.
Để thực hiện chuyển đổi trong bối cảnh “sống chung với đại dịch” thì hẳn nhiên mỗi doanh nghiệp đều cần phải có cho riêng mình kịch bản, tùy thuộc vào các yếu tố đầu vào khác nhau.
Ở Tân Hiệp Phát, tập đoàn này ước tính có 4 kịch bản khác nhau để dự trù, phụ thuộc vào yếu tố dịch bệnh, biến đổi xã hội và cả nguồn lực kinh tế. Theo bà Phương, doanh nghiệp không tính toán theo kiểu ưu tiên một hướng, mà cần cân nhắc tất cả tình huống có thể hoạch định để có hướng đi sáng tạo nhất trong kinh doanh.
Một trong những xu hướng mà nữ lãnh đạo của Tân Hiệp Phát nhận định là sức khỏe sẽ là trọng tâm của xu hướng tiêu dùng trong tương lai. Đại dịch Covid-19 cũng khiến cho xu hướng tiêu dùng giảm chi tiêu sản phẩm không thiết yếu, hoặc được xem là không tốt cho sức khỏe.
Một xu hướng quan trọng khác là việc không gian kinh tế số đang rộng mở. Theo ước tính GS.TS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), ước tính khoảng 70% giá trị mới được tạo ra trong nền kinh tế trong thập kỷ tới sẽ dựa trên các mô hình kinh doanh nền tảng được hỗ trợ kỹ thuật số.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đánh giá rằng nhiều doanh nghiệp đã quan tâm chuyển đổi mô hình hoạt động, số hóa trong các khâu vận hành, quản lý, khai thác, giao nhận vận tải và tạo nên những làn sóng lan tỏa trên thị trường.
“Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường đều là những doanh nghiệp đã và đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng của dịch Covid-19.”, ông Phòng cho biết.
Chủ động, có lòng tin vào sự thay đổi là điều kiện cần để doanh nghiệp có thể thay đổi trong bối cảnh “bình thường mới”, nhưng điều kiện đủ sẽ là sự sáng tạo và linh hoạt hơn trong các phương thức kinh doanh. “Đại dịch tiếp tục cho đến khi nào là câu hỏi khó giải đáp, nhưng đại dịch càng dài thì chi phí càng cao. Nhưng chúng tôi cũng phải đặt câu hỏi về việc sản phẩm phẩm phải phù hợp với người tiêu dùng và bằng cách nào có thể chuyển giao cho họ”, bà Phương kết luận.
Không thể có sáng tạo trong một môi trường kinh doanh gần như bị chia cắt/ đứt gãy. Chính vì vậy trước khi có sáng tạo thì phải có sự điều hành sáng suốt của các cấp có thẩm quyền.